‘Én vàng’ Hoàng Anh Duy cố vấn ‘Mật mã ngôn từ 2012’
Xin chào thầy ạ, đầu tiên xin cảm ơn thầy vì đã dành thời gian cho buổi phóng vấn này. Vừa chuyển công tác vào Nam, lịch làm việc của thầy trong thời gian sắp tới chắc phải bận rộn lắm?
Sắp tới thầy vẫn dạy rất nhiều lớp, chủ yếu là chương trình CLC và liên kết. Từ năm sau thì thấy bắt đầu nghiên cứu sinh để làm Tiến sĩ. Còn về MC, thầy đang cân nhắc 1 số chương trình, nếu có lên sóng thì các em sẽ biết.
Với thời gian biểu dày đặc như vậy nhưng vẫn nhận lời làm cố vấn cho cuộc thi Mật Mã Ngôn Từ 2012, có điều đặc biệt gì ở chương trình này đã hấp dẫn thầy không?
Từ trước đến giờ thì trường mình tổ chức rất nhiều cuộc thi hùng biện Tiếng Anh. Cái hay của MOW là sử dụng Tiếng Việt. Tên chương trình “Mật mã ngôn từ” là cái tên mang nhiều hàm ý. Đúng như tên gọi của nó, cuộc thi là một mật mã mà thí sinh chính là những người sẽ tìm ra lời giải đáp.
Kỹ năng nói là một kỹ năng rất quan trọng, đặc biệt là trong nhà trường. Trong số kiến thức mà các em học ở trường thì đã có tới 30 – 40% là kỹ năng nói. Kỹ năng này cần thiết trong tất cả các hoạt động ở lớp như phát biểu, thuyết trình, làm việc nhóm, thậm chí là bảo vệ khóa luận tốt nghiệp. Có được kĩ năng nói tốt hay không là do các em rèn luyện như thế nào. Thực tế, các bạn thành công đều là những bạn có kĩ năng giao tiếp tốt. Đặc biệt, thầy thấy sinh viên trường mình năng động, hay tham gia các cuộc thi lớn, nên các kĩ năng này còn cần thiết hơn nữa để thuyết trình ý tưởng được tốt.
Ngày nay, các bạn sinh viên hay lạm dụng ngôn ngữ teen, các từ viết tắt… làm giảm đi sự trong sáng của tiếng Việt. Thầy tin rằng cuộc thi này sẽ giúp cho không chỉ các bạn thí sinh mà cả các bạn khán giả hiểu biết thêm về sự phong phú của tiếng Việt. Đồng thời góp phần giữ gìn và phát triển tiếng Việt.
Còn về vai trò cố vấn của thầy trong “Mật mã ngôn từ”?
Thầy rất vui và bất ngờ khi được mời làm cố vấn cho cuộc thi này. Công việc của thầy sẽ là góp ý giúp các bạn hoàn thiện hơn về nội dung, format chương trình cũng như giải đáp một vài thắc mắc mang tính chuyên môn.
Bên cạnh việc tự hào khi các bạn đã tin tưởng mời thầy làm cố vấn của cuộc thi, thầy cũng chịu một chút áp lực do thầy đang rất bận trong thời gian này. Tuy nhiên, thầy sẽ hỗ trợ các bạn nhiều nhất trong khả năng có thể để góp phần xây dựng một sân chơi thú vị và bổ ích cho các bạn sinh viên.
Nổi tiếng với danh hiệu “Én vàng” trong cuộc thi “Người dẫn chương trình truyền hình 2009” và còn là một giảng viên vô cùng tài năng trong mắt các sinh viên của mình, hẳn thầy không hề gặp khó khăn gì trong việc làm chủ ngôn từ và tự tin nói trước đám đông?
Tự tin hay không phụ thuộc vào yếu tố chủ quan lẫn khách quan. Thầy từng rất mất tự tin. Trong lớp có 50 người thì thầy là người thứ 50 về khoản tự tin. Nhưng sau đó thầy được bầu làm bí thư chi đoàn. Hoàn cảnh buộc thầy phải nói rất nhiều, tham gia rất nhiều hoạt động làm thầy dần dần tự tin lên. Thầy kể câu chuyện này để rút ra 1 bài học: trăm hay không bằng tay quen. Các em phải thực hành, phải giao tiếp, cởi mở với những người xung quanh, tham gia nhiều hoạt động, phong trào của lớp, đoàn hội, CLB…Còn nhớ lúc thầy đứng trên sân khấu lần đầu tiên, thầy rất run nhưng được sự cổ vũ từ những đứa bạn thân ngồi ở dưới, thầy thấy tự tin hơn rất nhiều. Một bí quyết nữa là hãy nhìn vào những người em thân quen nhất để lấy lại sự tự tin. Người ta thường nói đầu xuôi thì đuôi lọt. Một khi em đã có được sự tự tin lúc đầu thì mọi chuyện sẽ rất suôn sẻ và em sẽ làm tốt.
Thầy có thể “bật mí” một vài bí quyết cho bạn sẽ tham gia cuộc thi MOW không?
Thầy có vài điều muốn nhắn nhủ. Các em nên chuẩn bị cho mình 1 vũ khí để giải mã bao gồm: vốn từ Tiếng Việt phong phú, khả năng sâu chuỗi và diễn đạt ý tưởng bằng nhiều hình thức khác nhau, linh hoạt khéo léo trong sử dụng ngôn ngữ, biết bối cảnh đang diễn ra và người mà mình đang nói với. Cuộc thi chỉ là bước đệm của 1 thứ khác quan trọng hơn là cuộc sống. Dù không giành được giải nhất các em cũng đã giải được mật mã ngôn từ.
Cám ơn vì những chia sẻ chân thành của thầy!
Thụy Vi (CTV FTUNEWS)