Đức Tuấn ‘ngông’ tôn sùng chủ nghĩa thành công

Published by sieuquantri on

0 0
Read Time:19 Minute, 52 Second

 

Người ta bảo Đức Tuấn ngông cuồng, khi dám theo thể loại nhạc khó như thế, rất kén khán giả, không phải ai cũng thụ hưởng được. Nhờ sự ngông cuồng đó mà giải thưởng âm nhạc của Đức Tuấn giờ nhiều không đếm xuể…

Không quan tâm đến tiền bạc, danh vọng, miễn…. sướng là đủ

Khi Đức Tuấn thực hiện đêm nhạc “Music of the night” năm 2009, rất nhiều người thấy choáng vì không những đêm nhạc quá khó “xơi” với đông đảo công chúng mà Tuấn còn bỏ rất nhiều tiền ra để mời những giọng ca diva và nhạc trưởng nhạc kịch nổi tiếng thế giới về diễn cùng.

Ở Việt Nam, các đêm nhạc kịch thậm chí các đoàn nhạc kịch nổi tiếng thế giới về biểu diễn cũng chủ yếu là… tây đi xem và số đông là khán giả có được vé mời, đi xem cho khỏi phí. Thực tình, khán giả Việt Nam chưa biết thưởng thức nhạc kịch. Vừa ra album, vừa tổ chức liveconcert nhạc kịch, Đức Tuấn lập tức bị người ta rỉ tai nhau đây là cách Đức Tuấn chơi ngông hoặc là quá ngây thơ. Một gã nhà giàu chơi ngông hay là kẻ khù khờ ngây thơ không biết con đường đi phía trước thế nào nên cứ nhắm mắt làm liều?

Đức Tuấn chả quan tâm đến chơi ngông hay là ngây thơ, ai nói ngông thì là ngông mà ai thấy ngây thơ thì cũng đúng. Điều đó tùy vào quan điểm của từng người, còn Đức Tuấn làm thì cứ làm, chẳng quan tâm đó là cái gì. Đức Tuấn chỉ quan tâm duy nhất một điều là làm cái mình thích, mình thấy sướng trước đã. Khi nghe người ta bình luận về sự ngây thơ hay ngông cuồng, Tuấn cũng chợt nhận thấy trong con người mình có cả hai điều đó.


Khi làm điều gì Tuấn không hề quan tâm đến những được mất thông thường như người ta hay tính toán đến. Như thế có nghĩa là sự ngây thơ, bởi sống mà tính toán đến được- mất thì không còn là ngây thơ nữa. Còn khi thừa biết là thiệt thòi, sẽ kén khán giả, kén người nghe nhưng vẫn cứ cắm đầu cắm cổ làm thì là một chút ngông cuồng. Nghĩ thì nghĩ thế chứ Đức Tuấn cũng không quan tâm đến cả hai điều đó, chỉ quan tâm mỗi một việc là mình phải… sướng trước hết.

Người bình thường, khó ai có thể hiểu được niềm sung sướng đến tột cùng của người nghệ sĩ khi cầm trên tay sản phẩm của mình, làm được điều mình thích, mình tâm huyết. Chưa cần ai nghe, chưa cần quan tâm đến bán được hay không, chỉ cần cầm trên tay sản phẩm được làm theo ý mình muốn là bản thân mình sướng đã. Cũng bởi quan niệm như thế nên Đức Tuấn cũng chẳng cảm thấy khổ đau nếu đĩa ra không thành công về mặt doanh thu nhưng chắc chắn sẽ mang lại thành công về mặt hạnh phúc, về mặt làm cho tinh thần mình sung sướng.

Đức Tuấn thường ví điều đó cũng giống như người chơi mô tô khủng, mấy chục ngàn đô mới mua nổi một cái xe, người ngoài nhìn vào sẽ bảo chạy xe to như thế, ầm ào như thế cực thân chứ sướng gì. Nhưng quan trọng là người chơi chiếc mô tô đó thấy khoái chí đã. Làm vì đam mê đã được hạnh phúc rồi. Đức Tuấn thấy số tiền tỉ mình bỏ ra để làm liveshow, làm album cũng chẳng bằng với số tiền các ca sĩ trẻ đổ ra để làm các album, các chương trình của họ.

