Alain Cany, Chủ tịch EuroCham: ‘Tôi tin vào người Việt Nam!’

Published by sieuquantri on

0 0
Read Time:11 Minute, 34 Second

Giữ ước mơ xanh

* Liên tục trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn, trong nước lẫn nước ngoài, đang hoạt động tại Việt Nam bị phát hiện việc sản xuất gây hại trực tiếp đến môi trường. Với tư cách là khách quý của Việt Nam, ông nghĩ thế nào về nguyên nhân khiến họ chọn cách sản xuất này?

– Bất cứ doanh nghiệp nào vi phạm và xâm hại tới môi trường đều đáng lên án, bất kể đó là doanh nghiệp nước ngoài hay bản địa. Tuy nhiên, tôi có thành kiến với những doanh nghiệp nước ngoài vi phạm điều này.

Khác với doanh nghiệp Việt Nam, họ là khách và họ đến từ những quốc gia tiên tiến, hiểu rõ hơn về những tác hại của sản xuất đè nặng lên môi trường, vậy mà vẫn không có ý thức tôn trọng. Hành động này không khác gì đến nhà của người khác rồi làm bẩn không gian của gia chủ.

Riêng với doanh nghiệp Việt Nam, tôi đồng ý là họ cũng đáng bị lên án bởi đây là đất nước của họ, sao lại không có ý thức giữ gìn cho mình, cho con cháu đời sau?

Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp bản địa cũng không biết họ đang làm sai, đang gây hại đến môi trường. Cơ bản là họ không được hướng dẫn hay Việt Nam không có những điều luật quy định cụ thể nên họ mới vô tư gây hại.

Ngay trong đời sống người Việt chẳng hạn, tôi thấy rất nhiều người xả rác xuống sông, họ biết làm như vậy là không đúng, nhưng bảo họ dừng cũng không được vì xung quanh ai cũng làm như vậy.

Quay về với chuyện của các doanh nghiệp, tôi nghĩ, dù vô tình hay cố ý thì người dân lẫn Chính phủ Việt Nam đều phải tiếp tục lên án những trường hợp sản xuất bất chấp gây hại cho môi trường.

* Tình trạng chỉ chú trọng sản xuất mà quên bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay, theo ông, có phải là quá khứ của châu Âu những ngày chưa phát triển?

– Nếu đánh giá như vậy cũng có phần đúng. Nói một cách đơn giản, Việt Nam vẫn ở giai đoạn đầu của công nghiệp hóa hạng nặng, tức là phần đầu của công nghiệp hóa.

Một mặt, môi trường Việt Nam cũng chưa bị ô nhiễm lắm, vì tốc độ lẫn mức độ công nghiệp hóa vẫn chưa bằng ở châu Âu. Rất nhiều vùng ở Việt Nam vẫn còn hoang sơ, thơ mộng và chưa bị ảnh hưởng.

Mặt khác, đối lập với bức tranh thơ mộng ấy là các khu công nghiệp ô nhiễm như Đồng Nai, Bình Dương hay TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu…

Bên cạnh đó, châu Âu giàu có, phần lớn các nước phát triển đồng đều nên đã chăm chút về môi trường lâu rồi. Có thể thấy, việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã thực hiện thành công ở châu Âu.

Rõ ràng, việc sử dụng ít nguyên liệu thô, nói không với điện hay than, thay vào đó là sử dụng các nguồn nguyên liệu xanh như năng lượng mặt trời, năng lượng gió… ngày càng trở nên phổ biến.

* Nghĩa là Việt Nam cũng sẽ đi vào vết xe đổ ấy rồi đứng lên, thưa ông?

– Thực tế, Việt Nam đang hoàn toàn dùng nguyên liệu thô để tạo nhiên liệu. Điều này cũng dễ hiểu bởi nguồn than ở Việt Nam vẫn còn dồi dào. Nói vậy không phải là tôi phủ định tất cả.

Tại Triển lãm Công nghệ Xanh GreenBiz do EuroCham cùng các đối tác Việt Nam phối hợp tổ chức hai lần vừa qua, có sự tham gia tích cực của nhiều lãnh đạo bộ ngành, từ Trung ương đến địa phương. Điều này cho thấy Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới việc phát triển công nghiệp xanh.

Tôi cảm thấy Việt Nam hết sức may mắn khi quá trình phát triển tiến hành vào thời điểm cả thế giới đang quan tâm đến các công nghệ xanh. Do đó, Việt Nam có những bài học kinh nghiệm lẫn sự hỗ trợ rất tốt từ các quốc gia khác.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà lơ là. Tôi nghĩ, Việt Nam nên gia tăng học hỏi từ các nước, tìm đúng công nghệ làm cho môi trường xanh hơn.

* Khơi lại vấn đề từ gốc, theo ông, xu hướng “xanh hóa” trong sản xuất có được là do nhu cầu thực sự của người dùng hay ý thức của các doanh nhân?

– Đây là vấn đề khá khó nhận định. Cá nhân tôi không nghĩ nhu cầu xanh hóa đã xuất phát từ yêu cầu của người dân Việt Nam. Ở châu Âu, khách hàng có ý thức sâu về vấn đề này. Mỗi khi mua sản phẩm, yếu tố “xanh” có thể khiến họ quyết định mua hàng hay không.

Tuy nhiên, ý thức của người Việt, doanh nhân lẫn người tiêu dùng, lại chưa tới tầm này. Điều khách hàng lo lắng trước tiên là giá thành. Họ phải trả lời chính mình rằng: có mua nổi không? Người mua nổi thì mới bắt đầu tính đến các yếu tố khác.

Thậm chí, vấn đề an toàn thực phẩm còn chưa được chú trọng thì yếu tố xanh vẫn còn xa lắm! Bản thân tôi cũng mong ý thức này xuất hiện sớm trong người tiêu dùng nhưng nếu muốn có thì Chính phủ và truyền thông phải tuyên truyền nhiều và đúng thông điệp này cho người dân.

Tôi cam đoan là người dân sẵn sàng rồi, họ đã xem internet, quan sát tình hình thời sự… chỉ cần Chính phủ và truyền thông cố gắng nữa là được.

Từ tự tin đến tự hào

* Riêng với trường hợp doanh nhân Việt Nam thì sao, thưa ông?

– Với đối tượng này thì có và càng lúc càng nhiều hơn. Tôi hơi ngạc nhiên khi nhiều doanh nhân Việt Nam bảo rằng họ rất muốn xanh nhưng lại sợ tốn chi phí. Chúng tôi đã trao đổi với nhau rất nhiều nhưng quan điểm xanh gắn liền với chi phí cao quả thật là không đúng.

Có thể, quan sát thì thấy và có cảm giác là phải đầu tư nhiều nhưng thật ra, đó chỉ là đầu tư ban đầu và cần thiết để trang bị thiết bị mà thôi.

Ví dụ như tiết kiệm trong chiếu sáng, nếu trang bị bóng đèn tiết kiệm thì doanh nghiệp phải trả nhiều hơn bình thường hai tới ba lần, nhưng các lợi ích lâu dài như: vòng đời sản phẩm lâu hơn, tiêu thụ ít năng lượng hơn, khả năng khấu hao… thì lại thấy rõ ràng.

Tôi tin là sản phẩm xanh càng lúc càng rẻ hơn bởi công nghệ càng lúc sẽ càng có nhiều hơn và giúp làm giảm chi phí sản xuất.

* Ý thức của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có sự đóng góp của EuroCham trong việc mang các giải pháp và công nghệ xanh đến Việt Nam ở sự kiện GreenBiz. Qua hai lần tổ chức, ông thấy hoạt động này đã thành công?

– Thành công nhất là những cuộc đối thoại giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp châu Âu.

Tham dự triển lãm với một loạt các cuộc hội thảo, các công ty châu Âu không chỉ muốn bán sản phẩm mà chúng tôi còn đưa sang hơn 100 kỹ sư, chuyên gia am hiểu về công nghệ hướng dẫn, trao đổi, tư vấn về cách thức “xanh hóa” sản xuất cho Việt Nam và thay đổi nhận thức cho mọi người.

Tôi đã thấy những bản hợp đồng ký kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp châu Âu để cùng phát triển sản phẩm xanh tại Việt Nam. Các doanh nghiệp thậm chí còn hợp tác với nhau trong nhiều thương vụ khác. Và mỗi khi có chuyển giao công nghệ xanh đến Việt Nam thì chúng tôi cảm thấy rất vui và tự hào.

* Ấn tượng khó phai trong quá trình tổ chức GreenBiz hai năm vừa qua của ông là gì?

– Khó hơn cả có lẽ là tìm địa điểm trong khâu tổ chức vì đây là sự kiện triển lãm và hội nghị. Tiếp đó là việc thu hút các đối tác quan trọng tham gia hội chợ.

Việc tiếp cận với các quan chức của Việt Nam và nước ngoài đều rất khó vì họ luôn bận rộn. Khi đã dành được sự quan tâm của họ đối với một sự kiện cụ thể, việc giao tiếp, ứng xử cũng là điều cần chú trọng để đảm bảo những nguyên tắc lễ tân, ngoại giao phù hợp với địa vị của họ.

Đội ngũ cán bộ và lãnh đạo của EuroCham làm việc khá chuyên nghiệp nhưng là một tổ chức có quy mô nhỏ, GreenBiz lại là sự kiện lớn, vừa lo khâu kỹ thuật, vừa đảm bảo khâu tiếp đón khách VIP, đòi hỏi phải có sự nỗ lực cao nên cũng sẽ không tránh khỏi một vài sai sót nhỏ.

Nhân đây tôi cũng muốn nói lời xin lỗi về những thiếu sót có thể đã xảy ra mặc dù chúng tôi đã cố gắng hết sức.

Rất mừng là Chính phủ Việt Nam nhiệt tình tham gia và ủng hộ GreenBiz, giúp chúng tôi tự hào và tự tin hơn. Ít nhất tôi cũng cảm thấy những gì chúng tôi cố gắng làm cũng phần nào đem lại lợi ích cho quốc gia, cho đất nước Việt Nam và tăng cường sự cam kết hơn nữa với các sự kiện sắp tới.

* Báo Doanh Nhân Sài Gòn cũng quyết định đăng cai tổ chức một Hội chợ Xanh Asia Green Expo để có thể giới thiệu nền sản xuất xanh tại Việt Nam cho người dùng và cả bạn bè thế giới. Ông đánh giá thế nào về ý tưởng này?

– Đây là ý tưởng rất hay. Tôi rất hào hứng với sự kiện này bởi khác với GreenBiz, thuần giới thiệu công nghệ, đây sẽ là nơi giới thiệu sản phẩm cụ thể. Mà sản phẩm càng cụ thể thì càng tác động trực quan đến người dùng nhiều hơn.

Chúng tôi sẵn sàng tham gia, hỗ trợ và kêu gọi các doanh nghiệp châu Âu sang Việt Nam để tham gia, quảng bá sản phẩm ở sự kiện này.

Đất lạ hóa quê hương

* Gắn bó với Việt Nam như thế, nhưng ông có gặp khó khăn gì về sự khác biệt văn hóa?

– Gần 10 năm sống và làm việc ở Việt Nam, tôi không gặp bất cứ vấn đề gì về khác biệt văn hóa với người bản địa. Có lẽ, nhờ tôi đã sống ở châu Á hơn 26 năm nên đất lạ cũng hóa quê hương mất rồi.

Trong suốt quá trình đó, tôi luôn cố gắng gần gũi với văn hóa bản địa. Tệ nhất là đến tận bây giờ tôi vẫn còn chưa nói tiếng Việt được với bạn bè hay với người xung quanh. Thật đáng tiếc!

* Điều gì níu chân ông ở đây lâu đến thế?

– Chỉ có thể là tình yêu. Tôi rất yêu thích đất nước của các bạn. Tôi thành thật với tình yêu dành cho Việt Nam nên tôi rất tự hào khi mình đóng góp được chút gì cho sự phát triển của xứ sở này.

* Tình yêu thường đòi hỏi phải có hai chiều. Có bao giờ ông cảm thấy mệt mỏi, không thoải mái với vai trò là người bắc nhịp cầu giao thương như hiện nay?

– Cuộc sống có lúc này cũng có lúc khác. Như lúc mà châu Âu áp dụng chống bán phá giá giày xuất khẩu, tôi và đồng nghiệp thấy quyết định này rất sai lầm nên đã lên tiếng bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam.

Lúc ấy tôi cũng cảm thấy những quan chức, đại sứ ở châu Âu nhìn tôi bằng ánh mắt không thiện cảm, hệt như tôi là người không yêu nước, không ủng hộ lợi ích của châu Âu mà đi ủng hộ Việt Nam.

Rồi những khi góp ý thẳng thắn cho Chính phủ Việt Nam đôi lần tôi cũng cảm nhận được sự khó chịu của một vài người. Tuy nhiên, bản thân tôi thấy đó là những việc phải làm và đến giờ vẫn nghĩ vậy nên cũng không áy náy.

* Ông có hài lòng với những việc đã và đang làm tại Việt Nam?

– Vợ tôi ủng hộ tôi hết mình. Các thành viên EuroCham cũng rất tích cực. Đó chính là động lực giúp tôi tiếp bước qua những khó khăn. Tôi cảm thấy hài lòng với những gì mình đang làm vì nó tốt cho cả hai phía, Việt Nam lẫn châu Âu. Tôi làm gì cũng đam mê cả.

Quá trình làm việc tại Việt Nam cũng thế, tôi muốn gìn giữ đam mê này cho tương lai, cho những gì EuroCham đang làm. Hy vọng tôi làm được điều này!

* Và niềm tin của ông, ông đặt nó ở đâu trong cuộc sống?

– Tôi tin vào nhiều thứ lắm! Tin ở bản thân, tin vào con người và quan hệ giữa người với người. Và tin người Việt Nam, một dân tộc đang có dân số trẻ, họ khiến tôi luôn trẻ trung. Tôi cũng dành đức tin của mình vào Thiên Chúa nữa.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Theo Doanhnhan.net

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %

Average Rating

5 Star
0%
4 Star
0%
3 Star
0%
2 Star
0%
1 Star
0%

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *