(FTUNEWS) – Tư tưởng trọng nam khinh nữ từ lâu vốn đã trở thành một ý thức hệ phổ biến. Câu chuyện “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, “cháu đích tôn”, “con trai nối dõi” đã trở thành một thứ gông xiềng ràng buộc quyền làm chủ cuộc đời của người phụ nữ. Song, dưới nhiều sức ép và áp lực từ các định kiến xã hội, người phụ nữ vẫn bản lĩnh hoàn thành tốt vai trò của mình, dù là ở bất kì thời điểm nào.
- 100 độ “ngon” Ngoại thương
- Điện ảnh Việt: Cuộc đua trăm tỷ hay đấu trường “drama” không hồi kết?
- E- LEARNING, “CÁNH CỬA THẦN KỲ” CHỈ SAU MỘT CÚ CLICK CHUỘT
Ở các nước Á Đông chịu ảnh hưởng nặng nề từ tư tưởng “nam tôn nữ ti” của Nho giáo, phụ nữ đã tàn nhẫn bị “gạt” ra khỏi cuộc sống tự do của xã hội và bị “dồn” vào khuôn khổ chật hẹp của đời sống gia đình. Không chỉ dừng lại ở Châu Á, mà kể cả các nước phương Tây, thậm chí là Mỹ – đất nước tự do nhất thế giới, theo một khảo sát của các nhà nghiên cứu xã hội học, nhiều gia đình cũng thừa nhận rằng họ cảm thấy hạnh phúc hơn khi có cả con trai và con gái, hoặc chỉ có con trai chứ không phải toàn là “vịt trời”. Gánh trên vai những bất công của định kiến xã hội, phụ nữ – khi mà họ chưa có tiếng nói của riêng mình – chỉ còn một lựa chọn duy nhất, cam chịu và hi sinh tất cả.
Tuy nhiên, phụ nữ càng lúc càng có ý thức về giá trị của bản thân mình. Ngày 8/3/1903 15.000 phụ nữ đã tuần hành biểu tình trên các đường phố New York đòi tăng lương, giảm giờ làm việc và hủy bỏ việc bắt trẻ con làm việc. Năm 1910, Hội nghị Phụ nữ với chủ tịch là bà Clara Zetkin (người Đức) đã quyết định chọn ngày 8/3 làm Ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu: “Ngày làm việc 8 giờ”, “Việc làm ngang nhau”, “Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”. Đây được xem là một cột mốc quyết định, biểu dương ý chí đấu tranh vì quyền lợi, hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng, mở đầu cho sự nghiệp phụ nữ giành lại quyền bình đẳng giới.
Năm 1975, với việc ra đời cuốn sách “Một tiếng nói nữa”, Marcia Millman và Rosabeth Kanter đã đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên nâng tư tưởng nữ quyền trở thành một môn khoa học xã hội. Kể từ đó rất nhiều tổ chức và phong trào nhằm đem lại quyền lợi và công bằng cho nữ giới (gọi tắt là nữ quyền) đã ra đời và được hưởng ứng rộng rãi trên toàn thế giới. Chiến dịch “One Billion Rising” (2012) song hành cùng với phong trào mang tên V-Day đã kết nối phụ nữ toàn cầu và nêu cao thông điệp ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Nhiều chiến dịch khác như Slut Walk (2011), #Metoo (2017), Time’s Up (2018),… nhằm chống lại nạn lạm dụng quấy rối tình dục đã diễn ra mạnh mẽ và nhận được sự ủng hộ của hàng triệu phụ nữ khắp nơi trên thế giới
Bước cùng với sự phát triển của nền văn minh nhân loại, phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế và vai trò của mình qua những thành tựu đáng kể họ đạt được. Ngày càng có nhiều phụ nữ trở thành nhà chính trị gia, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý năng động và những lĩnh vực mà trước đây vốn chỉ dành cho nam giới. Điển hình là nữ thủ tướng Đức Angel Merkel – người liên tục nhiều năm liền giữ vị trí hàng đầu trong top những người quyền lực và có tầm ảnh hưởng nhất thế giới (theo tạp chí Forbes). Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của bà, nền kinh tế Đức đã có những bước tăng trưởng vượt bậc.
Tuy nhiên, không phải cứ phải “xông pha trận mạc” thì phụ nữ mới có quyền được người khác tôn trọng. Một người phụ nữ có quyền trở thành bất kì ai họ muốn mà không phải theo một khuôn khổ quy chuẩn nào cả. Họ có quyền tự quyết định hôn nhân, sự nghiệp và cuộc sống của mình. Lựa chọn một cuộc sống bình lặng, ở nhà chăm sóc gia đình hay đi theo đam mê và ước mơ, miễn là họ hài lòng và hạnh phúc thì họ có quyền được tôn trọng và đối xử bình đẳng. Đó mới chính là ý nghĩa thiêng liêng nhất của nữ quyền.
Song, bên cạnh những nỗ lực khẳng định và giành lại quyền bình đẳng của người phụ nữ, tư tưởng trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào nhận thức của nhiều người và không có cách gì xóa được. Lối suy nghĩ “con trai nối dõi” trên thực tế ngày nay vẫn “được” duy trì, những câu chuyện về bạo hành gia đình, nạn phá thai chọn lọc giới tính, vấn đề gia tăng dân số vẫn hằng ngày xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, nhất là tại các khu vực nông thôn và miền Trung Việt Nam – nơi mà ảnh hưởng phong kiến vẫn còn đè nặng.
Đồng thời, việc kém hiểu biết của một số cộng đồng người đã dẫn đến việc nhân danh nữ quyền để “dìm hàng” giá trị đàn ông và “gán mác” cho phụ nữ những đặc tính mà vốn dĩ là những điểm mạnh của nam giới. Chính điều này đã khiến nữ quyền trở nên thật cực đoan và giá trị của người phụ nữ – (một lần nữa) lại bị hạ thấp.
Nhiều biến động của lịch sử nhân loại đã cho ra đời một bức tranh khá đầy đủ về sự bất bình đẳng đối với phụ nữ. Xét cho cùng, sứ mệnh của người phụ nữ không phải là để duy trì và phục vụ thế giới nam tôn, mà là để xây dựng thế giới con người bằng việc đưa yếu tố nữ tính của mình vào mọi hoạt động của nó. Song, chừng nào những cụm từ “quyền bình đẳng giới”, “nữ quyền” vẫn luôn liên tục được nhắc đến thì khi ấy, quyền lợi giữa nam và nữ giới vẫn còn tồn tại nhiều khuất tất. Phải chăng chỉ khi chúng ta biết tôn trọng và có niềm tin về giá trị của bản thân mình cũng như của người khác, dù là ở bất kì giới tính nào, thì thế giới mới có sự công bằng và bình đẳng?
Bài viết: Tú Quyên
Thiết kế: Quế Trân