Cây lá Hà Nội (Lý Lan)

Published by sieuquantri on

0 0
Read Time:6 Minute, 0 Second

Người ta thông báo khi máy bay đáp xuống phi trường Nội Bài “Bây giờ là mười giờ mười phút, nhiệt độ là mười bảy độ C.” Máy bay giá rẻ nên cả chuyến bay chẳng được cho uống một ngụm nước lã. Trên máy bay bán một chai nước 200ml giá hai chục ngàn đồng, cái chai y như vậy mua ở siêu thị giá năm ngàn thì đã bị tịch thu ở trạm kiểm soát an ninh trước khi lên máy bay. Hóa ra hai chục ngàn cũng phải chăng vì cái chai nước đó giá hai mươi tư ngàn trong khách sạn. Và khi nhìn vào thực đơn của quán café, không có thức uống nào giá thấp hơn bốn mươi nghìn, trừ chai nước hăm tám nghìn, tôi mới nhận ra mình đã hà tiện quá đáng khi nhịn khát hai tiếng đồng hồ lúc bay suốt từ Nam ra Bắc trên bầu trời tổ quốc. Nhưng thôi, không nói chuyện giá cả nữa. (Mỗi lần mở miệng kêu đắt là thấy người ta khinh mình ra mặt).

Ảnh: Hữu Anh

Hà Nội đang lạnh, người đi ngoài phố mặc áo khoác dày, đội mũ, trùm khăn, xinh nhứt là mấy đứa trẻ con đội nón bịt tai nhiều màu sắc và hình thù ngộ nghĩnh. Các cô gái trẻ vẫn mặc váy ngắn, giày cao gót nhọn. Ban trưa có chút nắng ấm các cô ríu rít ăn bún đậu bên những gốc cây to trên lề đường  trông thiệt là hay. Một hình ảnh tạo  ấn tượng khác là trong mỗi cửa hàng ở phố cổ, giữa những đống hàng hóa, một phụ nữ mặc áo bông trùm khăn kín đầu ngồi bất động trên ghế đẩu, gương mặt bình thản, đôi mắt ơ hờ nhìn ra đường.

Ngoài đường du khách kẻ váy ngắn kẻ áo sơ mi phong phanh, mà người nào cũng toát mồ hôi khi len lỏi đi giữa rừng người và xe. Bọn sinh viên Mỹ đi cùng tôi tưởng đã rành cách băng qua đường ở thành phố Hồ Chí Minh sau một tuần la cà khắp nơi, giờ coi như tập lại từ đầu từng bước một hai ba bốn của điệu khiêu vũ giữa khách bộ hành và xe các loại trên đường phố Hà Nội. Sau mấy lần suýt bị xe đâm thẳng vào, tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định của chúng là xe cộ ở Hà Nội điên (crazy) hơn ở Sài Gòn.

Bọn sinh viên quan tâm đến sinh thái và môi trường nên đặc biệt thích thú những hàng cây rợp bóng những con đường lớn đường nhỏ. Tất nhiên cây mọc dọc đường là cây trồng, nhưng hình như có những cây không do người ta trồng, mà tự mọc lên ở những nơi bất ngờ, như ngay góc phố, hay ngay trên bức tường cũ kỹ trong một con hẻm cụt. Cây xòe tán rộng, lá xanh rậm rì, từ cành to nhánh nhỏ mọc lòng thòng rễ lớn rễ bé, tạo một khung cảnh thiên nhiên mang vẻ hoang sơ huyền bí ngay trong thành phố rần rần xe cộ.


Nhớ lần đầu tiên ra Hà Nội (A, gần hai mươi năm đã trôi qua!) cũng nhằm lúc Hà Nội se se lạnh như vầy, tôi đã gặp cảnh những cây xà cừ trút lá, những chiếc lá khô nhỏ nhỏ phủ đầy lề đường, sân, thềm những ngôi nhà cũ kỹ, nhận ra câu thơ “Người ra đi đầu không ngoảnh lại / Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” mang tính miêu tả hiện thực. Cây cối ở Hà Nội quả thực gợi hứng. Ít nhứt thì đối với tôi, những “thoáng Hà Nội” đều có bóng cây. Mấy chục năm qua, cây cỏ Sài Gòn – Hà Nội có một sự giao lưu thú vị, những cây hoa sữa, cây lộc vừng, cây hoàng lan, cây cơm nguội, cây điệp, cây bàng… đều mọc tốt tươi ở cả hai thành phố. Gần quảng trường Ba Đình có nhà nọ trồng cây sa pô chê chi chít trái. Trong vườn Hồ Chủ Tịch những cây “trứng gà” (hồi nhỏ ở quê  tôi kếu là cây ô ma) cũng đậu được vài trái. Bưởi thì ôi thôi, cả một vườn bưởi đầy trái. Cây xoài nghe nói cũng có quả, nhưng cây già cao quá,  tôi ngóc đầu nhìn hoài mà không bói được trái nào.

Cây bàng là một thú vị đối với riêng tôi. Lúc này những chiếc lá to hơn bàn tay của cây bàng đang nhuộm màu đỏ, đỏ bầm, đỏ nâu, có chiếc gần như đỏ au khi nắng rọi qua. Một số lá đã khô và rụng xuống đất. Tôi thử ngồi yên đếm lá rụng. Trong mười phút đếm được sáu chiếc lá khô lìa cành với sáu kiểu rơi xuống. Cây bàng về sau này cũng được trồng nhiều ở miền nam, nhưng hồi tôi học bài “Nhặt lá bàng” ở trường, phải vận dụng tối đa trí tưởng tượng để hình dung cái rét, cơn gió bấc, và chiếc lá bàng dùng làm nhiên liệu sưởi ấm ở một “miền Bắc” mà, như những người cùng thời, tôi chỉ biết qua sách vở.

 

Ký ức văn chương sống dậy trong  tôi lúc này là đoạn văn của Khái Hưng tả cảnh lá rụng. Tôi nhớ đoạn văn này vì là đoạn phải “học thuộc lòng” (lầu ngày chày tháng chắc có nhầm lẫn sai sót chút đỉnh). Đoạn này được học trong phần văn tả cảnh lớp đệ thất, và đây cũng là sự tiếp cận đầu tiên với triết học khi tôi vừa mười hai tuổi. “Mỗi chiếc lá rụng có một linh hồn riêng, một tâm tình riêng, một cảm giác riêng. Có chiếc tựa mũi tên nhọn, từ cành cây rơi cắm phập xuống đất như cho xong chuyện, cho xong một đời lạnh lùng thản nhiên, không thương tiếc, khôg do dự vẩn vơ. Có chiếc lá như con chim bị đan lảo đảo mấy vòng trên không, rồi cố gượng ngoi đầu lên, hay giữ thăng bằng cho chậm tới cái giây nằm phơi mình trên mặt đất. Có chiếc là nhẹ nhàng, khoan khoái đùa bỡn, múa may với làn gió thoảng, như thầm bảo rằng sự đẹp của vạn vật chỉ ở hiện tại: cả một thời quá khứ dằng dặc của chiếc lá trên cành cây không bằng một vài giây bay lượn, nếu sự bay lượn ấy có vẻ đẹp nên thơ. Có chiếc lá như sợ hãi, ngần ngại, rụt rè, rồi khi tới gần mặt đất còn cố cất mình muốn bay trở lên cành. Có chiếc lá đầy âu yếm, rơi bám vào một bông hoa thơm, hay đến mơn trớn một ngọn cỏ xanh mềm mại. Mỗi chiếc lá rụng là một biểu hiện cho một cảnh biệt ly. Vậy thì sự biệt ly không phải chỉ có nghĩa buồn rầu khổ sở. Sao ta không ngắm sự biệt ly theo tâm hồn một chiếc lá nhẹ nhàng rơi?” (Khái Hưng)

Lý Lan

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %

Average Rating

5 Star
0%
4 Star
0%
3 Star
0%
2 Star
0%
1 Star
0%

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *