Chuyện từ những hạt cà phê của Đặng Lê Nguyên Vũ
Trưởng thành từ nghèo khó…
Tuổi thơ từ lúc sinh ra đã sống trong cảnh nghèo khó, mẹ quanh năm đầu tắt mặt tối, mặt người lẫn trong ruộng rau lang, lưng còng nặng nhọc bê từng chồng gạch nặng; cha bị bạo bệnh, chỉ cần 2 triệu đồng để lo tiền thuốc thang nhưng chạy vạy vẫn không đủ. Những khó khăn ấy đã khiến chàng trai trẻ Đặng Lê Nguyên Vũ nung nấu khát vọng làm giàu, khát vọng đổi đời cho cả đại gia đình mình. Khi ấy, anh còn đang là chàng sinh viên 22 tuổi của Đại học Y Tây Nguyên.
Hai mươi hai tuổi, với vỏn vẹn 100 nghìn đồng và địa chỉ người chú họ chưa lần gặp mặt, gạt đi những giọt nước mắt của mẹ, từ bỏ con đường trở thành một bác sĩ; anh quyết tâm tìm đường lập nghiệp ở đất Sài Gòn. Lần đầu ấy có lẽ là những phút giây bồng bột của tuổi trẻ, nghe theo những lời khuyên bổ ích từ người chú, anh quay lại giảng đường Đại học, tiếp tục việc trau dồi kiến thức. Tuy vậy, anh vẫn luôn nung nấu những ý tưởng kinh doanh ấp ủ bấy nay. Nhận thấy giá trị của cây cà phê ngay trên mảnh đất quê hương, Đặng Lê Nguyên Vũ đã sớm định hướng trong mình con đường kinh doanh làm giàu từ cà phê – thứ đặc sản cao nguyên được làm ra từ mồ hôi của bao người nông dân nghèo quê anh.
Thực hiện quyết tâm lập nghiệp
Buổi đầu với bao khó khăn, trở ngại khi ý tưởng muốn chế ra một loại cà phê ngon có thể xuất khẩu và giành được một chỗ đứng trên thị trường thế giới của anh không được bạn bè ủng hộ và tỏ ra giễu cợt. Nhiều người xem anh là “thằng điên hạng nặng” với ý tưởng vượt xa tầm với ấy. Nhưng rồi cũng có 3 người bạn thân ủng hộ và cùng anh bắt tay thực hiện cái điều mà ai cũng cho là điên rồ ấy. Tranh thủ những ngày nghỉ, anh và các bạn lặn lội tìm đến các thương gia cà phê nổi tiếng khắp các tỉnh thành năn nỉ, thuyết phục họ truyền nghề. Nhờ vậy, anh tích lũy được vốn kiến thức sâu rộng về cà phê. Với vốn liếng chẳng có gì và chiếc xe đạp cũ, anh vay mượn thêm để mua một số lượng nhỏ cà phê về phơi, rang, xay và bỏ lại cho một số cửa hàng… Cứ vậy cho đến tháng 8/1996, hãng cà phê “ọp ẹp nhất thế giới” của anh ra đời với cửa hàng có bề ngang chỉ 2,8 m ở cây số 3, TP Buôn Mê Thuột.
Có được thành công bước đầu tại Buôn Mê Thuột, anh quyết định mở rộng kinh doanh đến thành phố Hồ Chí Minh nhưng đã thất bại vì quy mô của anh còn quá nhỏ so với đô thị lớn này. Chấp nhận thất bại để chuyển hướng sang thị trường miền Tây nhằm làm bước đệm tiến vào thị trường lớn TP Hồ Chí Minh, anh tìm được một đối tác ở Long Xuyên cùng mở lò rang, xay, chế biến và phân phối cà phê tại các tỉnh miền Tây. Nhưng rồi thất bại lại nối tiếp thất bại, và lần này dường như anh đã mất tất cả, không còn một đồng vốn nào. Sau đó, may mắn được một người bạn giúp đỡ, anh lại vực dậy tiếp tục gây dựng cơ đồ lại từ đầu tại thương trường thành phố Hồ Chí Minh.
Những nỗ lực không ngừng đã được đền đáp…
Xuất phát điểm đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh là quán cà phê đầu tiên tại số 587 Nguyễn Kiệm (Phú Nhuận), chấp nhận lỗ vốn khi quyết định phục vụ miễn phí trong 10 ngày đầu khai trương, sự kiện này đã lần đầu tiên định vị thương hiệu cà phê Trung Nguyên trong lòng người Sài Thành. Với tiêu chí làm cho khách hàng thấy được cái chất của cà phê và biết cách thưởng thức sự khác nhau giữa cà phê Robusta và Arabica, Culi Robusca và cà phê Sẽ, cà phê Chồn… Trung Nguyên đã làm hài lòng những người sành cà phê khó tính nhất. Anh đã thuyết phục được người tiêu dùng trong nước có một cái nhìn khác đối với chất lượng và giá trị của cà phê nước nhà.
Không dừng lại ở đó, anh tự tin xuất khẩu cà phê ra thị trường thế giới trong đó có những thị trường rất khắt khe như Mĩ, Úc, Nhật, Châu Âu. Đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng mạng lưới phân phối. Kết quả thu được hết sức khả quan, cho thấy tiềm năng của cà phê Việt Nam.
Bên cạnh đó, anh còn ra sức học hỏi các mô hình quản lí từ các hãng cà phê lớn trên thế giới . Và chuỗi các quán cà phê Trung Nguyên được xây dựng dựa trên mô hình Hãng Starbucks ra đời. Anh còn cho xây dựng một “Bảo tàng cà phê Thế giới” tại Việt Nam với hy vọng thu hút được nhiều khách du lịch, làm giàu cho quê hương.
Với những nỗ lực không ngừng đưa cái tên Việt Nam gần hơn với thế giới thông qua những ly cà phê đậm đà hồn dân tộc và nâng cao giá trị của cây cà phê, giúp hàng ngàn nông dân thoát nghèo, thương hiệu cà phê Trung Nguyên xứng đáng ghi tên mình vào top 10 Sao Vàng Đất Việt – giải thưởng tôn vinh các doanh nghiệp hàng đầu có những đóng góp to lớn cho đất nước.
Năm 2004, Đặng Lê Nguyên Vũ nhận giải nhà doanh ngiệp trẻ xuất sắc nhất ASEAN tại Brunei, giải thưởng được Hội các nhà Doanh ngiệp trẻ ASEAN tổ chức 5 năm một lần. Cùng với sự phát triển của Trung Nguyên, anh được đánh giá là “một hiện tượng kinh tế” cuối thế kỉ XX.
Ngày 27/4/2011, cái tên “Cà phê Trung Nguyên” xuất hiện trên tờ báo 123 tuổi “Financial Times” và được bình chọn là một trong những doanh nghiệp thành công nhất.
Kết:
Câu chuyện của anh đã chứng minh rằng: xuất phát điểm của con người là không quan trọng, chỉ cần có mục tiêu và quyết tâm đến cùng, nhất định sẽ chạm đích thành công.
Từ thành công của CEO Đặng Lê Nguyên Vũ, ta rút ra được bài học kinh nghiệm quý giá về xây dựng thương hiệu. Thành lập một công ty thì dễ nhưng xây dựng một thương hiệu để người tiêu dùng biết và tìm đến là rất khó. Quá trình này đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉnh táo và sự sáng tạo của người CEO. Khi chia sẻ với các bạn trẻ, anh tâm sự: “Tôi biết trong cuộc sống vẫn có rất nhiều bạn trẻ mang mặc cảm của sự nghèo khó, của lòng tự ti, nhưng tiền bạc không phải là vốn mà điều quan trọng là phải có những ước mơ lớn lao. Hiện nay, có nhiều bạn trẻ mang trong lòng những ước mơ rất hạn hẹp về những giá trị vật chất mà thiếu đi “chất lửa” của một tuổi trẻ khát khao được cống hiến, được chia sẻ và tâm huyết với những thay đổi lớn lao của dân tộc, của đất nước…”
Huỳnh Văn Nhã – Công Thư