1. Nước nào có nhiều Di sản thế giới nhất?
Từng là cái nôi của nền văn minh La Mã với bề dày lịch sử lâu đời, nền văn hóa đa dạng và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nước Ý hiện sở hữu tới 47 di sản thế giới được UNESCO công nhận.
Chỉ tính riêng năm 1997, quốc gia bên bờ Địa Trung Hải này đã “ẵm về” cho mình 10 Di sản thế giới. Có thể điểm qua vài cái tên nổi tiếng trong số các Di sản nhân loại ở xứ sở “đi đâu cũng gặp di sản” này là tháp nghiêng Pisa, trung tâm lịch sử thành Rome, thành phố nổi Venice, thành phố Florence, Naples, Verona hay di chỉ khảo cổ Pompei …
2. Bắc Kinh – thủ đô của những Di sản thế giới
Nếu bạn muốn khám phá 6 Di sản thế giới ngay tại một thành phố, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc chính là sự lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn! Với những cái tên đã quá sức nổi tiếng như Vạn lý trường thành, Cố cung, Di Hòa Viên, Thiên Đàn, Khu lăng mộ thời nhà Minh – Thanh và Di chỉ người vượn Bắc Kinh ở Chu Khẩu Điếm, Bắc Kinh chính là thành phố có nhiều Di sản thế giới nhất.
3. Khi cả một quốc gia là Di sản thế giới:
Là quốc gia có diện tích nhỏ nhất thế giới nhưng từ lâu, Vatican tự hào là thánh địa thiêng liêng của các tín đồ Thiên chúa giáo trên toàn thế giới với Tòa Thánh Vatican nổi tiếng và hệ thống các di tích lịch sử dày đặc khắp đất nước. Năm 1980, gần như toàn bộ lãnh thổ của quốc gia nhỏ bé nằm trong lòng thành Rome này đã được UNESCO ghi tên vào Danh sách các Di sản văn hóa của nhân loại.
4. Năm ‘bùng nổ’ của các Di sản thế giới
Khu bảo tồn rừng Amazon là một trong số các Di sản thiên nhiên thế giới được công nhận vào năm 2000
Chào thiên niên kỉ mới, các quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới có thêm dịp “ăn mừng” vì nhiều địa danh của họ vinh dự được UNESCO trao tặng danh hiệu cao quý. Năm 2000 thật sự là một năm “bùng nổ” khi có đến 61 Di sản thế giới được vinh danh, ghi nhận con số kỉ lục nhất trong lịch sử 40 năm kể từ khi Công ước Di sản thế giới ra đời cho đến nay.
Đây cũng là một năm đáng nhớ với Việt Nam khi mà vịnh Hạ Long của chúng ta trở thành nơi đầu tiên ở Đông Nam Á vinh dự được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ hai bởi giá trị địa hình địa mạo nổi bật toàn cầu.
5. Di sản thế giới nào “trẻ” nhất?
Không mang dáng dấp cổ kính và bề dày lịch sử hàng ngàn năm tuổi như các Di sản văn hóa nhân loại khác, thủ đô Brasilia của Brazil là một thành phố trẻ chỉ mới được xây dựng từ năm 1956 nhưng đã được công nhận là Di sản thế giới vào năm 1987. Mặc dù đến nay đã có nhiều di sản kiến trúc hiện đại khác như thành phố Le Havre (Pháp) hay thủ đô Tel Aviv (Israel) được công nhận nhưng vẫn chưa có bất kì Di sản thế giới nào được UNESCO vinh danh khi đang ở “độ tuổi” còn “trẻ” đến như vậy! Theo UNESCO, Brasilia thật sự là “một dấu mốc quan trọng trong lịch sử của ngành qui hoạch đô thị thế giới”…
6. Di sản thế giới khổng lồ
Vào năm 2010, với tổng diện tích của vùng di sản được UNESCO công nhận lên đến 408.250 km2, “vượt mặt” cả dải san hô ngầm nổi tiếng Great Barrier Reef ở nước Úc và quần đảo Galapagos của Ecuador, Khu bảo tồn thiên nhiên trên quần đảo Phượng Hoàng của đảo quốc Kiribati chính thức trở thành Di sản thế giới có diện tích lớn nhất hành tinh.
Khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới nằm giữa Thái Bình Dương này là bằng chứng sống động cho một sinh cảnh vô cùng giàu có và đa dạng dưới lòng đại dương chưa hề bị tác động bởi bàn tay con người.
7. Di sản xuyên biên giới
Trải dài hơn 2.820 km qua lãnh thổ của 10 quốc gia: Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Estonia, Litva, Latvia, Mondova, Belarus, LB. Nga và Ucraina; Vòng cung quan trắc của nhà thiên văn học người Đức Friedrich.G.Struve là Di sản thế giới nằm trên lãnh thổ của nhiều quốc gia nhất.
Vòng cung này bao gồm một chuỗi các trạm thí nghiệm đầu tiên trên thế giới về việc đo đạt một cách chính xác chiều dài của một đoạn kinh tuyến và kích thước của Trái Đất, có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử của ngành khoa học vẽ bản đồ thế giới. Di sản văn hóa thế giới xuyên quốc gia này được UNESCO công nhận vào năm 2005.
Thái Vũ