Vùng an toàn – Có thật sự an toàn?

Vùng an toàn – Có thật sự an toàn?

Published by ftunews2 on

0 0
Read Time:5 Minute, 48 Second

(FTUNEWS) – Đột ngột, tôi nghĩ về những người mang vương miện. Nhắc đến những con người được sinh ra trong nhung lụa đó, người ta hay chỉ nghĩ đến sự sung sướng ấm êm. Nhưng không, hiện hữu trong xã hội này, đâu đó tồn tại những chàng hoàng tử và các nàng công chúa “lạ”: những người mang vương miện nhưng cuộc sống không chỉ có hạnh phúc và an yên.

Hoàng tử, công chúa không ngai

Mười bảy – mười tám năm tuổi trẻ, thậm chí là dài hơn thế, có những hoàng tử và công chúa được nuông chiều trong cung điện hào nhoáng của sự bảo bọc và chở che. Không mang chiếc vương miện nạm vàng thật sự nhưng chính sự nuông chiều từ thuở mới lọt lòng đã thai nghén cho tính công chúa – hoàng tử của cô cậu.  Chiếc ngai vô hình ấy, chẳng rõ là lợi hay hại phần nhiều, vô tình ép hẹp cuộc sống của chủ nhân trong những việc nhờ vả giúp đỡ và chờ đợi sự phục vụ từ người khác. Đặc biệt với những gia đình mà cô cậu là bảo bối duy nhất, sự bảo bọc ấy còn nâng lên hơn nhiều lần: cơm chờ người dọn, học có người chăm, đi sẵn người đó. Không cần bất cứ chiếc vương miện nào, họ vẫn tự phong cho mình danh xưng của đấng quyền uy trong câu truyện cổ, bệ vệ và kiêu ngạo trong lãnh địa của riêng mình.

Những chú gà công nghiệp

Nếu như trong thế giới ngọt ngào của những câu truyện cổ, người ta chỉ xét đến hoàng tử, công chúa với sự toàn năng hoàn hảo thì tại đây, ngay bây giờ, các cô cậu không ngai đang phải đối mặt với một thế giới thực không đan kết từ mộng mơ và tưởng tượng. Thế giới phẳng của thực tại không cho phép bất cứ ai đội trên mình vương miện góp nhặt từ công sức của người khác. Bản tính quen được chiều chuộng làm họ hình thành ý nghĩ rằng sự phục vụ của người khác đối với mình là bổn phận chứ không phải là sự lựa chọn. Tâm thế dựa dẫm hình thành. Đặc điểm dễ nhận dạng nhất của nhóm người này là sự lóng ngóng, vụng về trong lối hành động và tính hay sai bảo. Vì không có thói quen động tay vào việc, rất ít ai trong số họ rèn được cho mình cách tự lập, thậm chí đến cả việc bé con nhất có thể tự mình thực hiện, cô cậu vẫn theo thói quen nhờ vả người khác, và thường cáu gắt lên khi không nhận được sự phục tùng như mong muốn. Đâu đó trong xã hội, lò ấp những chú gà công nghiệp được thai nghén, lớn dần, tạo ra ngày càng nhiều các “thứ gà” đúng hiệu chỉ biết thụ động chờ đợi sự giúp đỡ của người khác. Một thế giới của các con gà vụng về, yếu ớt, dễ tổn thương.

Hay con chim trong chiếc lồng son

Tôi cứ đau đáu nghĩ về cô cậu – thế hệ những người trẻ sống dựa trên sự phục vụ của người khác. Có lẽ rằng đối với họ, sự phục vụ tận chân răng kẻ tóc ấy đã ăn sâu vào gốc rễ, rồi đâm chồi thành cái thói quen kênh kiệu, khó chịu mang tên “bệnh công chúa”, “bệnh hoàng tử”. Liệu rằng tất cả họ tự chọn cho mình căn bệnh ấy chăng? Hơn ai hết, cô cậu là những người cảm nhận rõ ràng hơn bất cứ ai sự cô đơn. Và một phần bất lực. Sự bảo bọc từ thuở mới lọt lòng, dù chủ quan hay khách quan, vô tình tạo cho họ một khoảng cách với thế giới bên ngoài. Cô cậu  không thể tự mình làm việc gì tròn vẹn, lại vụng về nếu phải tự mình xử lý một tình huống bất ngờ phát sinh. Dần dà cứ thế, trong họ nảy lên tâm lý giao phó cho người khác những công việc của bản thân. Một cách hoàn toàn có thể hiểu được, cáu bẳn khó nết là cách duy nhất họ – những người mang trong mình căn bệnh hoàng tử – công chúa cố hủ, phản kháng với xung quanh để che giấu sự mềm yếu của bản thân. Giao phó việc cho người khác, hay giao phó cả một phần cuộc đời mình?

Tôi chợt nhớ về hình ảnh con chim trong chiếc lồng son, bề ngoài lộng lẫy óng ánh của chiếc lồng làm người ta mãi nghĩ về con chim gắn liền với cuộc sống nhung lụa ấm êm. Nhưng khuất sau hào nhoáng, mấy ai nghĩ về cảm xúc của chính nó, là chim nhưng không được bay, hay đúng hơn rằng không thể bay, vì suốt đời nó đã định phải chịu bó buộc trong khung sắt của chiếc lồng chẳng khác mấy nơi giam cầm kia. Và, chiếc lồng son ấy liệu có phải là một nơi ẩn náu an toàn, khi chính nó vô tình lại là nguyên nhân gây nên sự bất lực với cuộc đời con chim mà nó đang ngày đêm bảo bọc?

Phá lồng son và tung cánh

Người ta không thể mãi gọi con gia cầm bị nhốt trong lồng ấy là chim, vì chim thì phải bay, phải hót. Cũng thế, con người ta chỉ thật sự trưởng thành khi dám bước ra khỏi vùng an toàn. Điều tôi ngưỡng mộ hơn cả nhung lụa xa hoa mà giới quyền quý trong truyện cổ được hưởng chính là lòng tự hào và kiêu hãnh của họ về chính con người mình. Đặt lên bàn cân so sánh, nếu trong câu chuyện xưa cũ, vai trò của hoàng tử và công chúa là đại diện cho niềm kiêu hãnh về quyền lực và đất nước của họ thì các cô cậu thời nay, niềm kiêu hãnh mà họ nắm giữ không nằm ở sự phục vụ từ người khác mà chính từ thái độ dám buông bỏ danh xưng “hoàng tử”, “công chúa” đầy hàm ý kia. Mạnh dạn phá bỏ chiếc lồng son gò ép và tung đôi cánh của mình lên đi, thế giới của tuổi trẻ phải là bản thân giữa bầu trời cao rộng chứ chả phải là bầu trời kia luyến tiếc lưu lại trong đáy mắt mỏi mong. Các cô cậu của tôi ơi, mỗi người đều là những hoàng tử, công chúa trong tâm hồn, lòng kiêu hãnh về bản thân cũng chính là chiếc vương miện sáng lòa nhất, ngẩng cao đầu và chứng minh với thế giới rằng bạn xứng đáng hơn bất cứ ai hết, nhé!

Hồng Ngọc

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %