Chút tản mạn về Ngoại thương trong tôi (Thầy Giang Nam)

Published by sieuquantri on

0 0
Read Time:9 Minute, 23 Second

Từ trong nỗi nhớ về môt thời đã qua, về một không gian đã xa đó, từng dòng chữ của các bài viết đã đem lại cho tôi rất nhiều cung bậc cảm xúc. Đó là nỗi nhớ da diết khi gặp lại chính mình của một thời áo trắng, cũng có lúc ngây ngô, vụng dại, cũng có lúc trưởng thành, có trách nhiệm với bản thân, cũng có lúc cảm thấy mình nhỏ bé, yếu đuối, lạc lõng, và cũng có lúc đầy hoài bão, khát vọng và quyết tâm. 

Tôi không nghĩ mình đang đọc những bài viết dự thi mà đúng hơn là tôi đang được trở về những xúc cảm của ngày xưa bằng tấm vé ngôn từ các bạn tặng.

” Cầm trên tay giấy báo có ghi tên mình, con đã òa khóc vì thấy thương ba mẹ quá đỗi, những người đã vì con mà bạc đầu lo lắng… Ngày mai sẽ là ngày con rời xa gia đình, rời xa dải đất miền Trung đầy nắng gió, để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của con tại một môi trường xa lạ… Nhất định, con sẽ kể cho ba mẹ nghe về những điều con sẽ được học, được tôi luyện và cả những nỗ lực, phấn đấu của con tại giảng đường đại học để ba mẹ có thể yên tâm và tự hào rằng, Ngoại thương, giảng đường con đã chọn để theo đuổi và phấn đấu, sẽ là nơi nâng bước cho những ước mơ của con bay cao, bay xa hơn nữa….Hãy tin ở con !”

(Phương Lan, K50CLCD1)

Không xúc động sao được khi bắt gặp lại chính mình đã từng hai lần phải tạm biệt gia đình thân yêu, gác lại những lo toan, suy nghĩ để tiến ra biển lớn tri thức. Còn nhớ năm ấy, ba đã bước vào giai đoạn cuối của căn bênh ung thư phổi, cuộc sống chỉ còn được tính bằng tháng, bằng tuần, thậm chí là chỉ bằng ngày nữa thôi. Tôi đã phải dày vò, đắn đo, suy nghĩ rất nhiều giữa đi và ở. Ở- nghĩa là tôi sẽ phải lãng phí gần một năm trời phấn đấu học tập ở London, với biết bao bài thi, bài viết thức xuyên đêm để làm, chưa kể đến những lãng phí về tiền của và tương lai. Đi- nghĩa là tôi sẽ phải gác lại tất cả suy nghĩ, lo lắng, tôi sẽ phải ích kỷ đến với một phương trời xa lạ, để lại cho đôi vai gầy của mẹ nỗi vất vả lo toan bệnh tật của ba. Mẹ đã khóc rất nhiều để động viên tôi quay lại London hoàn thành khoá học, tôi cứng đầu không chịu đi, có lúc hai mẹ con đã phải tranh cãi rất căng thẳng. Nghe lời mẹ, tôi đã ra đi… còn nhớ như in ngày đó, đôi mắt ba cứ dõi theo từng bước chân tôi như thể không muốn rời, đôi chân gầy yếu đuối của ba lững thững bước theo như để khoảng cách giữa tôi và ba được gần thêm chút nữa. Tôi đã khóc thật nhiều rồi bước đi mà không dám ngoảnh lại, bởi tôi biết… lần này đi có nghĩa sẽ không bao giờ còn được nghe ba nói, thấy ba cười và được chia sẻ buồn vui trong cuộc sống với ba nữa…

alt

Đó là niềm hạnh phúc lớn lao vỡ oà trong những kỷ niệm về tình thầy trò, tình bạn, tình yêu….

