Chuyện nghề – Hiểu và yêu

Chuyện nghề – Hiểu và yêu

Published by ftunews2 on

0 0
Read Time:3 Minute, 13 Second

(FTUNEWS) – Có những câu chuyện tựa hồ quá cũ nhưng khi sờ lại, ta thấy nó kì bí khó mà tưởng tượng. Có những con người dường như quá quen khi hàng ngày cứ vậy lướt qua ta bằng ánh nhìn cũ kĩ, nhưng nhìn lâu và sâu – ta bàng hoàng nhận ra mình chẳng hiểu gì về họ. Câu chuyện về nghề và người làm nghề cũng tồn tại những thứ bí ẩn như vậy. 

Ai cũng có tự sự

Một chiều café, tôi tìm đến cuốn sách “Việt Nam ngày nay – chuyện mưu sinh”. Đó là lời tự sự của rất nhiều người làm rất nhiều nghề khác nhau, từ những công việc được xem là “thấp hèn” nhất của xã hội đến những việc chỉ cần “ngồi mát xơi bát vàng”. Ở bề nổi, người ta miêu tả những công việc đó với các tính từ như vậy, nhưng sâu bên trong, còn nhiều thứ khiến ta phải nghĩ hơn là so sánh một cách hồ đồ.

Chúng ta – ai mà chẳng có một câu chuyện để kể, những câu chuyện về cuộc mưu sinh khốc liệt lại càng là bản hùng ca vĩ đại nhất của đời người. Dù là kẻ làm nghề Giám đốc hay người làm nghề Osin cũng có sự trải đời và suy ngẫm riêng trên hành trình sống còn của họ. Chỉ là dưới lớp phù du của ước mơ và hi vọng, người ta ít để ý đến những mặt khuất trong đời sống rất thường nhật của những người xung quanh mình.

Từ vô danh đến hữu danh – đều là những hạt ngọc

Những câu chuyện của từng người trong cuốn sách làm tôi có cảm giác họ chính là người “nghệ sĩ tài hoa”. Thật vậy, bất cứ một nghề nào, dù được “định vị” ở vị trí nào trong xã hội cũng mang những đặc thù riêng mà phải qua quá trình rèn luyện và thân thuộc đến độ xem nó như một phần trong đời thì mới có thể trở thành bậc thầy. Và trong những năm tháng gắn mình với cái nghề – mà nhiều khi là cái nghiệp đó, người ta nhận ra nhiều thứ về cuộc đời, về chính mình và về khát khao hạnh phúc trong từng công việc mình làm. Bởi lẽ đó, suốt cuốn sách, xuyên mọi lĩnh vực ngành nghề, chân dung người lao động luôn hiện ra với sự hiểu biết sâu sắc và cái tâm đối với con đường mưu sinh của mình. Như lời một người thợ sửa điện giãi bày: “Thiên đường sẽ không hoàn chỉnh nếu không có đồ cần sửa”. Chính sự hiểu biết (tôi gọi là thông tuệ) và lòng yêu nghề đó đã làm những tiếng chổi trong đêm, tiếng khoan, tiếng rao hàng trở thành âm thanh đáng trân trọng hơn cả trong cuộc sống này.

Chúng ta có thật sự hiểu ngành nghề của mình?

Nhiều cuộc đời đã được kể trong cuốn sách, đó là hình ảnh tuy thô ráp mà chân thật nhất của người lao động Việt Nam. Cuốn sách là tác phẩm của một Tiến sĩ nước ngoài, nhưng đủ ám ảnh để khiến người Việt ta nhìn lại cuộc đời mà mình đã sống, hoài nghi về sự hiểu biết của mình về con người và những ngành nghề vẫn hàng ngày tạo nên xã hội. Và đối với chính ta, ta có cơ hội nhìn lại ngành nghề mà mình đang theo học, liệu ta có hiểu và chắc rằng mình sẽ đặt cả tâm tư vào công việc đó trong tương lai? Câu hỏi này, với một số người, có lẽ vẫn còn cần một hành trình để giải đáp.

Yang Yang

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %