Hào hứng để lãng quên

Hào hứng để lãng quên

Published by ftunews2 on

0 0
Read Time:6 Minute, 22 Second

(FTUNEWS) Cuộc sống hiện đại không còn là thời của những bức thư tay hay những cuốn nhật ký gối đầu nữa, thay vào đó “thế giới ảo” đang dần trở thành nơi lưu giữ phút giây “sống thật” của con người. Tự do luận ngôn, quyền lợi to lớn đó đôi khi làm con người cho phép bản thân học sai cách yêu thương, thoải mái “ném đá”, đổ lỗi cho người khác. Chúng ta có đang nói và làm khác với suy nghĩ của chính mình, như những con domino “ngã rạp” theo đám đông?

Ván Domino không hồi kết

Cư dân mạng dần trở thành công cụ, một bàn đạp mạnh mẽ đối với những ai muốn nổi tiếng mà chẳng có tài năng nổi trội nào. Khi được hỏi về sự quan tâm dành cho các “hiện tượng” mạng, N.Bình (K55A) vui vẻ chia sẻ: “Mình rất thích theo dõi những câu chuyện của các hiện tượng mạng, nó giúp mình có thêm đề tài tám chuyện với bạn bè, xả stress sau những giờ học căng thẳng”. Đôi khi không cần phải là “idol” thực thụ, nhưng những nhân vật như Lệ Rơi, Thúy Vi,… một cách rất tự nhiên đi vào đời sống hằng ngày, trở thành nguồn vui, giải trí của mọi người. Cái giá để nổi tiếng, để trở thành nguồn vui của nhiều người theo một ý nghĩa “khiếm nhã” là đánh đổi cả danh dự và nhân phẩm, liệu có đáng không?

Hiệu ứng đám đông không chỉ tồn tại trong phạm vi “thế giới ảo”, mà còn là những “ván domino” trải dài vào đời thực. Cuối năm 2015, khi bộ phim “Lửa Thiện Nhân” do đạo diễn của đạo diễn Đặng Hồng Giang thực hiện ra mắt, câu chuyện của chú lính chì – Thiện Nhân lại gây nên cơn “sốt” đối với cộng đồng. Giữa làn sóng của sự đồng cảm, sẻ chia, bài báo “Xin đừng làm trái tim Thiện Nhân phải tổn thương thêm lần nữa” trên báo Trí thức trẻ như là lời nhắc nhở, cảnh tỉnh chúng ta về cách quan tâm và yêu thương. “Yêu thương không đồng nghĩa với việc quan tâm thái quá. Nếu không biết tiết chế xúc cảm của bản thân, chúng ta dễ gây nên những vết thương tâm hồn cho người đối diện”, H. Nhi (K55A) tâm sự. Tình thương là món quà nhân bản giữa người và người, đừng đánh mất ý nghĩa thiêng liêng đó chỉ vì học sai cách thể hiện tình yêu.

Nước cuốn bèo trôi

Một đám đông hò heo, chúc tụng nhà vô địch năm Olimpia, xúc động xem những thước phim về các số phận kém may mắn hay vui như “trẩy hội” khi biết tin Việt Nam lần đầu tiên có huy chương vàng trên đấu trường quốc tế… Phần đông bộ phận cư dân mạng ồ ạt ném đá không thương tiếc một cô gái trẻ chỉ vì “xấu” cũng là cái tội? Rộn ràng “lật tung” mọi ngóc ngách để tìm bằng được những bằng chứng không mấy tốt đẹp để phê phán, chỉ trích một hiện tượng mạng mới nổi. Nhưng rồi cuộc vui nào cũng có hồi kết, tình cảm đặc biệt và cả mối quan tâm mà chúng ta dành cho họ dần dần phôi pha như những cánh bèo bị cuốn theo dòng nước thời gian. Chẳng bao lâu sau những lời khen và sự quan tâm đến cuồng nhiệt, nguồn vui và trung tâm dư luận lại tập trung vào những con người mới, những sự kiện mới.

Lắng nghe tùy tiện, dễ cảm thông và cũng dễ căm phẫn… cảm xúc con người thay đổi “chóng mặt” bởi những lời phán xét, bình phẩm vô căn cứ và những dòng status vu vơ trên trang mạng xã hội. Hôm trước vừa yêu mến, hôm sau đã vội trở mặt, chúng ta dần mất kiểm soát đối với xúc cảm của chính mình, lập trường cũng dần mai một đi. Như những cánh bèo dựa vào nước để rồi trôi dạt vô định, chúng ta suy nghĩ nhiều về những người xung quanh mình, vô tình tạo nên thói quen lấy ý kiến của mọi người làm ý kiến của riêng mình. H.Nhung (K55C) ngại ngùng nói: “Tớ khá quan tâm đến suy nghĩ của những người xung quanh mình. Những ý kiến và quyết định của tớ dễ bị lung lay và thậm chí là thay đổi theo đám đông.”

Mỗi cá nhân sẽ là một hạt electron cấu thành nên nguyên tử mang tên “đám đông”. Đám đông không đáng sợ, điều đáng sợ là chính bản thân chúng ta chọn cách hòa tan ở trong một tập thể. Có lẽ không còn xa lạ với hình ảnh “não phẳng”, thậm chí nó đã trở thành câu cửa miệng trêu chọc nhau của rất nhiều người. Tuy nhiên, khi mà ai nấy đều học cách “copy” ý kiến của nhau thì một ngày không xa, “não phẳng” sẽ không chỉ nằm trong những lời nói bông đùa nữa mà hoàn toàn có khả năng bước ra ngoài đời thực, “hiên ngang” trở thành hiện tượng xã hội. Mỗi cá nhân đều có những lối tư duy riêng biệt, tại sao lại học cách biến mình thành những chú vẹt chỉ biết “ăn theo nói leo”, ghép tư duy riêng biệt của bản thân vào cái phổ biến, đại trà ngoài xã hội.

Lựa chọn trái tim quỷ sứ?

“Chúa Trời đứng một mình – nhưng quỷ sứ thì trái lại, nó tìm tới hội đoàn, nó nhiều vô kể”Henry David Thoreau.

Chúng ta đã được sinh ra với hình hài, tư duy đơn nhất, độc đáo, nhưng bởi sự ngại hiểm nguy và thích tiện nghi, con người dần biến mình thành những bản sao giữa thế giới rộng lớn này. Chọn đám đông để nương tựa, lười tư duy và dựa vào ý kiến tập thể… đó không phải là con đường mòn mà mỗi chúng ta nên đi. Không phải rất nhiều người rất thích câu hát của Tiên Tiên hay sao: “Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép…” Sai nhiều lần rồi cũng dẫn đến những quyết định đúng, vấp ngã hay thất bại để tiến gần hơn với thành công, chỉ cần chúng ta thực sự trải nghiệm và dùng chính kiến để điều chỉnh cuộc đời mình. Cuộc sống không dài nhưng không phải là quá ngắn để con người tạo nên sự khác biệt, in dấu ấn bước chân của mình lên chặng hành trình cuộc đời.

Mỗi cá nhân đều mong muốn sự tiến bộ, nhưng lại dễ dàng nuông chiều chính mình trong tư duy “ngõ  hẻm” mà quên mất rằng: “Người ghìm chân bạn không phải là bạn, mà là người bạn nghĩ không phải là mình”. Cuộc đời do chính bạn quyết định, không ai trở nên thành công và thành danh mà không sở hữu lối tư duy riêng biệt, khách quan và toàn diện. Quy luật phát triển vận động theo chiều hướng đi lên, “tâm lý bầy đàn” vốn đã là tư duy của xã hội Nguyên thủy và thời đại trước. Thế kỉ XXI, liệu bạn còn muốn làm “chú cừu nhỏ” mang “trái tim quỷ sứ” hòa lẫn vào bầy đàn?

(Ảnh: Internet)

Hải Châu

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %
Categories: Phóng sự