“Ở Ngoại thương, người ta thường yêu rất sâu, đến mức cả thế giới của bản thân, trong một phạm vi nào đó đều xoay quanh tình yêu ấy. Tôi đã hơn một lần mất ngủ vào lúc gần sáng và bắt gặp trên yahoo những cái tên quen thuộc vẫn sáng đèn, thức chung với tình yêu của mình, trong cái thế giới rộn ràng những hoạt động, những câu trao đổi xuyên đêm. Họ ở bên tình yêu cả khi ăn, quên cả những cuộc hẹn hò với bạn bè, và lấy tình yêu ấy để làm động lực vượt qua mọi thử thách. Và rồi, cái giây phút thấy tình yêu chung của mình thực sự tỏa sáng trước hàng trăm cặp mắt theo dõi, có người tươi cười rạng rỡ, có người lại vì không kềm được mà òa khóc trong hạnh phúc, để những ngày sau, họ trân trọng cất đi tấm áo đã cùng mình gắn bó suốt thời gian dành trọn cho tình yêu vừa qua, và tiếp tục miệt mài sống quên mình vì một tình yêu đang đến. Họ gọi tình yêu to lớn ấy của mình bằng cái tên CHƯƠNG TRÌNH. “

(Trương Ngọc Bội Khuyên, K49CLC1)

Là một sinh viên khoá 43 của trường, tôi cũng đã một thời sống hết mình với những khát vọng, đam mê. Có những ngày miệt mài tập luyện quên ăn, để rồi đêm về trong giấc ngủ vẫn còn hát, cho đến khi đứa bạn cùng phòng gọi dậy mới biết mình đang mơ. Có những mùa hè tình nguyện, cùng nhau chịu nắng, chịu mưa, cùng đi đến những vùng quê nghèo khó, cùng sống, cùng san sẻ, cùng nhau viết lên những trang nhật ký đẹp và đầy ý nghĩa.

alt

Và hơn hết, đó là một chút tiếc nuối, băn khoăn khi có những câu chuyện về sự khó khăn gian khổ của sinh viên mà kể từ khi bước chân lên giảng đường mình chưa kịp chia sẻ…

Có thể đó là câu chuyện của một cô bé tỉnh lẻ, không may mắn thiếu nửa điểm trong kỳ thi tuyển sinh để rồi bước vào đại học với bao áy náy day dứt khi nghĩ đến gánh nặng học phí mà suốt bốn năm tới bố mẹ sẽ phải vất vả chắt chiu.

“Đó là khoảnh khắc vào những ngày nắng dìu dịu tầm cuối tháng 7, và tôi thật sự sốc trước kết quả thi đại học: Thiếu nửa điểm để vào hệ trong ngân sách của trường. Kể từ ngày đó, để cho đứa con duy nhất của gia đình trở thành sinh viên của cái trường ĐH mà nó tưởng chừng như đã không có cơ hội được học, có hai con người đã lớn tuổi ở một miền quê nghèo miền Trung phải vất vả, cực nhọc hơn để kiếm tiền đóng học phí cho con mình. Đứa con ấy đến với Ngoại thương khi lòng chỉ như một mảnh than chì nguội lạnh và trĩu nặng những lo toan của cha mẹ nhưng lại hừng hực và đau đáu về quê nhà.”

(Lê Thị Hồng Vân, K50CLCD2)

Tôi vừa mới bước chân lên giảng đường đại học chưa đầy một năm. Với một người trẻ năng động và nhiều hoài bão, tôi đã suy nghĩ và đắn đo rất nhiều trước khi quyết định trở thành một người thầy. Mỗi người có một lý tưởng sống riêng cho mình, có một đích đến mà họ đang theo đuổi. Giữa những bon chen, sôi động của đời thường, tôi đã tìm thấy cho mình một khoảng bình yên đầy tự hào, đó là sự nghiệp trồng người.

alt

Tôi đã nhận được thư chúc mừng ngày nhà giáo Việt Nam từ Ban giám đốc, trong đó có đoạn:

“Chẳng cao quý sao được khi chính chúng ta chấp nhận một phần đóng góp, một phần hy sinh khi nhận những khoản thù lao có phần ít đi để nhiều sinh viên hơn có cơ hội đến trường, đôi vai phụ huynh bớt oằn đi vì những lo toan về tiền bạc. Chúng ta chưa bao giờ được xếp vào lớp người dư dật về vật chất nhưng đã hy sinh một phần vật chất của mình vì người khác. Sự hy sinh đó không phải từ những câu chuyện của các thiên thần trong các truyền thuyết mà là những ứng xử đẹp hiện hữu hàng ngày trong cuộc sống chúng ta”

(PGS.TS Nguyễn Xuân Minh)

Nếu phải nói một điều gì đó tôi cảm thấy phải nuối tiếc nhất trong suốt một năm qua – kể từ khi bắt đầu làm người thầy giáo thì có lẽ đó chính là sự thiếu sót. Tôi cảm thấy mình thiếu sót khi chưa chia sẻ được nhiều câu chuyện của các bạn bên cạnh bài học, chưa cùng các bạn vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, chưa thưc sự hiểu tâm tư, nguyện vọng của các bạn. Chính các bạn là người đã cho tôi động lực để tiếp tục bước đi trên con đường đã chọn. Những ý nghĩa về vật chất còn có giá trị gì khi có những ý nghĩa khác còn cao đẹp hơn, san sẻ với các bạn là một ví dụ. Tôi sẽ còn nhiệt tình giảng dạy cho đến khi nào vẫn còn một ánh mắt chăm chú dõi theo, một cái nhíu mày chưa hiểu kiến thức hay một cái gật gù tâm đắc khi thắc mắc được giải đáp.

alt

Các bài viết dự thi Ngoại thương trong tôi nhìn chung đều mang những nội dung ý nghĩa cao đẹp, nhân văn. Những kỷ niệm vê mái trường, thầy cô và bè bạn được khắc hoạ sống động và rõ nét qua từng câu chữ. Những thay đổi trong tâm lý, suy nghĩ và nhận thức của sinh viên được thể hiện một cách chân thực.

Về hình thức diễn đạt, dù đâu đó vẫn có những khiếm khuyết về cách dùng từ, dùng câu, nhưng nhìn chung văn phong đều rất trong sáng và thể hiện nội dung một cách sáng tạo. Có bạn cảm nhận về Ngoại thương qua Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, có bạn cảm nhận qua những sắc màu, có bạn lại vẽ lên từ nỗi nhớ, có bạn cảm nhận theo thời gian và những thay đổi trong tâm lý, có bạn lại dùng hình ảnh đối lập Than chì và Kim cương, có bạn thể hiện dưới hình thức một lá thư phân thân, cũng có bạn cảm nhận về Ngoại thương qua những cung bậc tình yêu… Qua đó, hình ảnh mái trường Ngoại thương đã hiện lên một cách trọn vẹn và đầy gắn bó.

alt

Trên tất cả, tôi nhìn thấy rất rõ hình ảnh các bạn sinh viên đang dần trưởng thành từ mái trường này, tự tin hơn, năng động hơn và có trách nhiệm với bản thân hơn. Thay lời kết, tôi muốn gửi tới các bạn thông điệp sau:

“Bây giờ em hãy ra đi…

Tự tin lên em để mọi người tin tưởng em

Phấn khởi lên em để mọi người phấn khởi với em

Hôm qua em là người bé nhất trong thế giới trẻ nhỏ

Hôm nay em là người lớn nhất trong thế giới người lớn

Sinh ra… em không có quyền lựa chọn

Nhưng vào đời… quyền quyết định là ở em.”

Hãy vào đời một cách vững chãi nhất, để sau này khi gặp lại, tôi sẽ được các em khoe với tôi: “EM LÀ NGƯỜI HẠNH PHÚC NHẤT”.

Giang Nam

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %

Average Rating

5 Star
0%
4 Star
0%
3 Star
0%
2 Star
0%
1 Star
0%

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *