“Sao không bao giờ nói cần má vậy con?”

“Sao không bao giờ nói cần má vậy con?”

Published by huu.ftunews on

0 0
Read Time:6 Minute, 20 Second

(FTUNEWS) – Mỗi lần nhìn Dì Hai với Ngoại Tư, tôi thấy hai người giống nhau như đúc. Nhưng tính cách thì ngược nhau hoàn toàn: Người lúc nào cũng cười, người thì im lặng lạnh lùng dữ lắm. Chắc tại vậy nên ít nói chuyện với nhau.

Hồi còn nhỏ, lần nào về quê cũng nghe Ngoại dặn: “Rảnh thì tạt qua thăm Ngoại Tư nha con. Suốt ngày cứ nghĩ ngợi rồi buồn rầu.” Mà tôi có thấy Ngoại Tư buồn chi đâu, lúc nào cũng cười hì hì. Ngoại còn có tài đổ bánh rất giỏi. Hễ tôi qua chơi là kiểu gì cũng được ăn mấy cái bánh kẹp thơm lừng, giòn rụm.
Ngoại Tư hiền vậy nhưng ngoại với Dì Hai – con gái đầu của ngoại – lại xa cách lắm. Mẹ kể tại hồi nhỏ Dì Hai không được ở gần ngoại. Những năm 1970, ba Dì Hai một mực đòi bỏ xứ lên Sài Gòn nhưng Ngoại Tư cản lại. Cuối cùng ổng vẫn bỏ đi, còn lén bế Dì Hai theo luôn. Lúc đó Dì Hai mới 7 tuổi. Ngoại Tư thương và nhớ con, mấy bận nhờ người đánh xe lên Sài Gòn kiếm mà không thấy. Hễ cứ ai đi ra đi vào, ngoại cũng nhờ hỏi thăm tin tức. Biền biệt mấy năm trời, ông bà cố xót con gái còn trẻ nên gả cho ông Mãi xóm trên. Cuộc đời Ngoại Tư như rẽ sang một chương khác.

 

Những tưởng hai mẹ con sẽ không bao giờ gặp lại, nhưng sự đời đâu ai ngờ. Mười mấy năm sau, trước cửa nhà Ngoại Tư xuất hiện một cô gái lạ.

– Cô kiếm ai đây?

– Má ơi!

Cô gái ấy oà khóc. Ngoại Tư nhìn kỹ lại. Trời ơi cái tướng, cái mặt này thì đúng là con gái ngoại rồi. Hai mẹ con ôm nhau mừng mừng tủi tủi.

– Má ơi con thèm bánh…

Chưa nói dứt câu, Dì Hai đã thấy ông Mãi dắt Cậu Ba từ nhà sau đi lên. Tất cả sự mừng rỡ nơi dì bỗng chốc chảy ngược vào trong: nụ cười và những giọt nước mắt trùng phùng đều tắt ngấm. Bữa cơm hôm ấy Dì Hai ngồi thu lu một góc. Dì chỉ kể ba dì bệnh nên mất rồi, kêu dì về tìm mẹ. Ngoại Tư có hỏi thêm mấy câu nữa nhưng dì toàn ậm ờ cho qua, lâu lâu lại lén nhìn ông Mãi với Cậu Ba.

Dì Hai về Ngoại Tư vui dữ lắm. Nhưng Cậu Ba lại không vui. Lúc đó cậu mới 14 tuổi, chưa hiểu chuyện nên hay hoạnh hoẹ với chị. Ví như chuyện Ngoại Tư hay đổ bánh cho Dì Hai ăn, lần nào cũng bị cậu phá: Hôm thì đá đổ tô bột, hôm thì bẻ vụn hết bánh,…Cậu Ba còn hay nói năng cộc lốc, hách dịch với Dì Hai. Dì Hai biết thân biết phận vậy không dám đụng đến ai, cái gì cũng tự làm cho đỡ rối chuyện. Ngay cả má mình dì cũng không dám nhờ vả.

 

Có lần, Cậu Ba chơi xấu lấy mực quệt lên áo Dì Hai rồi nói giọng thách thức:

– Suốt ngày ăn đồ của má tui coi chừng béo phì đó, đi giặt áo đi cho đỡ mập!

Lần này Dì Hai giận quá, cầm cây chổi chạy theo rượt Cậu Ba. Nghe động, Ngoại Tư lật đật chạy lên. Dì Hai nhìn má trân trân. Dì hi vọng lần này má sẽ về phe dì. Nhưng Ngoại Tư không làm gì cả. Ngoại kêu Cậu Ba ra ngoài, rồi Ngoại lẳng lặng thu dọn.

– Cái áo đó để má giặt cho. Con cần gì nữa không để má làm luôn?

– Rõ ràng là thằng Ba nó sai. Sao má không la nó?

– Con lớn rồi đừng chấp nó làm chi Bé Hai…

Dì Hai giật phăng lại cái áo:

– Con không cần má làm gì hết! Mốt má cũng không cần đổ bánh nữa đâu. Thằng Ba thấy nó lại vậy con mệt lắm!

Từ vụ đó, Dì Hai cứ về nhà là đóng cửa im ỉm, không nói với ai câu gì.

 

Về nhà chưa tới nửa năm, Dì Hai xin lên Sài Gòn học nghề. Dì cưới chồng trên đây luôn. Chỉ có ngày rước dâu là làm ở dưới quê. Con gái sắp theo chồng mà hai mẹ con không nói được câu nào. Trước giờ đưa dâu, Ngoại Tư mới đưa cho Dì Hai một hộp nhung đỏ:

– Cái này má cho riêng, con cầm đi. Đó giờ má chưa cho con được cái gì.

Dì Hai suy nghĩ thế nào không biết, đẩy lại chiếc hộp về phía má:

– Thôi má để đó cho đám cưới thằng Ba. Con có đủ rồi.

Mặt Ngoại Tư buồn thiu.

 

Về sau, Dì Hai về nhà đã ít, cuộc nói chuyện của hai mẹ con cũng chả kéo dài bao lâu.

– Bé Hai ăn gì không con?- Bé Hai con để đó má làm cho gọn.

– Không cần đâu má.

Khung cảnh đó theo Ngoại Tư và Dì Hai tới tận khi ngoại gần đất xa trời. Ngoại Tư mất vào cái lúc không ai ngờ nhất. Dì Hai ở Sài Gòn không kịp về nhìn mặt ngoại lần cuối.

Hôm mai táng xong, ông Mãi gọi Dì Hai vào nói chuyện. Ổng đưa ra cái hộp nhung đỏ:

– Cái này bà Tư dặn tao đưa cho mày. Hồi đó tao nhớ bả cho mày rồi, sao còn đây hả bé Hai?

– Con không cần lắm. Định để má cho thằng Ba.

– Cái gì mày cũng kêu không cần. Mày có biết bà Tư thương mày lắm không bé Hai? Cái hộp này là tiền để dành cả đời của bả đó! Bả lúc nào cũng nói có lỗi với mày, muốn ở với mày để chăm sóc cho mày.

Dì Hai cười buồn:

– Má có thằng Ba với dượng nữa mà. Thêm con nữa mệt lắm!

Giọng ông Mãi nghẹn nghẹn:

– Tao biết tại sao mày bỏ lên Sài Gòn, bà Tư bả kể tao hết rồi. Mày giận bả không bênh mày chứ gì? Bả biết tao thương thằng Ba, bả lại nể tao mới không dám la nó. Thêm nữa tại thằng Ba sức khoẻ yếu từ nhỏ. Cái chứng hen suyễn bẩm sinh của nó ai mà biết khi nào sẽ tới. Cùng là con, đứa nào bả chả xót…

Dì Hai không biết Cậu Ba có bệnh. Thời gian dì ở nhà không lâu, cũng ít khi về thăm. Mấy lần có mặt dì Cậu Ba khoẻ lắm. Ngoại Tư không nói ra sợ dì lo.

– Thôi mày giữ cái hộp nữ trang này đi, hình như có thơ của má mày trong đó nữa.

Nguyên đêm, Dì Hai ra chỗ Ngoại Tư hay ngồi nướng bánh khóc rấm rứt. Dì cầm trên tay mảnh giấy nhỏ: “Sao không bao giờ nói cần má vậy con? Tại má có chồng hả? Má luôn thương và chờ con đến tìm má mà.”
Giờ nhớ lại, hồi nhỏ mỗi lần tôi qua chơi Ngoại Tư hay đổ bánh kẹp cho ăn. Ăn xong tôi nằm trên chõng, ngoại vừa vuốt tóc vừa ca bài ru:
“Trời mưa bong bóng phập phồng
Mẹ đi lấy chồng con ở với ai?”

Đó là hồi tôi 7 – 8 tuổi.

 

Xuân Mỹ

 

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %
Categories: Truyện ngắn