Điện ảnh Việt 2017: Nước sơn cũ trên mặt gỗ sần
(FTUNEWS) – 2017 có thể ví như “bữa đại tiệc thịnh soạn” của phim Việt sau một 2016 nhạt nhòa cùng những bom xịt thùng rỗng kêu to. Bên cạnh món chính “Em chưa 18”, nổi bật trên bàn tiệc còn là những tác phẩm theo xu hướng “xào lại”. Dường như thị trường phim Việt đang được “đổi màu” bằng một nền sơn cũ nhưng đậm chất Việt hơn.
- Hoài cổ: Chất liệu đẹp của cuộc sống hiện đại
- Chúng ta có đang du lịch “văn hóa”?
- Ngoại thương: mười lăm lần nữa
Công thức cũ
Trong tình cảnh phim Việt đang ngụp lặn trong những kịch bản lai căng, vay mượn nước ngoài nửa vời nhưng sản xuất không tới, việc tận dụng nội dung sẵn có từ những tác phẩm văn học dân tộc chính là lối đi khôn ngoan của nhà làm phim Việt nửa đầu 2017. Điểm sơ như “Dạ cổ hoài lang” được chuyển thể từ vở kịch cùng tên vang bóng một thời. Bộ phim tài liệu “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” là nguồn cảm hứng cho nhà sản xuất phim “Lô tô”. Hay “Đảo của dân ngụ cư” cũng được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Đỗ Phước Tiến và gần đây nhất, “Cô gái đến từ hôm qua” cũng có kịch bản chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Không hẹn mà gặp, các nhà sản xuất phim đã thổi vào thị trường nội địa nửa đầu năm 2017 một gam màu mới lạ trên chất liệu xưa cũ, giao thoa giữa truyền thống và hiện đại.
Nhưng dư vị bền lâu
Chưa bao giờ phim Việt tạo được hiệu ứng mạnh mẽ và lan tỏa như những gì các tác phẩm quý đầu 2017 làm được. “Đảo của dân ngụ cư” được trình chiếu tại Liên hoan phim (LHP) quốc tế Cannes và thắng 3 giải thưởng lớn tại LHP Asean 2017. “Dạ cổ hoài lang”, “Lô tô” đạt doanh thu chục tỉ cùng lời khen có cánh về nội dung cũng như sự chú ý tích cực của khán giả. “Cô gái đến từ hôm qua” gây bão trên mọi mặt trận từ mạng xã hội, thị trường nhạc phim cho đến doanh thu khủng. Đây có thể coi là tín hiệu đáng mừng cho phim Việt. Giảm hẳn những bộ phim đặc sệt giải trí, hành động và thay vào đó là những bộ phim với kịch bản chất lượng và nhân văn hơn, chính sự kết hợp này đã khơi dậy lòng tin và kí ức của khán giả nước nhà. Khán giả trung niên như tìm lại những khung hình thời gian gây thương nhớ, với khán giả trẻ lại như một gia vị lạ mà quen giữa rừng phim Ngoại luôn dồn dập ùa về. Rõ ràng nỗi lo: “Làm sao để lôi kéo khán giả Việt ra rạp xem phim Việt?” đã phần nào được giải tỏa khi nhìn lại chặng đường vừa qua của điện ảnh Việt.
Tiếp nối những kỳ vọng
Sự trở mình mạnh mẽ của điện ảnh Việt khiến người ta có quyền đặt niềm tin vào sự tỏa sáng của các tác phẩm sắp tới. Trong tầm ngắm của nửa cuối 2017, hai tác phẩm “Mẹ chồng” và “Cô ba Sài Gòn” sắp khai súng với điểm chung là bối cảnh Việt Nam xưa. “Mẹ chồng” khắc họa mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu trong một gia đình quyền quý miền Tây Nam Bộ thời hậu phong kiến 1945-1950. “Cô ba Sài Gòn” lại tôn vinh hình ảnh áo dài và câu chuyện về một tiệm may nổi tiếng của Sài Gòn hồi thập niên 1970. Hai bộ phim, hai nét văn hóa Việt đều đang giành được sự quan tâm đông đảo của truyền thông và cộng đồng khi cận kề ngày công chiếu chính thức. Dẫu chưa thể nói trước được điều gì, nhưng cách các nhà làm phim đã và đang lồng ghép giá trị Việt vào tác phẩm “được” nhiều hơn “thiệt”. Được chạm tới trái tim của nhiều thế hệ khán giả và được nhìn nhận như những người truyền đạt văn hóa thực thụ.
Thảo Phương