Sinh ra vào những năm đầu của thập niên 90 thế kỉ XX, khi mà Việt Nam đang từng bước chập chững của mình để mở cửa hội nhập, vươn xa ra thế giới, cuộc sống của tôi và bạn bè mình cũng khác xa những thế hệ trước.
Nói gì cho to tát, lấy một ví dụ là việc ăn uống thôi cũng đã thấy đổi thay chóng mặt. Từ niềm vui được ăn que kem giá chỉ 200 đến 1000 đồng khi còn học cấp 1, đến bây giờ, chúng tôi gần như quên hẳn thói quen ấy. Có chăng đi nữa thì từng cá nhân chúng tôi thỉnh thoảng thấy một điều gì đó tương
tự gợi nhớ lại rồi thổn thức, giật mình mà thôi. Việc ăn kem ngày ấy bây giờ cũng đã không giống như trước. Ngày nay, ăn kem trong những hàng quán, những tiệm bán thức ăn nhanh hay những nhà hàng sang trọng. Hội nhập đi sâu vào từng ngóc ngách của cuộc sống mang lại sự tiện nghi cần thiết và cũng như một kết quả, tôi hài lòng và thậm chí thích thú với những điều mới mẻ ấy.
Vật chất, của cải thay đổi kéo theo đời sống tinh thần cũng có những chuyển biến mà ngay chính tôi và có thể những bạn bè cùng trang lứa của mình cũng không thể đoán trước được. Người ta gắn cho chúng tôi khái niệm “trưởng thành” để quy kết rằng sự thay đổi đấy là do chính bản thân mỗi chúng tôi tự tạo nên. Nhưng không! Nếu như đã là sự thay đổi của mỗi cá nhân thì đương nhiên mỗi người sẽ đi theo những hướng khác nhau, không ai giống ai. Đằng này, chúng tôi, bao gồm tất cả, cùng nhau thay đổi và cùng theo một hướng, món ăn tinh thần của chúng tôi cũng đã chuyển vị ít nhiều. Thế hệ những đứa bé gái chăm chú với “Cô tiên xanh” hay những trò nhảy dây thun và những bé trai mang trên tay cái ná tự chế mà cứ ngỡ bản thân đã sở hữu thứ vũ khí tiên tiến nhất quả đất. Vâng, chúng tôi ngày ấy đã không còn, thậm chí ngay cả ở những đứa trẻ tiểu học hiện nay, chúng tôi cũng không thể bắt gặp hình bóng của mình ngày xưa cũ nữa.
Đất nước mở cửa, hội nhập mang vào từng ngõ phố Việt Nam những thực đơn tinh thần đa dạng,phong phú bao gồm cả tươi sạch lẫn khó nuốt. Chúng tôi hò hét vì bắt gặp thần tượng Suju của mình dù chỉ là trên báo đài nhưng cũng như một điều tự nhiên nhất, nước mắt chúng tôi rơi khi ngày đội tuyển bóng đá Việt Nam đăng quang giải vô địch bóng đá Đông Nam Á AFF. Giá sách của chúng tôi có những cuốn tiểu thuyết ngôn tình đậm mùi ướt át lẫn các đầu sách kinh tế mang tầm vĩ mô. Chúng tôi tham gia học nhảy hiện đại, cover những bản nhạc hit đình đám thế giới nhưng cũng không lãng quên nền âm nhạc nước nhà. Chỉ là thay vì hát những bản anh hùng ca của dân tộc, núi sông; những bản nhạc mà mỗi lần nghe đến bản thân đã cảm thấy hừng hực khí thế của cả một thời đại thì giờ đây, chúng tôi chọn cho mình những điều có thể dễ dàng nói hộ tâm tư, tình cảm cá nhân của mình nhất. Chúng tôi thực hiện những chuyến du lịch hay được gọi với cái tên là “đi phượt” để mở mang tầm mắt, nhìn ra thế giới bao la bên ngoài nhưng cũng luôn nhắc nhở chính mình về nơi nào mới thật sự được gọi là quê hương, cội nguồn của mình. Chúng tôi chịu ảnh hưởng của vô số trào lưu mà bản thân cũng không dám chắc rằng nó tốt hay xấu. Thay vì lúc nào cũng chọn tiếng nói chung, chúng tôi đi theo con đường của mình, đi theo cá tính và tình yêu trong mỗi người. Nhưng điều đó không có nghĩa chúng tôi thờ ơ, thiếu trách nhiệm với gia đình, dân tộc và với chính mình.
Chúng tôi bắt gặp sự giao thoa những điều mới- cũ bên ngoài xã hội và ngay chính trong mỗi cá nhân chúng tôi cũng hàm chứa sự mâu thuẫn lớn. Một mặt, tôi muốn mình giống như những năm trước đây, những năm tôi chín, mười tuổi gì đó, khi mà đất nước vừa mới bắt đầu hội nhập. Mặc dù thiếu thốn vật chất, đời sống cũng không thể gọi là tiện nghi đầy đủ nhưng trong tôi những năm ấy có một ý nghĩa đặc biệt không thể nói hết được. Mặt khác, tôi lại muốn nỗ lực, phấn đấu để bắt kịp nhịp điệu và tốc độ với thế giới xung quanh. Vừa háo hức với những điều mới mẻ nhưng cũng luyến tiếc những điều xưa cũ, những điều mà bây giờ không còn thấy nhiều nữa.
Chúng tôi là hiện thân của một xã hội nhiều chuyển biến và là kết quả tất yếu của những nỗ lực đổi mới, mở cửa của cả một thời kì. Những con người trẻ mang trong tâm tưởng những ước mơ, hoài bão lớn bé nhưng trong sâu thẳm nội tâm lại là sự dằn xé từng mảng cảm xúc đối nghịch. Nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi đang đổ lỗi cho xã hội về những thay đổi bên trong mà chúng tôi đang gặp phải. Trên tất cả, chúng tôi phải cảm ơn những điều mới mẻ đó. Nhờ những điều tưởng chừng mâu thuẫn ấy, những lẫn lộn ấy, chúng tôi mới thật sự nhận ra đâu là bản thân mình và mình thật sự thuộc về đâu.
Chúng tôi coi trọng những nỗ lực và thành tích quý báu mà các thế hệ trước đã để lại. Nhưng chúng tôi cũng mong muốn họ tin tưởng vào chúng tôi, mặc dù những đóng góp của chúng tôi chưa thật sự rõ nét hay thậm chí chúng tôi đã gây ra những sai lầm ngu ngốc. Các thế hệ trước có thể vì quá lo lắng, sốt ruột mà cảm thấy những việc chúng tôi đang làm thật sự lố bịch, thiếu suy nghĩ. Nhưng trên hết, chúng tôi ý thức được mình phải làm hết sức mình và biết sửa sai đúng lúc, đúng chỗ. Và chúng tôi thật sự cần những lời khuyên, những người sẵn sàng đứng ra chỉ cho chúng tôi biết chúng tôi đã bị chệch hướng, bị mắc sai lầm thay vì cứ nhìn vào những gì chúng tôi đang làm mà phê phán, chê bai rồi bỏ mặt chúng tôi với những mâu thuẫn của mình. Chúng tôi cũng biết rằng các thế hệ đi trướcvẫn luôn theo dõi chúng tôi, âu đó cũng là xuất phát từ sự gắn bó dài lâu và tình yêu thương giữa những thế hệ người Việt Nam các thời kì.
Đương nhiên chúng tôi sẽ có những sai lầm, vấp ngã mà các thế hệ trước nhìn vào khó có thể chấp nhận được và bản thân mỗi chúng tôi khi có cơ hội nhìn lại cũng cảm thấy hổ thẹn. Nhưng chúng tôi đặt niềm tin tưởng và trái tim nhiệt huyết, tuổi trẻ của mình vào những gì chúng tôi đang làm, vào những đổi thay từng ngày của xã hội Việt Nam hiện nay. Ít nhất đến khi các thế hệ sau chúng tôi được gọi là thế hệ trẻ thì mọi người cũng nhớ đến chúng tôi như những người đã rất mâu thuẫn trong nỗ lực tự khẳng định mình và phấn đấu đi lên.
(Sưu tầm)