Lưng chừng hai chữ “Tết này…”

Lưng chừng hai chữ “Tết này…”

Published by Hồng Ngoan on

0 0
Read Time:6 Minute, 50 Second

Mỗi độ xuân về, sinh viên xa quê lên thành phố học tập thường đứng trước nhiều lựa chọn cho bản thân. Gói nhớ mong về thăm gia đình hay ở lại đất khách vì mục tiêu riêng, đó vẫn là điều băn khoăn lớn, ở lưng chừng hai chữ “Tết này…”

… về thấy mai đào nở trước ngõ

Bên cạnh sự giao cảm giữa trời đất, giữa con người với thần linh trong quan niệm của người phương Đông, Tết trong chúng ta còn là những gam màu mang ý nghĩa về một ngày đoàn tụ. Còn nhớ những ngày chuẩn bị đón Tết, các thành viên trong gia đình tôi lại cùng dọn dẹp nhà cửa, trang trí lại bàn thờ gia tiên và cắt tỉa cây cảnh, cành mai để ra nụ, ra nõn đúng độ xuân về. Mẹ rục rịch cắt lá dong, lá chuối, ba tuốt lạc rồi cả nhà vui vẻ gói những bánh chưng xanh. Năm nào tôi cùng nhóc em cũng rộn ràng gói những cái bánh tí hon – thứ nghiễm nhiên được thưởng thức khi vừa mới ra lò mà không cần phải chờ đến tận Tết. Đêm Giao Thừa, cả nhà lại được mẻ cười hả hê khi cùng nhau xem Táo Quân. Ba mẹ gật gật đầu vì những thông điệp sâu sắc, đáng suy ngẫm về một năm đã qua, còn em tôi thì chỉ cố nhớ câu nói, giai điệu để nhại lại cho làu làu. Có lẽ chẳng khi nào tôi có được cái cảm giác tạm quên đi áp lực trưởng thành, mà quay lại trở thành một đứa trẻ vô tư nhưng những ngày Tết.

Những tia pháo hoa đầu tiên bắn lên trời là lúc trái tim như được gột rửa, chứa đầy những hoài bão cho một năm mới. Chỉ chợp mắt ít tiếng, khi mặt trời ló rạng đẩy lùi màn đêm, một đại gia đình sẽ có dịp hội ngộ, sum vầy. Con cái cùng bày tỏ lòng biết ơn với đấng sinh thành, anh em dành cho nhau những lời chúc tụng trên mâm cơm ngày Tết. Nhớ những ngày còn tấm bé, Tết thật thích vì được thăm và chúc Tết ông bà, được cùng các anh chị em trong nhà xếp hàng chờ nhận bao lì xì đỏ. Tết cũng tặng người lớn quỹ thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi trong năm, được thư giãn, hồi sức sau bộn bề công việc theo nhịp sống nhiều biến chuyển. Mọi người dành tặng nhau những món quà, cùng nhau ăn bánh mứt, hớp ly trà, sẽ chỉ nói về những chuyện vui, bởi thế mà hiềm khích vốn có cũng được xóa nhòa.

Khí xuân ngập tràn, về quê ăn Tết trở thành niềm khát khao cháy bỏng của những người con xa xứ, đặc biệt là sinh viên xa quê lên thành phố học tập. Gắn bó với quê hương từ thuở lọt lòng, hương vị Tết cổ truyền đã thấm đẫm và ăn sâu vào máu thịt, sẽ không có niềm vui phơi phới, xốn xang nào sánh bằng cảm giác được sum họp bên gia đình. Thật háo hức biết bao khi bạn bè thời phổ thông ríu rít dành cho nhau những cái hẹn, để cùng thăm lại thầy cô năm xưa, cùng ôn lại những kỉ niệm hằn bóng tuổi thơ và không quên tám chuyện về những điều thú vị đời đại học. Và với riêng tôi, sẽ thật thiếu sót nếu không cùng đám bạn ăn “sập” các hàng quán, những nơi tôi đã mất hàng giờ chỉ để nghĩ và thèm hương vị của những món quen. Nhưng cuối cùng, ấm bụng nhất vẫn là mâm cơm tròn trịa chứa đựng cả bầu trời dinh dưỡng mẹ tự tay chuẩn bị.

… đành gác lại giây phút sum vầy

Mặc dù về quê ăn Tết đã trở thành một thói quen không thể thay thế của người Việt mỗi độ xuân về, thế nhưng dần dà, người ta vẫn tìm ra không ít lí do chọn cho mình một cách đón Tết rất khác. Có những người trẻ không muốn về, vì đối với họ, Tết cũng không khác ngày thường là bao. Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm khác nhau, bởi vậy mà rất nhiều bạn sinh viên sẵn sàng bỏ ra quỹ thời gian nghỉ Tết Nguyên đán hiếm hoi này để dấn thân những hành trình mới.

Đón Tết ở một nơi khác biệt là điều tuyệt vời với những người yêu khám phá. Còn điều gì thích thú bằng có cơ hội mở mang tầm mắt với phong tục đón năm mới thú vị ở các vùng miền khác nhau. Thăm thú cảnh đẹp đượm màu xuân mơn mởn trở thành cách “đổi gió” đón một cái Tết an nhiên. Với những sinh viên có điều kiện gia đình cho phép, không muốn ba mẹ phải lúi húi chuyện bếp núc, vậy là chẳng ngần ngại tổ chức những chuyến đi cùng cả gia đình. Thực tế, đây là xu hướng ngày càng phổ biến, có thể là những chuyến đi dài ngày, có thể chỉ là buổi dã ngoại nhẹ nhàng, nhưng ắt hẳn sẽ để lại trong mỗi gia đình sự gắn bó và thấu hiểu.

Nhưng đại đa số, phải đón Tết nơi đất khách là do hoàn cảnh bắt buộc – họ chẳng thể về. Tôi từng biết một cậu bạn trạc tuổi chạy Grab trong một lần tình cờ bắt xe đi sắm quà Tết chuẩn bị về quê. Thấy tôi xách chiếc túi nilon màu đỏ mà siêu thị đặc biệt chuẩn bị cho dịp xuân, mắt cậu hoe hoe buồn. Trên đường đi, cậu lí nhí nói với tôi rằng Tết này phải ở lại chạy xe kiếm thêm tiền. Vùng quê nghèo bị thiên tai tàn phá, nhà cửa đã tuềnh toàng nay trở thành đống đổ nát, tan hoang. Vé xe đắt đỏ, mà có về cậu cũng chẳng thể sắm quần áo mới và đi chơi với bạn bè. Chúng tôi chỉ thoáng qua nhau, thậm chí còn chưa kịp hỏi tên, nhưng ánh mắt lấp lánh hiếm hoi khi cậu nhắc về đứa em vừa đạt học sinh giỏi ở nhà vẫn là hình ảnh khiến tôi không thể dứt ra được. Có lẽ đâu đó ngoài kia, vẫn còn rất nhiều sinh viên như cậu, phải làm thêm dịp Tết vì gánh nặng mưu sinh đè nặng trên vai.

… là “Tết Nhà”

Những năm gần đây, vẫn luôn có nhiều ý kiến lược bỏ thời gian nghỉ Tết vì sự ứ đọng và lãng phí mà nó đem lại. Thế nhưng không thể phủ nhận, Tết vẫn luôn là một món quà tinh thần không thể thiếu trong đời sống người Việt Nam. Bởi Tết không chỉ là Tết, Tết còn là nhà. Là nơi khi ta trở về trong dịp đầu năm, bỗng thấy thấm đẫm mùi vị bánh chưng xanh, thấy niềm rộn ràng lây lan trên từng ngõ xóm, thấy lung linh sắc đào thắm, mai vàng, thấy niềm phấn khởi được sắm sửa và trang trí lại nhà cửa.

Kể cả đối với những người con xa xứ không thể về quê sum họp với gia đình, Tết vẫn đủ ấm áp để xua tan những niềm cô đơn tưởng, khiến những trái tim xích lại gần hơn. Này đây là món quà gửi chuyển phát nhanh, là lời chúc trên đầu dây bên kia điện thoại, là nụ cười, thậm chí cả nước mắt hiện hữu trên khuôn mặt khi video call cho nhau,… tất cả làm nên một cái Tết Nhà, xa cách nghìn trùng mà gần ngay trước mắt. Về hay không, tôi cũng muốn hằn lên tim mình một cái hôn tổ tướng, đủ để nó có sức vẫy vùng, cất cánh và lan tỏa giá trị thật sự của hai chữ “Tết Nhà” tới hàng triệu con người Việt Nam.

Bài viết: Yến Vy

Thiết kế: Quế Trân

Ảnh: Unsplash

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %