Ngày không phải Tết

Ngày không phải Tết

Published by quockhanhnews on

0 0
Read Time:3 Minute, 59 Second

(FTUNEWS) – Người ta hay nói, qua ba Mùng là ra Tết, cũng có người không chịu, dùng dằng hết Mùng 10 ăn chơi cho thỏa mới chịu buông cho Tết tàn. Sao cũng được, dăm ba ngày có níu cũng khó dài thêm được. Nhìn hơn ba trăm ngày-không-phải-Tết mà hẫng. Nhưng Trời sinh cái Tết ngắn để nhường cho từng đó ngày dài, ắt cũng có cái lí để người đi tìm.

Tết đem tới cái gì, thì lúc Tết phai cũng đem đi bằng hết. Bánh tét, bánh chưng vơi dần, rồi thì mai, đào rụng lả tả. Người về giờ thành người đi, lại vali về học, về làm. Những chuyến bay, chuyến tàu ăm ắp người nhưng chẳng vui như dạo trước, chuyến nào cũng nặng hơn vì chở thêm nỗi nhớ. Dịp mong chờ mòn mỏi cả năm trời, giờ đi mất.

Ngày-không-phải-Tết nghĩa là không xúng xính áo váy, người ta chỉ “đẹp vừa vừa” đủ chỉn chu để đến trường, công sở. Không-phải-Tết nghĩa là núi công việc bộn bề, là gánh mưu sinh trĩu nặng, là mớ deadline muốn đè chết người ta. Người nói “vui như Tết”, vậy hết Tết, phải chăng niềm vui cũng cạn dần theo?

Tết có cái vui của Tết, nhưng những ngày thường nhật cũng có cái vui riêng. Qua những ngày ăn ngủ dầm dề, người ta trở lại lối sống ngăn nắp, lành mạnh. Người ta dậy sớm, đi làm (hay đi học) 8 tiếng một ngày. Mệt, nhưng thấy xứng đáng hơn một bữa ăn ngon, một giấc ngủ, một tháng lương mình làm. Ta sẽ gặp lại những đồng nghiệp, những bạn bè quen từ lâu, có thể than thở mấy câu hay lôi mấy chuyện tầm phào đâu đâu kể giờ giải lao mà cười nắc nẻ.

Và dù chắc không ai thích chuyện kẹt xe giờ cao điểm, nhưng Sài Gòn ấm hơi người nhất có lẽ là ba trăm mấy ngày không-phải-Tết. Kẻ học, người làm bận rộn, ai cũng có những bộn bề riêng, những nhọc nhằn vất vả, nhưng bởi vậy mà mình thương nhau hơn. Bởi vì không gặp nhau ở thời điểm ung dung, xinh đẹp nhất, người ta cần nhau, dễ cảm thông cho nhau đến lạ.

Không-phải-Tết: “Bác sửa xe cho con, quên cầm tiền thì sau ghé trả cũng được.”

Không-phải-Tết: “Chiều bà lại ốm hả? Học xong tui ghé thăm nhen.”

Không-phải-Tết: “Chắc hôm nay đi làm mệt, tao có lương rồi, bao mày một bữa.”

Hơn ba trăm ngày-không-phải-Tết, xảy ra biết mấy chuyện nhỏ chuyện to. Ba trăm ngày không an yên như Tết, nhưng lúc sóng gió mình cũng tìm được một nụ cười ủng hộ, một cái gật đầu an tâm và rất nhiều bàn tay chia sẻ. Vui của Tết là cái vui to, ào ạt, vui đầy trong lòng hết mấy ngày mới chịu dịu. Nhưng vui của những ngày-không-phải-Tết thì người ta dễ quên hẳn, vì đó thường là những cái vui nho nhỏ, giản dị và nhiều khi quen quá.

Nhưng tại sao người ta chỉ muốn trôi nhanh những ngày-không-phải-Tết?

Cứ hết Tết, người ta lại mỏi mòn than thở: “Bao giờ mới đến Tết đây?”. Người ta mong chờ cái tưng bừng của Tết như mong những cái chớp sáng trong đời. Nhưng thời gian cho chúng ta nhiều nhất lại là những ngày bình thường không-phải-Tết. Ai quên mất, những ngày bình thường ấy, là hơn ba trăm cơ hội để người ta trở nên phi thường?

Ba trăm ngày, mình có thể học nấu ăn, có thể mày mò thêm một thứ tiếng. Mình có thể chăm chỉ hơn, cố gắng hơn để nhận một mức lương cao hơn, một học bổng xứng đáng, hay đơn giản  để chính bản thân hài lòng. Ba trăm ngày, thật tốt nếu được đong đầy bằng nhiều niềm vui nhỏ, thật tốt nếu mình không ngại ngùng đưa tay.

Đừng chờ Tết nữa. Để Tết chờ một người vững vàng, hạnh phúc, hoàn chỉnh hơn sau cả năm dài. Dành những ngày-không-phải-Tết không phải để đợi Tết, mà để sống thật trọn. 

Rồi năm sau, khi màu Tết thắm đỏ như vỏ hạt dưa hồng, người sẽ mỉm cười ngồi kể: về những ngày-không-phải-Tết. 

Bài viết: Thanh Ngọc

Thiết kế: Minh Huy

Hình ảnh: Patricia Chourio @ Behance

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %