Trời mưa. Phan lại ngồi ngắm mưa. Nhớ. Phan nhớ mạ. Không biết bây giờ mạ đang làm gì? Ngoài nớ dạo này có mưa không? Năm nào cứ đến mùa này, là ngoài quê Phan mưa dữ lắm. Mưa không biết mạ có đi bán được không? Trời mưa thế này ai lại ra chợ mà để ý đến những mớ rau của mạ. Phan thương mạ vô cùng. Một mình mạ lay lứt nuôi Phan hơn hai mươi năm nay, mạ phải chịu biết bao nhiêu khổ cực, tóc mạ đã bạc nhiều, da đã nhăn đi và đôi mắt như sâu lại, đen thâm vì những đêm trằn trọc không ngủ.
Cha của Phan chưa bao giờ Phan nghe mạ nhắc đến và Phan cũng không bao giờ nhắc đến. Trong tiềm thức Phan, cha là một cái gì đó mà Phan không thể định nghĩa được. Phan sợ khi nhắc đến lại khơi lại vết thương lòng bấy lâu nay cháy âm ỉ trong lòng mạ. Phan càng thương mạ. Phan lại càng nhớ đến những ngày ở quê cùng mạ, những ngày mưa hai mạ con ngồi ôm nhau cho đỡ lạnh, Phan như một con chim nhỏ nằm gọn lõn trong lòng mạ. Bé bỏng, an toàn.
Giờ đây, Phan lại nhìn mưa và nhớ mạ nơi cách nhà cả ngàn cây số. Cô khóc, khóc tức tưởi. Những giọt nước mắt lăn dài trên má một người con gái hai mươi hai tuổi như Phan. Hai mươi hai tuổi, cái tuổi đầy hứa hẹn. Nhưng Phan cũng lắm phiền muộn và ưu tư. Nguyễn Ngọc Phan – cái tên như một đứa con trai mà mẹ dành cho Phan những mong con gái bà sẽ cứng cỏi, bản lĩnh trên đường đời lắm cạm bẫy. Thế mà bây giờ Phan lại khóc. Âu cũng là cảm xúc của người con gái. Phan nhớ mạ…
Phan lại nhớ anh. Anh đã đến với cuộc đời Phan thật tình cờ. Chân ướt, chân ráo vào Sài Gòn, Phan một mình, không bà con thân thuộc, người quen chỉ có vài đứa bạn ở cái trường làng quê Phan nhờ may mắn hay nhờ sự nỗ lực của bản thân vào được đại học. Mỗi đứa một trường, đứa nào cũng như đứa nào lạ lẫm và khó khăn.
Vào kí túc xá nhờ tờ giấy chứng nhận hộ nghèo của địa phương. Phan sống tằn tiện, tiết kiệm và không mảy may buồn phiền khi Sài Gòn phồn hoa và sang trọng nhưng không có mặt mình. Bởi Phan hiểu Phan là ai. Anh đã đến vào ngày sinh nhật của một đứa bạn chung phòng với Phan. Anh thanh lịch, trắng trẻo và rất thư sinh. Ở anh có một cái gì đó lịch lãm, trau chuốt mà Phan không thích lắm. Anh yêu Phan, Phan cũng chẳng hiểu nữa. Và rồi, Phan đã nắm tay anh đi trên con đường ngập lá me bay. Anh là con nhà giàu, anh là con trai một trong một gia đình bề thế. Ba anh là cán bộ thành phố, mẹ là giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn. Anh rất mềm yếu và nhạy cảm trong khi Phan lại quá mạnh mẽ. Tất cả, tất cả những gì thuộc về anh đều trái ngược với Phan. Phan biết điều đó, nhưng không hiểu vì sao Phan lại rất yêu anh.
Có lần Phan nói chuyện này với mạ, mạ không nói gì, chỉ nhìn ra xa, mắt ngân ngấn. Rồi thời gian trôi qua. Phan lao vào làm thêm, dạy thêm, rồi học thi, rồi lại viết báo. Dân văn như Phan thì mơ mộng lắm. Ngày đi học sư phạm văn, bao người bảo mạ là gàn dở con gái lớn lấy chồng, ai lại cho đi học chi tốn kém. Vả lại có đi học sư phạm thì đi học sư phạm toán, lí chứ ai lại học văn. Mạ chỉ cười “quyết định là ở nó”. Không hiểu sao Phan lại yêu những câu văn, những vần thơ đến thế. Nó có cái gì đó như chính màu của Phan đang chảy vậy. Phan lớn lên từ những câu Kiều mạ ru vọng vào đất trời miền trung nắng gió.
Bốn năm trôi qua, Phan sắp sửa tốt nghiệp. Về đâu dạy đây? Câu hỏi đặt ra làm Phan trăn trở. Anh bảo, ba anh sẽ xin cho Phan về công tác tại một trường cấp ba ngay trong thành phố. Với học lực loại giỏi của Phan thì chuyện đó không có gì khó, vả lại ba anh… Nhưng Phan không muốn. Phan không muốn nhờ vả ai cả. Hơn hai mươi năm qua mạ đã nuôi cô một mình có cần nhờ vả ai đâu….
Giờ đây, Phan thật khó nghĩ. Cô gái hai mươi hai thấy mỏi mệt quá, không còn lòng nhiệt thành của hôm nào. Giờ đây, Phan chỉ như một người biết nghe lệnh anh răm rắp. Phan sợ anh phật lòng hay vì chút mặc cảm tự ti. Sự chênh lệch quá lớn về gia đình, về kinh tế, không thể làm Phan có cảm giác thoải mái. Những lúc ấy, Phan lại nhớ mạ kinh khủng. Hôm đến nhà anh, Phan được đón tiếp bởi cái “e hèm” của ba anh, sự lạnh nhạt của mẹ anh và vài ba câu hỏi xã giao của những người chị của anh. Bữa cơm, nơi mà Phan phải dày vò, đau đớn khi không một ai hỏi chuyện Phan. Phan thấy mắt mạ xa xa, rưng rưng như trách móc. Từ hôm ấy, Phan tránh mặt anh hay ít ra là hạn chế gặp anh. Và anh cũng nhận ra điều đó. Anh xin lỗi Phan.
Nhưng anh có lỗi gì đâu. Phan không trách anh. Chẳng qua là giữa anh và Phan có một khoảng cách quá lớn, hai đứa như đang đi trên hai đường thẳng song song, và không bao giờ có điểm chung. Phan định về quê với mạ. Ý nghĩ lóe lên trong đầu Phan, nhưng rồi cô nghĩ lại. Quê của Phan sau năm năm đã có nhiều đổi khác lắm rồi, giáo viên cũng đã đủ. Cuộc sống mới, đời sống nhân dân cũng được cải thiện nhiều, đã có nhiều ngôi trường khang trang mọc lên xua tan đi cái không khí nghèo khó của xóm làng xưa. Trong khi đó, Phan còn nặng nợ với Tây Nguyên, vùng đất mà anh bảo là “khỉ ho cò gáy” ấy, nhưng đối với Phan lại có một nghĩa tình sâu nặng, một nghĩa tình mà Phan không thể hiểu được.
Ngày ấy, Phan cùng các bạn đi mùa hè xanh trên Tây Nguyên – một vùng đất trùng điệp, ban sơ và con người ở đây thật thà, chân thật và tình cảm. Tất cả đã làm Phan quên đi những chật vật, bon chen của cuộc sống thường nhật. Phan lao vào cuộc với tất cả sức trẻ, với khát khao cống hiến những việc làm mang đậm chất thanh niên nhưng cũng thật bản lĩnh. Phan vui lắm. Cô sinh viên viết thư về cho mạ rất nhiều kể cho mạ nghe những chuyện xảy ra ở Tây Nguyên. Hơn một tháng sống với bà con ở Tây Nguyên, Phan thấy như cả một đời Phan sôi nổi, hăng hái. Ngày chia tay, cô khóc rất nhiều, hứa sẽ có ngày quay trở lại Tây Nguyên, quay lại với đồng bào ở đây.
