Bếp vắng con

Bếp vắng con

Published by ftunews2 on

0 0
Read Time:4 Minute, 27 Second

(FTUNEWS) – Trưởng thành không chỉ là có thể đi thật xa, mà còn là biết đường về nhà. Đi xa đến đâu, cũng hãy để mùi khói vươn góc bếp giữ lại chút gì trong tâm hồn con về gia đình. Ở nơi đó, có người luôn chờ con trở về với gian bếp tràn ngập mùi vị yêu thương.

Khi bắt tay vào viết về câu chuyện này, con đã trở lại Sài Gòn xô bồ chật chội, để lại hương mai đào vấn vít và thứ mùi chua ngọt của dưa kiệu những ngày giáp Tết mẹ và con cùng muối. Sài Gòn vẫn đông đúc, vẫn tấp nập, người ta vẫn hối hả như thể chưa từng chậm lại với Tết, với gia đình.

Sài thành vẫn vậy, chỉ có con là thay đổi nhiều, con biết trân trọng hơn mái ấm gia đình nơi xa, yêu hơn chính bản thân, cũng như bớt gay gắt đi với Sài Gòn – nơi gần như quen thuộc như hơi thở với con hằng ngày. Những ngày cuối cùng ở lại thành phố trước khi nghỉ Tết, đường phố Sài Gòn vắng vẻ hơn thường nhật. Người ta vẫn tấp nập nhưng bớt đi một phần hối hả, hai mấy Tết, chưa thấy bóng dáng của mùa vui. Hình ảnh thân thuộc của cành mai nhặt hết lá trước sân nhà thay bằng cổng sắt cao hun hút lúc nào cũng đóng sập cửa. Như có sự giao hòa giữa khí tiết và con người, đột ngột Sài Gòn trầm hẳn xuống. Đột ngột thấy nơi này ảm đạm đi nhiều. Con, đột ngột, muốn về nhà.

Thậm chí trong lúc ngồi chuyến tàu về nhà vào một chiều cuối năm không nhớ rõ, con thầm hào hứng với khung cảnh đầy bông cúc vàng rực xếp thẳng tấp theo bậc tam cấp của hiên nhà và căn bếp sực nứt mùi gia đình đang chờ con trở về. Hoa vẫn còn e ấp nụ, vườn tược vẫn chưa quét tước trang hoàng. Tủ lạnh trống trơn, gian bếp ngày trước mẹ thường canh lửa nấu cơm lạnh ngắt.

Con về, Tết chưa về.

Rồi chợt nhận ra mình đã vô tâm nhường nào trong suốt ngần ấy thời gian qua. Không phải lần đầu về nhà, nhưng lần đầu tiên con nhận thấy sự khác biệt khi có và không có con. Lúc con ở đây, ba mẹ chăm con nâng niu từng bữa cơm giấc ngủ, không để con chịu bất cứ chậm trễ thiệt thòi nào. Cẩn chu là thế, song với bản thân mình ba mẹ lại qua quýt đến con phải xấu hổ vì những lúc tiêu pha hoang phí. Lắm lúc bữa cơm sơ sài gián đoạn vì công việc, rồi thì ba mẹ cũng chả buồn ăn tiếp. Mẹ nói rằng có con về, tuy phải tất bật cơm nước nhưng còn có niềm vui bếp núc. Ba hay đi công tác xa, mẹ một mình thì bày biện gì nhiều cho phức tạp. Qua loa đạm bạc cũng xong một bữa cơm, còn có thể lo thêm cho con đỡ vất vả nơi đất khách. Đi học ở một mình, cái gì cũng tự lo liệu, đột nhiên nhớ tha thiết những ngày con chán cơm nhà rồi chạy bay ra ngoài tiệm với món ngon của lạ, để đồ ăn cũ thừa lại hẩm hiu trong lồng bàn lạnh ngắt.

Với sự hiện diện của con, tủ lạnh lại đầy ắp những thức quà ngon miệng, mẹ lại tất bật với phiên chợ sớm với không một lời phàn nàn. Nhưng lần này, còn có con giúp mẹ. Đó là những mẫu chuyện vặt vãnh về ba, về mẹ những ngày con đi xa, những ước mơ hoài bão con ấp ủ vươn cao quãng đời đại học, hay lặp lại tiếp những lời dặn dò ba mẹ từng nói mãi không hết qua điện thoại. Mùi khói bếp hung lên mái đầu với kiểu tóc đang “hot” của giới trẻ Sài thành, con không bận lòng chút gì về điều đó nếu có thể tự tay chuẩn bị một cái Tết đúng nghĩa. Về nhà, bắt một ấm nước sôi, canh lửa thổi cơm nóng, chuẩn bị thịt cá rau cà, cho ba mẹ một bữa cơm gia đình, cho mình một lần chăm sóc họ – những người luôn nâng niu con bất kể tháng ngày. Thành phố cũng chẳng đáng ghét đến vậy trong những ngày con chật vật một mình, gắt gỏng với Sài Gòn chỉ là cái cớ cho việc con nhớ gia đình rất nhiều. Vì ba mẹ yêu thương con như thế, nên con càng phải trân quý hơn bản thân, quý trọng thêm những ngày tháng tôi luyện ở môi trường khác, cuộc sống khác. Chỉ cần biết rằng, bất cứ lúc nào con muốn quay về, dù là Sài Gòn hay gian bếp nhà có lạnh lẽo đến đâu, ba mẹ cũng sẽ thắp lên hàng vạn giọt ấm và tia sáng, soi đường con đi và dẫn dắt con trở về. Quan trọng không hẳn là ăn Tết, mà là ăn Tết cùng gia đình, phải không ba mẹ?

Hồng Ngọc

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %
Categories: Blog