Đừng là kẻ cầm dao giấu mặt!
(FTUNEWS) – Cyberbullying hay “bắt nạt ảo”, hẳn đã rất quen thuộc đối với giới trẻ Mỹ. Nhưng ở Việt Nam, khái niệm này vẫn còn khá xa lạ. Những hệ lụy tiêu cực như tự tử, trầm cảm,… đến từ mạng xã hội chính là cái kết cho những lượt like, share, comment hằng ngày của con người.
gfd
Thế giới “ảo”, nạn nhân “thật”
Thực chất, bất kỳ động thái nào thông qua phương thức trực tuyến, có nội dung làm tổn hại hay quấy rầy người khác đều được xem là “bắt nạt ảo”. Nhìn nhận một cách khách quan, chính sự “ảo” đã khiến rất ít người ý thức được cách họ cử xử trên thế giới ảo đang ảnh hưởng đến những nạn nhân “thật”. Không phải cứ đăng một đoạn clip nhạy cảm, tung ra lời đồn xấu hay những hình ảnh không đẹp mới là cyberbullying. Một vài câu từ nhỏ xíu, “kém xinh” trên mạng xã hội cũng có thể tạo nên một trò bắt nạt. Hay một “trang confession” vốn chỉ nơi bày tỏ cảm xúc, thái độ cũng mấp mé rơi vào vòng vây cyberbullying khi người ta dùng nó để kể xấu người khác. Like và share một hình ảnh cũng được xem là hành vi gây tổn hại tinh thần nếu điều đó khiến người bị hại cảm thấy đời sống mình bị ảnh hưởng.
Những bình luận phiến diện về ngoại hình của nữ diễn viên “Em chưa 18” gần đây là một ví dụ điển hình. Sẽ chẳng ai cảm thấy dễ chịu khi cứ liên tục bị người khác thì thầm, chỉ trỏ về phía mình trên phố, huống hồ đó là cô bé Kaity Nguyễn 17 tuổi bị bàn tán rộng rãi trên Facebook! Người viết thì chỉ nghĩ bản thân bình luận “cho vui” mà không nhận ra mình đang tham gia vào vòng xoáy cyberbullying. Ít ai biết rằng tại Mỹ, cô bé Megan Meier 13 tuổi (năm 2006) đã tự tử vì những bài đăng chế nhạo vấn đề thừa cân của em trên My Space. Liệu bao nhiêu đó vẫn chưa đủ tạo thành hồi chuông cảnh thức?
gf
gfd
Nhiều người sẽ vịn vào sự nhạy-cảm-quá-mức của những nạn nhân này mà biện minh cho các hệ quả đáng tiếc. Tuy nhiên, ngay cả những người mạnh mẽ cũng khó lòng chống đỡ với những lời lẽ miệt thị từ người khác. Vũ Phương Thanh vốn được biết đến là một nữ nhà văn mạnh mẽ, cá tính từng chia sẻ bản thân đã rất buồn và suy sụp khi đọc những bình luận trong bài đăng của mình. Việc “người ta tự suy diễn theo cách hiển nhiên của họ” đôi lúc còn khiến cô phải nhận lời đe doạ từ những người không quen biết ở thế giới ảo. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của cô, mà còn khiến cô hay rơi vào trạng thái không ổn định.
gfd
Lưỡi dao mang tên ngôn luận trực tuyến
Theo một công bố bởi bullyingstatistics.org, hơn một nửa thanh thiếu niên từng phải đối mặt với phương thức “bắt nạt ảo”, 10 – 20% số đó hứng chịu chúng một cách thường xuyên. Trong khi đó, có đến 80% số người ở độ tuổi này sử dụng điện thoại di động và các thiết bị điện tử tiên tiến, đồng nghĩa với việc khiến cyberbullying trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.
Điều khiến giới trẻ dễ bị cuốn vào cyberbullying âu cũng do chế độ ẩn danh và sự thuận tiện của mạng xã hội. Con người có xu hướng bắt nạt những người yếu kém hơn mình, và mọi việc diễn ra dễ dàng hơn nếu họ được “vô hình”. Trên mạng xã hội, một tài khoản chưa xác định có thể đăng mọi thứ họ thích với lý lẽ: “Tài khoản cá nhân của tôi nên tôi có quyền tự do ngôn luận!”. Dần dà, chính sự phát triển của những trò chơi giấu mặt như ask.fm hay confession càng khiến “virus cyberbullying” gia tăng đáng kể. Từ những hành động rất bản năng, con người đang biến ngôn luận trực tuyến thành lưỡi dao sắc nhọn tấn công tinh thần nạn nhân phía sau màn hình điện tử.
khj
jgh
Người cầm dao dễ dàng là kẻ giết người, nhưng đôi lúc lại bị con dao ấy đâm ngược trở lại. Bởi một phát ngôn tuỳ hứng cũng sẽ là nguyên nhân khiến người khác tấn công bạn. Có thể thấy, việc bạn vô ý dùng ngôn từ có thể vô tình tấn công người khác, làm họ cảm thấy tổn thương rồi “xù lông nhím” gây hại đến bạn. Vòng xoáy bạo lực cũng dần hình thành từ đấy – điều mà một xã hội văn minh và phát triển cần loại bỏ hoàn toàn.
Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận lại xem mình đã thật sự là những cư dân mạng tử tế hay chưa? Liệu những hành động like, share, comment rất đỗi bình thường có đang xáo trộn đời sống cá nhân người khác? Sức mạnh ngôn từ lớn hơn những gì chúng ta nghĩ. Cư xử cẩn trọng không chỉ tránh gây ảnh hưởng đến đối phương, nó còn là cách để bảo vệ chính bản thân mình!
Xuân Mỹ