Vậy mà, mới đó đã hơn một năm rồi đấy….
Giờ đây, khi Phan sắp ra trường, phải đối mặt với cơm, áo, gạo, tiền, với những bon chen của phố thị, Phan cảm thấy quá chừng mệt mỏi. Phan nhắm mắt lại là thấy cả một đại ngàn xanh bát ngát, núi non trập trùng, những đám mây nô đùa đuổi nhau trên các đỉnh núi, không khí thì se sắt, dễ chịu làm sao. Từ các bản làng, sáng sáng, mọi người nô nức đi làm, trẻ em đến trường. Nhộn nhịp, vui tươi. Tối tối, đâu đó có tiếng hát giao duyên của vài đôi trai gái, tiếng gọi bạn xa xa của muông thú trở về với tổ ấm. Tây Nguyên, với những cánh rừng xanh thẳm, những rừng cà phê bạt ngàn, những dãy núi chênh vênh như những hòn đá mà tạo hóa đã kê lệch về nhiều phía, tất cả đã làm nên một bức tranh đại ngàn, một bức tranh Tây Nguyên. Phan còn nhìn thấy cả những ánh mắt trẻ thơ tinh nghịch, vui tươi, tràn đầy niềm tin khi ngồi nhìn cô giáo Phan giảng bài. Phan nhớ từng cái tên bé Lem, bé Lung, Thàng, KrHo,… Từng cái tên nghe sao mà dễ thương, bình dị quá, nhưng đã khắc ghi mãi trong lòng Phan. Mở mắt ra, Phan nghĩ đến mạ.
Mạ sẽ đồng ý chứ? Chắc là thế! Mạ lại bảo “tùy con”. Bao giờ cũng vậy mà. Phan muốn lên Tây Nguyên để gầy dựng một cuộc sống mới. Phan sẽ rước mạ lên đó. Đến với vùng đất mới, Phan sẽ chăm sóc cho mạ, lo lắng cho mạ, cho vơi bớt những khó khăn, vất vả mà mạ đã phải chịu đựng bấy lâu nay vì Phan. Và Phan cũng muốn mạ đi khỏi cái nơi mà một thời gian dài mạ phải sống cơ cực, tủi nhục, phải nén chặt nỗi đau tận đáy lòng mình. Phan sẽ đi khỏi nơi phồn hoa này, với đầy rẫy những bon chen, xo bồ và ngập tràn những cạm bẫy làm cho con người ta mỏi mệt. Phan sẽ đi, đi đến vùng đất đỏ ba dan đầy hứa hẹn, sẽ là một cô giáo của bản làng, sẽ cùng dân làng lên nương, lên rẫy, cùng dân làng vui ca, múa hát trong những đêm hội làng náo nức…
Trời vẫn mưa, nhưng sao lòng Phan rạo rực lạ. Phan sẽ đi, chắc chắn là như thế. Nhưng còn anh?
Ừ. Âu cũng là cuộc sống. Chẳng ai toàn vẹn bao giờ. Đây cũng là cách để cô xa anh. Tạm biệt anh. Rồi thời gian sẽ xóa nhòa tất cả, anh sẽ bước đi trên con đường của anh, cô sẽ về với lý tưởng của mình. Tất cả sẽ trở thành kỷ niệm, những kỷ niệm mãi mãi không quên của một thời sinh viên đầy mơ mộng.
Đứng dậy, giấc mơ đại ngàn không còn là giấc mơ nữa.
Phan sẽ đi, thời gian không còn nhiều…
Kang