Vậy thì đâu phải Đức Tuấn chơi ngông? Hơn thế nữa, sau đó album cũng như liveshow của Đức Tuấn đã giật nhiều giải thưởng vì sự cống hiến cho âm nhạc. Xét cho cùng, một nghệ sĩ làm được một việc mà anh ta thấy sướng cho bản thân mình nhưng lại được lợi cho cả nền âm nhạc thì thật điều tuyệt vời. Ít nhất, người nước ngoài cũng thấy ở Việt Nam có những người trẻ như Đức Tuấn hát dòng nhạc bác học, nỗ lực không ngừng vì dòng nhạc này chứ không để âm nhạc Việt Nam cứ bị trôi đi ra khỏi cái quỹ đạo phát triển của âm nhạc thế giới.



Đức Tuấn đoạt giải nhất tiếng hát truyền hình TP Hồ Chí Minh năm 2000, năm 2004, anh ra mắt album nhạc trẻ “Anh yêu em”, nhưng album này không để lại dấu ấn gì, cũng không làm cho tên tuổi Đức Tuấn bừng sáng. Bởi hát nhạc trẻ nhưng Đức Tuấn vẫn hát theo phong cách bán cổ điển, sử dụng nhiều kỹ thuật.

Trong đêm ra mắt album tại phòng trà M& Tôi, Đức Tuấn chọn Thành phố hoa phượng đỏ – một ca khúc không có trong album – làm tiết mục mở màn. Rất nhiều tiếng vỗ tay dành cho “Thành phố hoa phượng đỏ” hơn là những tiết mục thể hiện các ca khúc nhạc trẻ trong “Anh yêu em”.  Album không được đánh giá cao, không nổi tiếng nhưng Đức Tuấn chẳng lấy thế làm buồn, Tuấn nghĩ trong điều kiện sinh viên, sắp ra trường mà làm được một album như thế là… sướng rồi, đủ để được hãnh diện với bạn bè, bố mẹ.

Đức Tuấn và ekip đã làm việc vất vả cả năm trời, tích cóp rất nhiều tiền đi hát mới làm được album, sự cố gắng ấy đủ để kiêu hãnh rồi. Album “Anh yêu em” thể hiện chí hướng quyết đi theo âm nhạc chuyên nghiệp của  chàng sinh viên ngoại thương Đức Tuấn. Sự không thành công của album này được đánh giá là chặng đường loay hoay của Đức Tuấn để tìm ra con đường đi phù hợp cho mình.

Tuy nhiên, khi đó, sở dĩ Đức Tuấn ra album rồi như lặn mất, người ta nghĩ là Tuấn chìm trôi vào một quá trình tìm kiếm hướng đi mới sau thất bại của “Anh yêu em” thì thực ra là Tuấn đang vật lộn với các bài khóa luận tốt nghiệp, không có nhiều thời gian để dành cho việc đi hát cũng như chuyên tâm vào nó.

Đức Tuấn là sinh viên ĐH ngoại thương, một ngành học rất oai khi đó. Mặc dù đam mê hát từ nhỏ, giành nhiều giải thưởng từ các cuộc thi hát, định đi theo con đường ca hát chuyên nghiệp nhưng Đức Tuấn chẳng bao giờ có ý định nghỉ học để dành hết thời gian cho ca hát. Ngành ngoại thương nghe ra chẳng ăn nhập gì với nghề hát, nhưng cái được mà Tuấn thấy đó chính là việc học đại học cho người ta một cái “mác” rất oai và thay đổi nhân sinh quan của mỗi người. Đó cũng là cái khiến người ta… sướng.

Và có thể nhiều người nhìn thấy việc của Tuấn làm chỉ là điên rồ, ngông cuồng nhưng những năm tháng được đào tạo, học hành bài bản lại cho Tuấn biết rằng đó là cái khôn của mình. Rõ ràng, khi có học thì tư duy làm việc khác hẳn, Tuấn thấy được cái lợi ích đem tới cho mình mà người khác không thấy, đôi khi nghười ta thấy như Tuấn làm chuyện dại dột nhưng không hẳn vậy.

Tuấn dường như đang cô đơn khi hát nhạc kịch, dường như đang vất vả nhọc nhằn để chinh phục khán giả cho thể loại nhạc này, nhưng có biết đâu nỗi sung sướng mà Đức Tuấn có chính là việc Tuấn đương nhiên thành người tiên phong ghi dấu ấn và người ta không thể không nhắc đến Đức Tuấn như một người có công lao lớn đem tới âm nhạc  Việt một hơi thở mới mẻ, rất gần với thế giới.

Trong năm nay, Đức Tuấn sẽ thực hiện liveshow kỷ niệm 10 năm ca hát. 10 năm sung sướng với nghiệp hát sẽ được thể hiện đầy đủ trong chương trình. Chương trình vẫn có những ca khúc kinh điển của Việt Nam và có một phần nhạc kịch broadway mà Đức Tuấn thích. Đức Tuấn cứ thế thôi, chỉ thích làm cái mình thích mà đi đến tận cùng với cái đó, không cần quan tâm được- mất ở đời.

Ấy vậy mà Đức Tuấn lại có rất nhiều fan trẻ lớp 10, lớp 11, chính Đức Tuấn cũng thấy phục khi các fan sưu tầm đầy đủ các sản phẩm của mình và nghe cũng rất trọn vẹn. Đức Tuấn biết trình độ thưởng thức của người nghe nhạc giờ mỗi ngày mỗi cao và con đường đi của Đức Tuấn là con đường đầy khôn ngoan, rất giàu tương lai. Một tương lai có tầm thế giới. Đức Tuấn bảo rằng nếu nói anh ngông thì phải là cái sự ngông của mong muốn được nổi tiếng thế giới kìa.

Đức Tuấn không học nhạc viện, anh có chất giọng đẹp thiên phú nhưng Đức Tuấn cho rằng cái sự học của mình còn nhiều hơn bất cứ ai. Anh không chỉ học nhạc ở Việt Nam mà còn học ở Mỹ, Canada, Anh… Anh tìm cách cho mình được cọ xát với môi trường âm nhạc thế giới nhiều nhất, được làm việc với rất nhiều các nhạc sĩ, ca sĩ nước ngoài, và đó là cách tốt nhất để anh giúp mình trưởng thành.

Đức Tuấn nghĩ, ở Philippines có một cô ca sĩ Lea Salonga đã có cơ may nổi tiếng toàn thế giới thì tại sao Đức Tuấn lại không mơ mộng đến điều đó? Sự nỗ lực là tất yếu rồi nhưng sự may mắn cũng rất cần. Đức Tuấn cũng đang chờ sự may mắn đó để có thể ra được biển lớn của âm nhạc thế giới.

Chàng ca sĩ tôn sùng chủ nghĩa thành công

Đức Tuấn không sinh ra trong gia đình nghệ thuật, bố mẹ là giáo viên ở  An Giang. Khả năng ca hát thiên bẩm của Đức Tuấn có từ khi còn nhỏ, lúc nào Đức Tuấn cũng ở trong đội ca hát của cánh trẻ em con nhà giáo viên. Không những học giỏi mà còn hát hay, bởi vậy Đức Tuấn luôn ở trong top đầu của trường học. Bố mẹ chưa bao giờ phải giục Đức Tuấn học bài và cũng chẳng cần can thiệp vào công việc học của Đức Tuấn, mà cậu bé Tuấn luôn tự giác học và học rất giỏi.



Thực sự thì bản thân Đức Tuấn không phải người say mê học, không hề thích học. Việc học giỏi của Đức Tuấn bởi một lý do rất… Đức Tuấn. Tuấn biết việc đi học là việc không ai tránh được, đã sinh ra thì phải đi học, cái việc đã không tránh được thì phải làm, mà đã làm thì phải thành công. Ngay từ nhỏ Tuấn đã có trong người sự kiêu hãnh. Tuấn luôn muốn được thành công và được kiêu hãnh. Hát hay và hay hát thì đã được ngưỡng mộ rồi nhưng học giỏi sẽ giúp Tuấn kiêu hãnh.

Đức Tuấn là thế đấy, có lẽ chẳng giống ai. Tuấn cũng thừa nhận mình không giống ai cả. Việc học không phải là sở thích nhưng Tuấn có thể vượt qua cái cảm giác ghét học để học giỏi và đạt được sự kiêu hãnh. Cái mong muốn được kiêu hãnh nó lớn hơn cảm giác ghét mà Tuấn phải chịu đựng rất nhiều.

Đơn giản nhất như việc tập thể dục, chơi thể thao hàng ngày, Tuấn cũng chẳng thích thú gì nhưng Tuấn vượt qua được cái cảm giác không thích đó vì cái mục tiêu lớn hơn là phải giữ hình ảnh của mình, Tuấn sắp lịch tập thể dục như lịch làm việc, là việc phải làm. Và thế là thành công. Ngay cả với ca hát, khi đã thích hát rồi, đam mê rồi thì mọi chuyện tiền bạc, đầu tư này kia với Tuấn không còn là vấn đề nữa. Tuấn có thể hy sinh mọi thứ khác để dành cho âm nhạc.

Cũng vì tôn sùng chủ nghĩa thành công nên Tuấn đi thi hát rất nhiều. Khán giả biết đến Tuấn bắt đầu từ giải thưởng tiếng hát truyền hình năm 2000 nhưng thực tế trước đó Tuấn đã đi thi hát nhiều lắm, đam mê thi thố từ bé và cũng đạt được khá nhiều giải thưởng. Đi thi với Tuấn chỉ có hai lý do: chinh phục đỉnh cao và kiếm tiền. Có được giải thưởng và có tiền tức là đã thành công. Năm nào Đức Tuấn cũng thi đến mấy chục cuộc thi, cuộc thi nào cũng có mặt, đến nỗi ban giám khảo quen riết gương mặt Tuấn.

Chủ nghĩa thành công này in đậm nhất ở con đường đi hát của Đức Tuấn. Tuấn không đi hát để tìm kiếm sự nổi tiếng, điều đó là chắc chắn. Tuấn đã đam mê, đã theo nghiệp hát, tức là không thể bỏ được nghiệp nữa rồi. Mà đã không bỏ được nghiệp thì phải thành công. Sự thành công của nghề ca sĩ được đánh giá với sự nổi tiếng. Sự tôn sùng chủ nghĩa thành công bắt Đức Tuấn đã làm gì thì làm cho tới nơi, tới chốn và phải thành công.

Nói như thế không phải Đức Tuấn kiêu căng, Tuấn chẳng hề kiêu căng mà chỉ muốn làm được cái gì mà mình thấy sướng, sướng cũng có nghĩa là thành công. Nhiều năm đi thi hát, không phải năm nào Tuấn cũng đoạt giải cao vì Tuấn không thay đổi cách hát mà cứ hát theo cái kiểu riêng của Tuấn.
Trước khi đoạt giải tiếng hát truyền hình năm 2000, Tuấn đi xin hát hoài ở các tụ điểm ca nhạc, xin mãi mà chẳng mấy nơi cho hát vì kiểu hát của Tuấn không phù hợp nhạc trẻ, họ cần người hát nhạc trẻ mới có khách. Không cho hát thì thôi, Tuấn đi về, cũng chẳng cần quá suy nghĩ đến chuyện phải thay đổi để được chấp nhận.

Nói thẳng là Tuấn cũng khá ương bướng và tự tin ở chính mình, Tuấn kiên định với con đường mình muốn đi. Đã làm âm nhạc, mỗi người phải có bản sắc riêng của mình và bộc lộ bản sắc đó thì mới có thể có được vị trí, Tuấn kiên quyết không thay đổi bản sắc của mình vì bất cứ lý do gì.

May mà sau đó Tuấn gặp được phòng trà ATB của ca sĩ Ánh Tuyết, đây là cái nôi đã nuôi dưỡng Tuấn trưởng thành rất nhiều vì phòng trà của Ánh Tuyết luôn tạo cơ hội cho người trẻ tuổi được thể hiện đam mê của mình.

Ngày xưa, khi Tuấn quyết định đi theo nghiệp ca hát, bố mẹ Tuấn không muốn con trai theo con đường này bởi bố mẹ nghĩ, Tuấn là chàng trai tỉnh lẻ lên Sài Gòn, làm sao mà có thể vượt qua được bao nhiêu người được ăn học tử tế, học nhạc từ bé và có rất nhiều điều kiện, nào thì người đỡ đầu, nào thì kinh tế tốt…

Còn Tuấn chẳng có gì trong tay cả, chuyện nổi tiếng gần như là không thể nào. Biết là thế và lo lắng vì thế nhưng bố mẹ cũng chẳng khuyên can Tuấn nhiều vì hiểu tính con trai rất kiên định, Tuấn luôn biết làm cái gì tốt nhất cho mình.

Chàng ca sĩ lạc quan và dễ rung động nhất showbiz Việt

Cũng từng trải qua sự chèn ép, không được hát vì không chịu thay đổi cách hát, rồi thân cô thế cô bước vào sự nghiệp, không có ai nâng đỡ, nhưng Đức Tuấn chẳng bao giờ thấy buồn vì điều đó. Đức Tuấn thừa nhận mình sinh ra trên đời với sự lạc quan hơi thái quá. Ngay từ nhỏ, Đức Tuấn đã luôn có sự lạc quan này và sau này sau khi đọc cuốn sách “Quẳng gánh lo đi mà vui sống”, Tuấn lại thấy càng đúng với chủ nghĩa sống lạc quan của mình nên cứ thế vui vẻ mà sống.

Nói Tuấn không buồn thì cũng không phải, nhưng cái buồn của Tuấn chỉ ở trong phút chốc nào đó chứ chẳng ở lại lâu, Tuấn cũng chẳng bao giờ có cảm giác chán nản, thất vọng hay buông xuôi.

Tuấn không cho mình được u uất, điều đó chẳng giải quyết được vấn đề gì. Vậy thì tại sao không vui lên chứ? Tuấn chẳng bao giờ thấy có cảm giác bất hạnh ở trong lòng, cho dù khi không thành công với album đầu tiên, khi không có ai nâng đỡ, khi bị từ chối không cho hát…

Tuấn lý giải cuộc sống mang chủ nghĩa sung sướng của mình rằng có những người làm ra rất nhiều tiền nhưng họ phải làm cái mà họ chưa chắc đã thích thú ở đời, cũng có thể đó là công việc họ thích nhưng họ sẽ mệt mỏi, còn Tuấn được làm công việc mà không cảm thấy mệt mỏi, càng làm càng có được cảm giác hạnh phúc và sung sướng thì tại sao lại phải để mình thấy bất hạnh?

Bởi cái quan điểm đó mà Tuấn nằm ngoài những đau khổ bươn chải về đời sống, dù Tuấn cũng phải tự mình bươn chải, lo lắng cho cuộc sống, sự nghiệp của mình. Cảm giác hạnh phúc vì mình được hát là đã đủ lắm rồi, nó sẽ vượt trên mọi thứ đau khổ khác.

Nhìn lại 10 năm ca hát, Tuấn chỉ đánh giá đúng có một chữ: vui. Hơn 30 năm nay lúc nào Tuấn cũng sống vui vẻ và giờ vẫn sống vui vẻ như thế với niềm đam mê của mình. Không dễ bị người khác làm lung lạc ý chí, không bao giờ thấy buồn giận vì những lời bình phẩm của người khác mà Tuấn thấy không đúng, nhưng Tuấn lại luôn luôn chịu khó lên mạng để xem những lời khen chê và tự rút kinh nghiệm cho bản thân mình.

Chắc chắn ai cũng thấy vô cùng kỳ lạ vì rằng hơn 30 năm sống mà Tuấn chưa từng có cảm giác stress là gì. Tuấn rất biết tận hưởng cuộc sống cho đến cùng để làm sao sống được thoải mái nhất. Người ta đi show nước ngoài, đi hôm nay mai bay về, nhưng Tuấn thì không thế, đã đi ra nước ngoài dù hát một buổi thôi nhưng Tuấn lại dành thời gian đi chơi cho… sướng đã.

Công việc, dự án của Tuấn rất nhiều, lúc nào cũng đầy ăm ắp bắt Tuấn phải làm việc, tuy nhiên, Tuấn chẳng bao giờ bắt mình làm quá sức, không có thời gian xả hơi. Lúc nào việc xả hơi, nghỉ ngơi và tận hưởng cuộc sống cũng là một “công việc” trong lịch làm việc của Đức Tuấn. Nhiều bè bạn nói chắc kiếp trước Đức Tuấn đã “tu” nhiều lắm rồi nên kiếp này mới có được một anh chàng lạc quan đến thế, Tuấn cũng chẳng biết điều đó là thực hay hư mà chỉ biết từ lúc sinh ra đời đã vui vẻ mỗi ngày rồi.

Tuấn là người không đoán già, đoán non về tương lai, cứ tận hưởng hết ngày hôm nay đã. Có việc gì cần làm là Tuấn làm ngay không đợi ngày mai, có bao nhiêu nơi muốn đi Tuấn đều dành thời gian đi hết cho… sướng, Tuấn cũng đưa bố mẹ đi chơi khắp nơi cho thỏa thích chẳng cần đợi xong kế hoạch này hay kế hoạch kia mới đi.

Cái tính vui vẻ, lạc quan ấy của Đức Tuấn từng đã lây lan sang Khánh Thi. Năm Khánh Thi vào Sài Gòn lập nghiệp, Khánh Thi gặp nhiều vấn đề khó khăn để ổn định tinh thần và bước vào cuộc sống mới khiến cô dễ căng thẳng, stress. Là bạn thân, Đức Tuấn đã “thổi” vào cuộc sống của Khánh Thi một sự lạc quan và điều đó đã giúp Khánh Thi rất nhiều để tự tin, vui vẻ sống.

Nhiều tin đồn là Đức Tuấn và Khánh Thi yêu nhau. Cả hai đều phủ nhận điều này, họ chỉ là bạn rất thân mà thôi. Tuy nhiên, Đức Tuấn cho rằng Khánh Thi cũng như những người mà Tuấn yêu, đều có được sự vui vẻ khi có Tuấn bên cạnh.

Tuấn tự hào là mình chưa yêu ai mà không thật lòng và ai yêu Đức Tuấn cũng cảm thấy vui vẻ. Anh chàng không biết buồn, nói đúng hơn là ít biết buồn luôn biết cách làm cho người yêu thấy vui khi ở bên cạnh. Đức Tuấn cũng thừa nhận mình yêu khá nhiều, tình yêu đến rồi đi khó mà đếm hết được.

Không phải Tuấn đa tình, cũng có những mối tình kéo dài đến vài năm trời. Nhưng, vấn đề của Tuấn chính là Tuấn đã lỡ yêu “cô âm nhạc” quá mức rồi. Tất cả những tình yêu đôi lứa đều phải đứng sau nó. Ai mà không hiểu và thông cảm, không yêu “cô âm nhạc” cùng Tuấn thì Tuấn đành xin… hẹn kiếp sau. Nhưng, Tuấn tin là Tuấn sẽ tìm được một người vừa hiểu và vừa yêu “cô âm nhạc” cùng mình.

Anh chàng lạc quan nhất showbiz Việt này cũng tiết lộ một điều “chẳng giống ai” là khi chia tay, Tuấn cũng có buồn, có đau nhưng rồi sự lạc quan lại kéo Tuấn ra khỏi nỗi buồn rất nhanh và Tuấn cũng rất nhanh có mối tình khác vì con tim rất dễ rung động.

Tiếp cận với Tuấn người ta luôn có cảm giác Tuấn hơi ương bướng nhưng lại cũng rất trẻ con. Hơn 30 tuổi, trong tay hàng tá giải thưởng, cũng trầy vi tróc vẩy mới lên được vị trí này thì chẳng thể là trẻ con. Biết đâu đó là cái vẻ khôn ngoan bề ngoài của Tuấn? Nhưng, Đức Tuấn cũng nhiều “góc” trẻ con thật khi mà tuổi này vẫn nhất định ở chung nhà với bố mẹ.

Bạn bè khuyên Tuấn nên ra ở ngoài cho tự do, thoải mái, thích làm gì thì làm, đi đâu thì đi. Tuấn không muốn thế, Tuấn chẳng dại gì từ bỏ nỗi sung sướng được mẹ dọn phòng, nấu ăn cho hàng ngày mà chẳng phải lo lắng điều gì cả, Tuấn tình nguyện được làm con trai nhỏ của bố mẹ để tận hưởng sự sung sướng của việc được chăm sóc.

Chàng trai kỳ lạ của showbiz Việt này đã đem hết sự lạc quan, sung sướng và đam mê của mình dành cho âm nhạc để cống hiến những giá trị mới cho âm nhạc. Tuấn mong ước làm được một album theo chất lượng của nước ngoài và giờ đây album đó sắp thành hiện thực. Với niềm đam mê “cô âm nhạc” cùng với sự lạc quan đặc biệt trong tinh thần, không sợ khen chê, không sợ thất bại cứ làm những gì mình thấy là đúng và thích trước hết đã, chắc chắn Đức Tuấn còn làm được rất nhiều điều nữa.

Theo phunutoday

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %

Average Rating

5 Star
0%
4 Star
0%
3 Star
0%
2 Star
0%
1 Star
0%

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *