Chàng vịt của chúng tôi
Khi nhìn lại những gì đã qua, tôi thường tránh hay cố lướt thật nhanh qua La. Cô ấy lấp đầy một khoảng trong kí ức tôi, khoảng ấy tôi để dành cho những kí ức buồn.
La không phải tên thật của cô ấy, một biệt danh, một biệt danh được gán từ khi chúng tôi chưa gặp nhau. Lần đầu tiên gặp cô ấy là một buổi sáng, buổi đầu tiên của tôi ở trường đại học. Tôi đang lúng túng ở hành lang thì cô đến gần. Cô mặc jeans và sơ mi, sách kẹp dưới cánh tay. Cô nhìn tôi thông cảm.
-“Đang tìm lớp phải không cậu bé?”. Cô đẩy gọng kính và cười.
-“Vâng. Tôi không nắm rõ sơ đồ cho lắm.” Tôi gãi đầu, gãi nhiệt tình như đã vài ngày chưa tắm vậy. Khi bối rối tôi luôn gãi đầu một cách vô ý thức.
-“Tôi sẽ giúp cậu.” Cô ấy lại đẩy gọng kính.
Chúng tôi quen nhau là vậy. Cô ấy bằng tuổi tôi nhưng học trên tôi một khóa. Chúng tôi thường hẹn nhau ăn trưa và tán chuyện. Ấn tượng ban đầu thật tuyệt nhưng càng lúc, tôi càng cảm thấy nó ở ngay chính tôi, không đâu xa.
-“Cậu quen con bé ấy à?”. Thằng bạn chung phòng với tôi hỏi.
-“Cũng mới thôi”. Tôi ậm ừ.
-“Con bé ấy không bình thường.”
-“Tớ biết”. Tôi trả lời.
-“Mẹ nó là luật sư. Bố nó nuôi ngựa giống.” Hắn ngả người ra đằng sau với lấy chiếc bật lửa của tôi và mồi thuốc.
-“Hừm”. Tôi dán mắt vào cuốn tiểu thuyết.
-“Cậu nghĩ lừa với ngựa lai với nhau ra cái gì. Một con la.” Hắn cười lớn.
-“Ra vậy.” Tôi nhảy xuống khỏi giường và ra ngoài. Ở chung phòng với một thằng như thế bạn phải tự mua lấy cho mình một thú tiêu khiển. Tôi chọn đọc sách và hình như sự lựa chọn ấy không sáng suốt. Nếu tôi đọc một cuốn sách mà có hắn ngồi bên cạnh, tôi sẽ bị vặn óc bởi những gì hắn nói, và vì thế tôi chọn một cách tiêu khiển khác. Ra khỏi phòng và đi dạo với La.
-“Mẹ em là luật sư?”. Tôi hỏi.
-“Vậy là anh đã nghe giai thoại về em nhỉ?”. Cô ấy chắp tay sau lưng và nhùn nhảy trên một đường thẳng vô hình.-“Và rằng bố em là một người thuần ngựa hoang”.
-“Thằng bạn cùng phòng của anh kể vậy”. Tôi rút một điếu thuốc. -“Em hút chứ?”. Tôi hỏi.
-“Chưa phải lúc”. Cô ấy vẫn nhún nhảy. “Anh biết tại sao chim sẻ khi lớn lên lại được gọi là chim sẻ không?”.
-“Hừm”. Tôi khá quen với những câu hỏi đặc biệt như vậy.
-“Vì bố mẹ chúng là chim sẻ”. Cô ấy giật lấy điếu thuốc tôi đang hút. –“Và khi chết đi chúng vẫn là chim sẻ vì bố mẹ chúng là chim sẻ.”
Mùa thu đến sớm. Những cây phong đã bắt đầu trút lá. Vàng, đỏ, không chủ yếu là đỏ. Đỏ ấm áp, nhưng chúng chết rồi.
Tôi chưa từng hỏi gì về đời tư cô ấy. Cô ấy không muốn thế và tôi đang yêu một người tôi không hề biết rõ về người ấy. Tôi chỉ biết một điều, cô ấy đặc biệt không chỉ với tôi mà với tất cả mọi người. Nhưng cái vẻ đặc biệt ấy chuyển hóa thành cách suy nghĩ khác nhau giữa tôi và mọi người. Tôi đón nhận còn họ thì chịu đựng.
-“Tại sao em hay ngắt lời giáo viên vậy?”. Tôi hỏi cô ấy khi đón cô từ văn phòng quản lý sinh viên.
-“Họ không biết bọn em đang nghe gì, họ chỉ biết họ đang nói gì.” Cô ấy đẩy tay tôi ra khi tôi choàng lấy vai cô ấy.
-“Chúng ta nên đi dạo”. Tôi nói.
-“Ý hay tuyệt”. Cô ấy choàng lấy vai tôi. “Cho anh một phút được che chở này.” Cô ấy cười vang hành lang văn phòng quản lý sinh viên. Giám thị thò đầu ra khỏi cửa.-“Thầy không phải khó chịu, em sẽ tìm ra kẻ làm ồn cho thầy ngay lập tức. Nào chàng trai, khoanh vùng những kẻ tình nghi nào”. Cô ấy nắm lấy tay tôi. Chúng tôi chạy và tôi thấy thấp thoáng vẻ ngao ngán của người giám thị, vẻ bực tức thì đúng hơn.
Mùa đông đến sớm như mua thu vậy. Chúng tôi không thể dùng hơi ấm của nhau để sưởi được nữa. Chúng tôi đóng mình trong áo dày hai ba lớp nhưng hơi ấm của cô ấy vẫn len lõi đến tôi. Không từ da thịt mà từ ánh mắt.
-“Chúng ta nên đi picnic ở hồ”. Cô đề nghị.
-“Ngay giữa mùa đông ư?”. Tôi nói.
-“Em muốn biết những con vịt trời sẽ bay về đâu khi hồ bị đóng băng.” Cô ấy nũng nịu.
-“Nhưng em có thể xem ở thư viện, mục chim di trú. Ngoài ra, bây giờ còn có con vịt nào ở lại để nói cho em hay đâu.” Tôi xoa hai bàn tay vào nhau và áp vào má cô ấy.
-“Chúng sẽ để lại thư”. Cô ấy nói nhanh. “Và anh có biết rằng những nhà nghiên cứu về chim di chú cũng đọc những bức thư của chúng đấy.”
-“Những bức thư?. Thôi nào bé con. Em đâu có còn trẻ con để tin vào những chuyện như thế.” Tôi ôm cô ấy vào lòng.
-“Không”. Cô ấy đẩy tôi ra. “Ai đi cũng cần phải viết thư, để người khác biết nơi họ đến và hẹn ngày trở về. Vịt trời cũng vậy.”
-“Chúng sẽ về thôi và chúng đi đâu, chúng ta đều có thể tìm ở thư viện.”. Tôi mất kiên nhẫn.
-“Anh có hiểu người đàn ông kia nghĩ gì về chúng ta không?”. Cô ấy chỉ một người đằng xa đang nhìn chúng tôi.
-“Anh không biết”. Tôi mừng vì được đổi đề tài.
-“Vậy làm sao anh biết được vịt nghĩ gì?”. Cô ấy chạy đi. Tôi không níu được cô ấy, không thể níu được một người như cô ấy.
Tối hôm ấy cô ấy đến tìm tôi.
-“Em ra hồ một mình”. Cô ấy đứng ở cửa.
-“Anh biết. Anh không cản em được.” Tôi nhìn cô ấy mệt mỏi.
-“Đôi lúc là vậy đó. Anh có nghĩ bố em có cho em sự nổi loạn của bầy ngựa hoang mà ông thuần hóa không? Hay mẹ em đã cho em sự cứng cỏi và lì lợm?”. Cô ấy ngồi thụp xuống trước cửa phòng tôi.
-“Chúng mình đi dạo nhé. Nếu em còn sức. Hay uống một ly nhé.” Tôi xốc cô ấy lên, đưa cô ấy ngồi ở ghế cạnh giường tôi. Thằng bạn tôi trố mắt nhìn, hắn không thèm chào cũng chẳng thèm gây chú ý. Hắn đóng vai một bức tượng với đôi mắt đang lồi ra. Cô ấy đứng dậy đến chỗ hắn. Đưa hai tay lên mặt hắn. Lúc này hắn mới sực tỉnh và gạt tay cô ấy ra, mặc vội chiếc áo chạy biến ra ngoài.
-“Em định làm gì hắn vậy?”. Tôi cười khoái trá.
-“Nhấn mắt hắn vào.” Cô ấy bình thản đáp.
-“Em dám ư”. Tôi bước đến gương và chải đầu.
-“Hắn từng bị em cho nhập viện. Hắn gửi quà giáng sinh cho em. Một sợi dây dùng để xỏ mũi vật kéo.”. Cô ấy lấy điều thuốc hắn hút dở trên bàn và hút.
-“Thế rồi?” Tôi mặc áo khoác.
-“Em đâm hắn.”. Cô ấy bình thản.
Tôi nhớ lại vết sẹo ở đùi hắn. Nó dài độ một inch và chắc hẳn là sâu rồi và đến mùa trở gió hắn hay than đau. Tôi nhìn cô ấy, cô ấy hoang dã như ngựa hoang vậy.
Tôi và cô ấy bước vào quán café thay vì quán rượu. Cô ấy muốn có một không gian yên tĩnh và thoải mái hơn.
-“Em tìm được thư của chúng chứ?”. Tôi hỏi.
-“Chưa”. Cô đáp gọn lỏn.
-“Sẽ tiếp tục chứ?”.
-“Không”. Cô ấy đáp chán nản. “Ai đó đã đến trước em”.
-“Àh ra vậy. Em tìm thư của vịt như thế nào?” Thực tình thì tôi cũng tò mò về những gì cô đã làm ngoài cái hồ ấy.
-“Em hỏi mặt hồ”. Cô đáp.
-“Thế rồi?”
-“Em hỏi: Vịt để lại thư chứ?. Hồ im lặng. Tức là đồng ý. Tôi không tìm thấy nó. Nó ở đâu? Hồ im lặng. Lúc này em nghĩ nó không muốn cho em biết. Rồi em đi loanh quanh và cố gắng tìm kiếm. Thế rồi em lạnh cóng và quyết định hỏi hồ: Ai đó đã lấy đi à?. Hồ im lặng. Tức là đúng. Em bỏ về. Chắc là những nhà nghiên cứu về chim di trú đã lấy. Hay là tệ hơn những tên thợ săn đã lấy nó. Anh có nghĩ vậy không?”
-“Anh không biết?. Nhưng em nên hỏi hồ ngay từ ban đầu rằng :Chẳng con vịt nào viết thư phải không? Và em chẳng phải lạnh cóng đến thế.” Tôi nói pha chút giễu cợt.
-“Anh tưởng em không nghĩ đến thế à? Nhưng em không muốn hồ nghĩ em hoài nghi về những anh bạn vịt.” Cô ấy nói rồi dựa vào tôi. Ngủ một giấc ngon lành.
Cô hay dừng lại ở một bờ tường phía sau kí túc xá để ngắm những con sên chậm chạp bò lên thảm cỏ. Dù mưa hay nắng, cô vẫn đến đó, sau buổi học chiều và theo dõi chúng. Trước khi đi cô không quên chào những người bạn chậm chạp và đánh dấu lên vị trí của chúng ngày hôm nay. Hôm sau, đúng giờ cô lại đến, xem thử chúng đã đi được bao xa.
-“Anh nhìn này. Nhanh hơn mọi lần. Chúng đang yêu đấy anh. Khi yêu cái gì cũng gấp gáp anh nhỉ.” Cô nhìn chúng vẻ trìu mến.
-“Anh tường khi yêu chúng phải chậm lại và thưởng thức chứ.” Tôi nói.
-“Đời ngắn ngủi lắm anh.” Cô đáp. –“Anh thấy không, đời chúng ngắn, chúng vẫn chọn cách sống thật chậm chạp. Chúng thưởng thức nó đấy. Sên còn khôn hơn cả chúng ta. Chúng ta có thể đón rất nhiều mùa xuân nhưng tại sao cứ phải gấp gáp mà ruồng rẫy những mùa đông đến vậy”. Tôi nghe được sự ấm ức trong cô.
-“Anh không hiểu ý em.”
-“Anh đánh dấu đi. Hôm nay ngắm thế là đủ. Chúng ta ra hồ nhé.” Cô ấy hôn phớt lên má tôi rồi chạy đi. Tôi lấy bút và đánh một dấu bên cạnh con sên. Xong việc, tôi nhìn bức tường, nó chi chít dấu bút dạ.
Chúng tôi trải qua mùa đông như thế đấy. Chuyện về vịt, về hồ, về sên, về giám thị và về những gì cô ấy đã làm trước khi gặp tôi. Mùa xuân cũng đến. Khoảng thời gian mà chúng tôi không mong muốn nhất. Chúng tôi gặp nhiều người trên giảng đường và giờ đây lại gặp họ trên những con đường mà mùa đông đã dành riêng cho chúng tôi. Và mùa xuân cũng không như mùa thu, nó vui vẻ, tươi mát, ồn ã nhưng với chúng tôi, khi mọi vật bắt đầu chết, chính lúc ấy chúng tôi mới thực sự sống. Chúng tôi đến giảng đường, đi dạo, ăn tối và ôm ấp nhau trong phòng của tôi. Thằng bạn chung phòng không bao giờ hiện diện cùng lúc với cô ấy. Chúng tôi dần tách riêng ra khỏi những gì đang diễn ra, vịt cũng đã về, bạn của cô ấy đã về. Với tôi, chúng không thực sự là bạn, chúng chỉ là thứ làm người tôi yêu vui vẻ. Chính thế đã là bạn rồi theo một cách nào đó.
Một ngày mẹ cô ấy đến thăm cô ấy. Rồi hai ngày sau bố cô ấy đến thăm cô ấy.
-“Bố mẹ em ly hôn à?”. Tôi hỏi.
-“Anh thấy đấy. Họ cố giấu những gì đã phơi bày?” Cô đáp.-“Hè đến chúng ta sẽ làm gì?”. Cô đổi chủ đề.
-“Đi picnic”. Tôi nhìn cô.-“Và thăm những chàng vịt của em”. Tôi cười.
-“Mùa hè. Hồ đầy ắp người. Em không thể nói chuyện với chàng vịt nếu hồ đầy người như thế.” Cô cởi áo khoác và ngã vào lòng tôi.
Bố và mẹ cô ấy li hôn. Cuộc sống của họ như hai con thuyền đi ngược nhau trên một dòng sông. Kẻ ung dung trôi đi, kẻ bán sống bán chết chèo đi.
-“Bố vẫn yêu mẹ?”. Tôi hỏi.
-“Vẫn”. Cô dụi mũi vào ngực tôi.-“Nhưng mẹ không thế. Dừng lại ở đây nhé.” Cô hơi cáu.
-“Trước khi gặp anh em có gặp ai khác không?”. Tôi vuốt sống lưng cô, xoa tay lên mái tóc và luồn vào dưới gáy cô, nơi ấm áp và mềm mại.
-“Những chàng vịt. Ngoài ra anh nghĩ có ai yêu một kẻ họ phải chịu đựng không?” Cô cười.
-“Thế em nghĩ vịt yêu em ư?” Tôi cười khoái trá.
-“Vẫn như cũ. Em hỏi chúng có yêu em không. Chúng im lặng. Vậy là đồng ý.”
-“À há”. Tôi gật gù. –“Bây giờ trong trường, họ phải chịu đựng hai chúng ta đấy.”
-“Anh không thích à?”. Cô hỏi.
-“Chẳng có gì phải thích hay không thích”. Tôi đáp.
-“Vậy anh chấp nhận chứ không phải là thích hay không thích. Khi thích họ sẽ chấp nhận, nhưng chưa chắc chấp nhận là họ đã thích. Anh bùng học với em do anh chấp nhận, có ai ngoài em thích bùng học cơ chứ. Anh uống trà nóng giữa trưa với em, bởi anh chấp nhận nhưng em biết anh thích một chai coke hơn. Anh ngồi với em hàng giờ giữa sân trường để nhìn đám sinh viên qua lại và bình phẩm họ. Anh chấp nhận nhưng anh không hề thích. Đúng không, nói cho em biết đi”. Cô ấy ngồi dậy và nói liên hồi.-“Anh chấp nhận em, em biết, vì anh giống em. Nhưng không ai thích cái gì giống mình cả. Thích làm gì những thứ đã có ở mình cơ chứ.”.
-“Em kích động để làm gì?”. Tôi nhẹ nhàng. “Đối với anh chúng như thế cả thôi.”
-“Chúng như thế cả thôi. Anh nói như em có thể ăn một trái táo từ năm ngày trước rồi tự nhủ như thế cả thôi, mặc dù nó vữa đến ghê tởm. Anh nói như em có thể nói chuyện với một con vịt nhà rồi tự nhủ đó là chàng vịt của em, bởi vì chúng đều kêu quang quác. Anh nói như thể anh có thể vuốt ve bất kì ai bởi đó đều là xác thịt.” Cô ấy đứng dậy và nhìn tôi.
-“Chàng vịt của em có thể bay được, ít nhất là thế.” Tôi cáu.
-“Em ra hồ”. Cô ấy đáp.
-“Tùy em” Tôi ngã mình trên giường.
Người ta tìm thấy cô ấy chết đuối sáng hôm sau. Tôi là người được gọi đến đầu tiên, sau đó là mẹ cô ấy và bố cô ấy. Bọn sinh viên bảo chúng tôi có to tiếng với nhau trước khi nhìn thấy cô ấy bỏ đi. Bố cô ấy nắm lấy cổ áo tôi, tôi không phản ứng, chỉ nhìn xa xăm đâu đó.
-“Thôi đi. Anh và em và tất cả đều biết con bé phải chịu đựng những gì?” Mẹ cô ấy vỗ vai bố cô.
Trường đại học trở lại bình thường. Họ không còn thấy La đạp xe giữa trưa vòng quanh những cây phong trong sân kí túc xá. Giáo viên ngoài mặt thì thương tiếc nhưng tôi biết rõ họ đang thở phào khi không ai ngắt lời họ nữa. Họ sẽ không còn thấy một chàng trai che mưa cho cô gái khi cô ấy mãi mê ngắm những con sên trên bờ tường. Họ sẽ không còn nói về một con bé nhún nhảy trên những đường thẳng vô định với gã bạn trai đi cùng, miệng phì phèo thuốc vào những ngày lạnh nhất của mùa đông. Và rồi những chai coke sẽ đặt trước mặt tôi thay vì trà nóng vào bữa trưa nhưng tôi sẽ không uống nó. Tôi thèm vị trà nhưng là của La, vị trà đắng nhưng vị ngọt thấm lâu trên đầu lưỡi. Tôi vẫn đi dạo và đó là thú tiêu khiển tôi mua được. Hãy cứ để mùa thu là chính nó, mầm sống chỉ khơi hi vọng rồi vụt tắt, nó giết chết mùa thu, giết chết sự luân hồi.
Trong những cuộc dạo chơi một mình, tôi thường hay ra hồ và nói chuyện với những chàng vịt của La. Rồi tôi hỏi chúng:
-“La muốn nói chuyện riêng với chúng mày mà không bị ai nghe thấy phải không?” Tôi hỏi.
Chúng im lặng, tôi gạt nước mắt. Lòng hồ, nơi duy nhất La có thể nói với chàng vịt của cô ấy mà không bị ai nghe thấy. Nói cho cùng tôi cũng không hiểu những gì cô ấy đã làm. Ai hiểu nổi tại sao gió phải lặng sau cơn mưa. Tôi nhìn bầu trời quang đãng, ấy là mùa xuân, mùa của sự sống.
Đến mùa đông, khi những chú vịt của La bay đi. Tôi nói chuyện với mặt hồ.
Chim vặn dây cót