Hạnh phúc chuẩn Việt là gì?

Hạnh phúc chuẩn Việt là gì?

Published by ftunews2 on

0 0
Read Time:5 Minute, 48 Second

Tôi – một cô gái mới chập chững bước vào tuổi 20 và là sinh viên năm thứ hai của một trường đị học. Tuổi thơ tôi chưa bao giờ cảm nhận được hai từ “Hạnh phúc”. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình dân tộc thiểu số nghèo, đông con, 4 tuổi tôi đã biết theo bố mẹ lên nương gieo bắp, tỉa đậu, cắt cỏ, gánh nước, chăn bò,…khi vào tiểu học, tôi phải đi bộ 5 cây số để đến trường và niềm mơ ước lớn nhất của tôi khi đó là có được một đôi dép lành lặn để đến lớp vì nếu có nó tôi sẽ không phải dấu diếm đôi dép chắp vá của mình trong ba lô. Lên cấp 2 và cấp 3 tôi đạp xe 15 cây số để đến trường, một ngày đạp đi đạp về hết thảy 4 lần, nhiều khi tôi muốn bỏ học vì tôi nghĩ trên đời này chẳng ai khổ và bất hạnh như tôi. Một câu hỏi luôn xuất hiện trong suy nghĩ của tôi đó là “ Tại sao tôi không sinh ra trong một gia đình khác?” một gia đình khá giả hơn, một gia đình hạnh phúc hơn và một gia đình không còn tiếng la mắng của bố…Nhưng tất cả những điều đó với tôi hiện tại đều là những suy nghĩ bồng bột, trẻ con trong quá khứ. Nói đúng hơn thì tôi phải cảm ơn vì những tháng ngày ấu thơ đó đã giúp tôi trở thành một con người mạnh mẽ, cứng cáp và hạnh phúc như ngày hôm nay.

Có lẽ đi hết cuộc đời này tôi cũng sẽ không bao giờ quên thời điểm mà tôi thực sự cảm nhận được thế nào gọi là “Hạnh phúc”, đó là khi tôi bắt đầu bước chân vào kỳ thi đại học. Nhà  tôi cách thành phố Buôn Ma Thuôt gần 100 cây số và cứ thế tôi, bố tôi cùng chiếc xe máy Dream cũ rích túc tắc lên đường đi thi. Sau mấy tiếng đồng hồ chạy xe, hai bố con cũng đến được thành phố và bố cũng đã tìm được cho tôi một chỗ ở tương đối tốt cho 4 ngày thi. Mọi chuyện đã xong xuôi, bố bảo với tôi rằng: “ Bố phải đi về vì nhà còn nhiều việc lắm, con tự ở lại thi rồi khi nào thi xong thì tự bắt xe đò về nhà.” Bố đưa cho tôi 800000 ngàn và chiếc điện thoại Nokia 1280 cũ  rồi quay xe đi về. Tôi tủi thân vô cùng, ngày hôm đó tôi khóc nhiều lắm. Mấy ngày ở trên phố tôi cũng chẳng buồn gọi điện về nhà vì tôi nghĩ có gọi rồi cũng thế thôi. Cho đến ngày thứ 4, ngày mà tôi thi môn lịch sử và cũng là môn thi cuối cùng, ngày mà tôi phải tự bắt xe đò về nhà mà vốn dĩ tôi có biết mặt mũi cái xe đò nó như thế nào đâu. Ngồi trong phòng thi mà tôi cứ gục đầu xuống bàn suy nghĩ linh tinh, tiếng quạt gió đều đều ru tôi ngủ mất 30 phút mà chẳng ai đánh thức, chỉ đến khi cơn mưa đổ xuống và tiếng gió lạnh lẽo rít qua khe cửa sổ mới khiến tôi giật mình tỉnh dậy. Tôi nhớ ngày đó Buôn Ma Thuột mưa lớn lắm, đưa mắt nhìn ra phía cổng trường tôi thấy phụ huynh đứng chờ con đông ơi là đông, mặc cho gió mưa. Thế rồi chẳng suy nghĩ gì nữa, tôi đặt bút xuống viết, viết và viết cho đến khi ngẩng mặt lên thì trong phòng thi còn có mình tôi và ba giám thị.

Kết thúc kỳ thi tôi xách ba lô ra về và chẳng suy nghĩ gì cả, cho đến khi tôi bước ra đến cổng trường thì tôi mới giật mình khi nhìn thấy bố tôi đứng đó cùng với chiếc xe Dream cũ chỉ còn xương với xậu. Bố cười hiền lắm, bố hỏi tôi có làm được bài không và tôi chỉ biết gật đầu vì tôi có nói được gì nữa đâu. Chiều hôm đó khi thu xếp đồ đạc xong, bố tôi lại chở tôi về nhà. Chưa bao giờ tôi cảm thấy vui đến thế, tôi hỏi bố rằng: “ Sao bố không để con tự về, con biết đường về mà?” Bố cười và nói: “ Từ nhỏ tới lớn cái xóm của mình con còn chưa đi hết chứ đừng nói gì đến chuyện tự bắt xe từ phố về nhà, con còn bé nhỏ lắm, sao bố dám để con về một mình chứ.” Có cái gì đó nghẹn ngào trong cuống họng, tôi không nói thêm được gì nữa và chỉ biết nắm chặt vạt áo của bố, chiếc áo lao động màu xanh rêu đã sờn vai bạc màu. Lần đầu tiên ngồi sau lưng bố, nhìn mái tóc lớt phớt màu bạc, tôi mới cảm thấy thương bố biết nhường nào.

Và rồi cũng đến ngày nhận kết quả thi, tôi đậu đai học với một số điểm cao ngoài dự đoán, ngày tôi xách ba lô xuống Sài Gòn đi học, bố đưa tôi ra bến xe và dặn dò tôi nhiều lắm, những lời bố nói cho đến ngày hôm nay tôi vẫn còn nhớ như in. Bây giờ tôi đã khôn lớn, suy nghĩ về chặng đường đã qua tôi mới hiểu ra tất cả. Khi bé tôi còn có đôi dép rách để mang đi học trong bố mẹ tôi phải mang chân đất để đi làm, bố mẹ không sát sao việc học hành của tôi vì họ phải gồng lưng trên nương rẫy để có miếng cơm, manh áo lành lặn và đồng tiền để tôi đi học,…

Đối với tôi, cũng như hầu hết những người con đất Việt đều nghĩ  không có niềm hạnh phúc nào bằng Hạnh phúc gia đình, đó là lòng bao dung của mẹ, là tình yêu thương của bố, nó không phải những gì quá lớn lao, mà đơn giản chỉ là những yêu thương của con người ta dành cho nhau. Thế giới này rộng lớn lắm nhưng khi chúng ta hướng tới hạnh phúc thì chúng ta sẽ nhận ra mọi thứ thật gần gũi và thật thật dễ bao dung.

Ngày hôm nay, tôi có thể tự hào nói rằng: Tôi Hạnh phúc vì những niềm vui dù là nhỏ xíu trong gia đình tôi, tôi Hạnh phúc khi nhìn thấy bố mẹ và những người thân yêu bên cạnh tôi luôn khỏe mạnh, tôi Hạnh phúc khi được sinh ra trên trái đất này, tôi Hạnh Phúc vì những người xung quanh tôi Hạnh phúc,…và tôi Hạnh phúc vì được sống trên một quốc gia Hạnh phúc.

Nguyễn Thị Uyên

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %
Categories: IYE