Bao nhiêu cho vừa?
(FTUNEWS) – Mình chệch “đường ray” người đời, mình chệch “đường ray” ông trời thì đã sao? Bất cứ ai cũng có quyền kiêu hãnh về giới tính thật của mình và sống một cuộc đời bình thường như bao người khác, yêu và được yêu.
- Thợ của những giấc mơ
- Khi lòng ngưỡng mộ cất tiếng
- Ngày hội đổi sách – Book Exchange Day 6 có gì đáng trông đợi?
– Vậy chứ hồi đầu má mày phản ứng thế nào?
– Chị Năm kêu để chỉ chết đi cho rồi chứ sống làm cái gì nữa. Chỉ có làm gì nên tội nên tình hà cớ sao mà lấy dao cứa vào trái tim chỉ chi ác vậy. Nghĩ lại Lạc cũng tệ gì đâu…
Chị Năm là cách mà thằng Lạc dạo này đã thoải mái gọi má nó. Tôi nghe thấy thân thương, gần gũi và dễ dàng nhưng lại phải mất đến tận mười mấy năm trời Lạc mới dám gọi một cách bình thường, một cách dịu dàng như vậy. Tôi chơi với Lạc từ hồi còn bé, từ hồi nó còn là con trai cho tới tận bây giờ. Lạc nay đã có thể “tùy tiện” diện một chút son môi đi ra ngoài, mặc những bộ đồ đúng với cá tính mà không cần nghi ngại ánh mắt người này người kia hay lo sợ điều tiếng nữa. Nhưng mỗi lần nói về má nó, về tính tình của má nó, hai đứa tôi tự nhiên lại thấy chạnh lòng.
Hồi nhỏ, nhiều lúc thấy Lạc không nói chuyện với ai, cứ lặng lẽ ở yên cuối góc lớp những giờ ra chơi. Hồi nhỏ, nhiều lúc thấy nó cứ ngồi một chỗ rồi ngước nhìn bầu trời, thở dài như cách người lớn vẫn làm khi suy tư một điều gì, đan tay vào nhau, cô độc. Hồi nhỏ, nó nói ít, tôi chỉ nhớ lần chia sẻ duy nhất, nó bâng quơ không biết có phải là do nó tên Lạc mà cuộc đời nó cũng đâu đâu, không biết có phải là do nó hay buồn mà đến cả giới tính cũng không bình thường như bao người khác. Vì má nó kêu người hay buồn thì mệnh khổ dữ lắm.
Cái xóm nhỏ ở quê chúng tôi người ta không ác nhưng nhiều khi người ta vô tình, tàn nhẫn gì đâu. Má nó khóc nhiều bữa chừng nghe mấy người trong chợ xì xào thằng Lạc xóm mình là “bê đê”. Con họ học chung thấy sợ, nghĩ Lạc bị “bệnh” đâu có dám chơi cùng. Người nhà quê họ không quen nên bàn tới bàn lui nhiều lắm. Má nó đập chén cơm trước mặt nó, cứ không thôi kêu nó sao mà ác dữ vậy. Má nó bảo thấy bản thân mình nhơ nhuốc chồng thì bỏ, con thì hư thân. Má nó khóc, nói có phải là vì ba mày ngày đó giỏi giang quá khi mày còn đỏ lỏm đã thấy là sau này mày người không ra người nhục nhã thế này nên mới bỏ má con tao với mày không.
Má Lạc buồn lâu. Người đàn bà cả cuộc đời chịu thương chịu khó vì nghèo vì khổ và vì con, đau đớn như chết đi rồi. Nó kể nhiều bữa hai má con nó ngồi ăn cơm mà không có nhìn nhau. Trên truyền hình người ta diễn hài thì cũng coi mà sao lòng buồn rười rượi. Rồi trời xuôi quỷ thần khiến thế nào, mấy tiết mục đó người nghệ sĩ họ cứ thích lấy chuyện giới tính ra làm yếu tố gây cười và châm biếm. Người ta bán niềm vui bằng cách tô son thật đậm, đánh mông thật cong, làm mọi thứ lố lăng và kệch cỡm. Lạc bảo thấy cay đắng, bữa đó hai má con ăn cơm hay nước mắt mà sao mặn chát, đến nỗi sau rất nhiều năm trời mỗi lần nghĩ lại còn buồn. Rồi má ôm nó khóc, nói má không thèm chết nữa, chết rồi lấy ai thương Lạc.
Giờ ngồi nhớ có mấy chiều qua nhà Lạc ăn ké cơm, vẩn vơ nói cô Năm dáng người nhỏ xí mà cô Năm kiên cường ghê vậy đó. Không biết sương nắng hay chính tình thương mới tôi luyện cho cô bản tính mạnh mẽ đến như vậy. Thế giới ngoài kia chửi mắng cô bao nhiêu cũng được miễn là Lạc hạnh phúc. Người đời nhìn vào mãi mãi không hiểu cũng được, cô cũng không cần họ hiểu. Con cô không phải bị “bệnh”, con cô khác người ta nhưng không có nghĩa là con cô sai. Cô Năm vừa là má cũng vừa là ba, không phải cô thì lấy ai giữ cho Lạc ước mơ ?
“Bao nhiêu cho vừa lòng thiên hạ, con ơi! Mẹ không cần có một người con dâu cũng được vì mẹ giờ mẹ đã có thêm một đứa con gái, là con. Và con gái của mẹ là một đứa trẻ cũng có quyền yêu và được yêu.”
Có những điều mãi mãi vô lý với lý trí người đời nhưng lại hợp lý với con tim những người má như cô Năm vậy đó.
Quỳnh Mai