Chuyện những người đưa đò ở Ngoại thương

Chuyện những người đưa đò ở Ngoại thương

Published by FTUNEWS on

0 0
Read Time:7 Minute, 42 Second

(FTUNEWS) – Tìm đến các thầy cô trong không khí tri ân của những ngày Hiến chương Nhà giáo, FTUNEWS được lắng nghe những bộc bạch chân thành từ 3 đôi tay cầm phấn: thầy Võ Khắc Thường, thầy Nguyễn Tuấn Dương và cô Nguyễn Thị Mai. Ba thế hệ, ba câu chuyện khác nhau nhưng đều xoay quanh nghề giáo – nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.

Cơ duyên chọn nghiệp trồng người

Với thầy Võ Khắc Thường, câu chuyện bắt đầu khi học hết phổ thông, thầy vào đại học thì đất nước giải phóng. Ngày ấy, Sư phạm chưa phải là ngành được nhiều quan tâm, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, thầy chọn vào Sư phạm. Quá khó khăn, tình thế buộc chàng sinh viên ấy phải đi dạy kèm, “thầy đã làm thầy trước khi có bằng cấp làm thầy”. Nghề giáo với thầy lúc ấy vừa để đóng góp cho xã hội, vừa để kiếm cơm áo gạo tiền. Vượt qua thách thức của cuộc đời, thầy tốt nghiệp và gắn bó với nghề giáo cho đến hôm nay.

10811676_364193637093786_1655874651_n

“Đến với nghề giáo như một cái duyên” – thầy Tuấn Dương chia sẻ khi mở đầu câu chuyện. Có ba mẹ làm trong ngành giáo dục, thầy được dịp tiếp xúc với môi trường sư phạm trong gần 30 năm. Khi thầy Dương học năm ba, cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học đã đánh dấu bước chuyển mình trong suy nghĩ của thầy, thầy muốn ở lại trường, gắn bó với công việc nghiên cứu và giảng dạy. Vậy là, Ngoại thương đón chào một người quen mà lạ – giảng viên trẻ Tuấn Dương.

NGUYEN TUAN DUONG 2

Là một trong những gương mặt giảng viên thân quen đối với thế hệ sinh viên năm nhất Ngoại thương ở bộ môn Nguyên lý 2, những ngày chưa bước vào nghiệp cầm phấn, cô Nguyễn Thị Mai đã từng nghĩ: “Là một sinh viên kinh tế, có lẽ sau này mình sẽ đi làm như đúng chuyên ngành”. Nhưng sau bốn năm dưới mái trường đại học, được sự tác động của các giảng viên, cô nhận ra môi trường sư phạm sẽ là lựa chọn đúng đắn để cô phát triển công việc nghiên cứu của mình.

10711787_364193633760453_241547183_o

“Mỗi nghề có một lời ru 
Dở hay thầy cũng chọn ru khúc này”

Có thể nói, mỗi người cầm phấn đều có những câu chuyện của riêng mình để đến với bục giảng, đến với cái nghiệp trồng người cao cả đầy bao dung. Thầy, Cô, cũng như bao người đưa đò cần mẫn ở Ngọai thương, đều đã có cho mình những câu chuyện về những cơ duyên lặng thầm mà diệu kì như thế.

Mùa tri ân ở Ngoại thương

"Ở Ngoại thương, 20/11 không nhộn nhịp nhưng đầy đủ, với thầy, đôi lúc một cành hoa, một tấm thiệp cũng làm nên một mùa tri ân đầy ý nghĩa" – những lời tâm sự của thầy Thường như khắc vào lòng FTUNEWS xúa cảm khó tả về những mùa tri ân trên giảng đường đại học – những ngày nhớ ơn chân thành nhưng không rộn rã như thời phổ thông cắp sách đến trường. Có lẽ, vì môi trường học tập linh hoạt và có tính "thời vụ" theo môn học, ở mái trường đại học, người ta ít cảm nhận được không khí "gia đình" giữa các giảng viên và sinh viên đậm sâu như bậc trung cấp.

Nhưng những người cầm phấn ở đây cũng vẫn bao dung vậy, lấp đầy sự khác biệt về thời gian gắn bó bằng chiều sâu con chữ, bằng bề rộng của tri thức, bằng sự miệt mài cho đi.

“20/11 thầy cô được động viên bởi tình cảm của các bạn” – thầy Tuấn Dương tâm niệm, việc bạn sống có ích cho xã hội là một cách tri ân lớn lao. Với thầy, niềm vui đến từ những là thư chia sẻ hay một quyển sách được sinh viên gửi tặng còn ý nghĩa hơn cả những vật phẩm đắt tiền.

Gía trị của lòng biết ơn

Lòng biết ơn không chỉ có ý nghĩa trong vòng xoay "cho – nhận", nơi giảng đường, đó còn là tinh thần trọng đạo tôn sư mà mỗi thế hệ sinh viên hướng về nhà giáo. Lòng biết ơn đó có thể chỉ đơn giản là những cuộc gọi điện hỏi thăm thầy cô, viết một lá thư tay, hay một câu chúc chân thành. "Lòng tri ân không nên chỉ là việc của ngày 20/11, mà nên là thứ đi theo chúng ta trong suốt cuộc đời" – cô Mai chân thành bộc bạch. Và hơn hết, cách mỗi chúng ta sống tốt, sống có tự trọng, sống có giá trị trên quãng đời sau cũng chính là cách bày tỏ lòng tri ân thầy cô chân thành nhất, bởi đó là những mong mỏi duy nhất của những người cầm phấn nơi giảng đường. Câu nói của thầy Tuấn Dương cũng là thông điệp cuối cùng mà FTUNEWS muốn nhắn gửi tới các bạn sinh viên: “Sống bằng lòng biết ơn, bạn sẽ thành công.”

Tình cảm thầy trò là tình cảm thiêng liêng và đáng trân trọng trong cuộc đời mỗi con người. Ngày tôn vinh Nhà giáo Việt Nam sắp đến, FTUNEWS xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến những người làm nghề giáo nói chung và các giảng viên trường Đại học Ngoại thương Cơ sở II nói riêng. Chúc các thầy cô luôn giữ mãi ngọn lửa đam mê với nghề giáo và thành công hơn nữa trong sự nghiệp giảng dạy của mình!

Thùy Vân + Minh Thái

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %