Bức tranh vương sắc đỏ: Máu, nước mắt hay niềm giận dữ?

Bức tranh vương sắc đỏ: Máu, nước mắt hay niềm giận dữ?

Published by quockhanhnews on

0 0
Read Time:6 Minute, 9 Second

(FTUNEWS) – Lượng băng tan đạt đến mức kỷ lục, hơn 40% số lượng gấu Bắc Cực đã giảm trong một thập kỷ qua, hơn 73.000 vụ cháy rừng diễn ra tại Brazil, rừng Amazon cháy đến mức báo động,… – những sự kiện nghiêm trọng diễn ra liên tục chỉ nội trong 8 tháng đầu năm 2019 đã và đang đặt vấn đề tự nhiên vào vòng tròn nguy cấp. Liệu chăng, đó là lời van nỉ, nỗi đau hay sự giận dữ và đe doạ của tự nhiên cho hành động của con người?

Biến đổi khí hậu là vấn đề đã được đặt lên bàn cân từ rất lâu, song đến hơn 1 năm trở lại đây, nó mới thực sự nhận được mức quan tâm cao khi các thảm hoạ tự nhiên xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều với mức độ nghiêm trọng đáng kể. Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người mà còn gây hại cho nhiều sinh vật vô tội khác. 

Hình ảnh những chú gấu Bắc Cực chết dần vì đói, cá và các sinh vật biển khổ sở với lượng rác thải nhựa cực lớn trôi dạt ở đại dương là bằng chứng tố cáo tình trạng sức khoẻ đang ngày một yếu dần của hành tinh chúng ta. Đặc biệt, vài tháng trở lại đây, cả xã hội bàng hoàng và đau đớn hơn khi một phần lớn diện tích rừng Amazon đã bị thiêu rụi. Được mệnh danh là lá phổi xanh của Trái Đất, rừng Amazon cung cấp hơn 20% lượng oxi cho bầu khí quyển, nuôi sống hàng triệu người và hàng nghìn sinh vật khác. Lá phổi của hành tinh nay cũng dần chuyển màu đỏ, như một cơ thể đang bị tế bào “ung thư” hoành hành, bởi cháy cứ lan rộng và cho đến nay vẫn chưa có thể dập tắt được. Không chỉ Amazon mà nhiều cánh rừng khác tại Brazil cũng đang bị thiêu rụi. Bức tranh Brazil từ không gian chỉ còn là những đốm, vùng đỏ rực. Hình ảnh những cánh rừng xơ xác trơ trụi chẳng khác nào “nghĩa địa”, muôn loài tại cánh rừng mưa lớn nhất thế giới này đang kêu cứu, gào thét và chết đi trong sự bất lực. Quả thực, tự nhiên càng bị huỷ hoại, máu và nước mắt các loài càng đổ xuống nhiều hơn và viễn cảnh đối mặt với cái chết của con người cũng trở nên gần kề.

Quả không ngoa, chúng ta đều nhận thấy được cơn thịnh nộ của tự nhiên ngày càng mãnh liệt hơn, đến mức, con người ta cũng bắt đầu cảm thấy lo sợ. Và âu cái gì cũng có lý do của nó. Sự phát triển nhanh chóng của xã hội và sinh hoạt của con người thải ra một lượng rác thải lên đến hơn 2 tỷ tấn, có thể nhấn chìm cả thế giới trong biển rác nếu con số này tiếp tục tăng với tốc độ chóng mặt như hiện nay. Rác thải nhựa – cái tên được nhắc rất nhiều có thể là minh chứng cho hậu quả của sự tiện lợi mà bản thân chúng ta vẫn rất ưa chuộng. Hẳn ai cũng biết thời gian phân hủy của nhựa là rất lâu dài, có thể lên đến 10 thế kỷ. Mặc dù vậy, người ta vẫn sử dụng và thường xuyên nhất đó là túi ni lông, ly nhựa hay các dụng cụ dùng một lần. Những loại vật phẩm này có ưu điểm là rẻ, dễ dùng và rất tiện. Nhưng đáng tiếc, nó lại chỉ được sử dụng một lần rồi lại bị vứt đi. Việc người tiêu dùng sử dụng loại sản phẩm này trong thời gian tương đối dài đã góp phần làm cho lượng rác thải tăng đến mức “báo động đỏ”.

Không chỉ có rác, sự phát triển công nghệ cũng thải ra lượng khí độc và nước thải lớn gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Và cái giá cho sự phá hoại môi trường mà con người nhận lại đến bây giờ thì rõ ràng rất đắt. Con người gây bệnh cho hành tinh cũng chính là đang tự đào mồ chôn mình. Theo báo cáo được công bố ngày 13/3 của Liên Hợp Quốc, tình trạng ô nhiễm do chính con người gây ra là nguyên nhân dẫn tới 25% ca chết non và bệnh tật trên toàn thế giới. Không những vậy, bản thân Trái Đất cũng đang đáp trả nhân loại bằng những quả “chát” khi bão lũ, thiên tai và đặc biệt là cháy rừng ngày càng diễn ra nhiều. Bởi chăng là “nhân quả” khi hành tinh chúng ta đã vượt quá giới hạn chịu đựng và chính con người đang nhận lấy tất cả những điều tồi tệ mà mình đã trút lên mẹ thiên nhiên.

Mỗi đốm đỏ xuất hiện trên cánh rừng Amazon, mỗi khối băng tan tại Bắc Cực là mối đe doạ đến sự sống trên toàn thế giới. Song, để biến “đỏ” thành “xanh”, hành động bây giờ thì chưa hẳn đã muộn. Để chữa lành vết thương cho mẹ thiên nhiên, cần phải có những bước đi sáng suốt và hành động hiệu quả. Chiến dịch “loại bỏ, cắt giảm rác thải nhựa” được quan tâm gần đây rất tích cực, tuy nhiên cũng cần có sự hiểu biết đúng đắn để nâng cao tính tối ưu. Giảm nhựa không đồng nghĩa với việc bạn phải vứt đi tất cả các loại vật dụng bằng nhựa đang có trong nhà và thay hoàn toàn bằng đồ dùng được làm từ nguyên liệu khác. Việc vứt bỏ như vậy không những không làm giảm mà còn đưa lượng rác thải tăng lên nhanh chóng hơn. Chính vì thế, để hiệu quả, với những vật dụng phải thay định kỳ như bàn chải đánh răng chẳng hạn, bạn có thể tiếp tục sử dụng cho đến khi phải thay thì hẳn sử dụng mới bằng bàn chải tre. “Cắt giảm rác” đồng nghĩa với việc “giảm các loại sản phẩm sử dụng một lần”. Những bình thuỷ tinh, ly inox, hay kể cả bình nhựa cá nhân vẫn được chấp nhận nếu nó sử dụng được nhiều lần. Tuy nhiên, vẫn tốt hơn nếu chúng ta ưu tiên các sản phẩm dễ dàng phân huỷ và không độc hại.

Chúng ta không thể nào hoàn toàn ngăn chặn được sự suy yếu hằng ngày của môi trường. Việc chúng ta có thể làm bây giờ là từng bước cứu lấy hành tinh của mình ngay từ những hành động nhỏ nhoi và sau đó lan toả đến mọi người xung quanh. “Tích tiểu thành đại”, cứu Trái Đất cần có sự chung tay và kiên trì. Bức tranh tràn sắc đỏ vẫn có cơ hội được nhuộm xanh một lần nữa, bởi “nó không bất khả thi”.

Bài viết: Quỳnh Như

Thiết kế: Hoàng Vy

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %