“Hung thần xe buýt” – Oan hay không oan?

“Hung thần xe buýt” – Oan hay không oan?

Published by ftunews2 on

0 0
Read Time:5 Minute, 52 Second

(FTUNEWS) – Bước ra đường mỗi ngày là bạn phải đối mặt với biết bao nhiêu phiền toái, lo âu, từ tắc đường, xe máy lấn làn, công trình đang thi công liên miên… Đặc biệt, có một “hung thần xa lộ” mang tên xe buýt, với những vụ “phóng nhanh vượt ẩu”, “cản trở giao thông”, thậm chí gây ra nhiều tai nạn thương tâm. Nhưng cái mác đó liệu đã công bằng với những người đằng sau vô lăng xe buýt? “Oan hay không oan?” câu hỏi chưa bao giờ là dễ dàng để trả lời.

Mác “hung thần” từ đâu mà có?

Có thể đánh giá một cách khách quan tình trạng xe buýt ở thành phố Hồ Chí Minh bằng một chữ là “Bất ổn”. Theo như lời kể của bạn Anh Thư (K55F) ”Quãng đường từ nhà ở Đại học Luật (Thủ Đức) đến trường Ngoại Thương theo tính toán chỉ mất hơn 15 phút nhưng đi xe buýt hôm nào cũng mất hơn 20 phút”. Không chỉ là vấn đề thời gian, xe buýt còn mắc phải tình trạng phóng nhanh vượt ẩu. Đang chạy nhanh bỗng nhiên lại giảm tốc độ hoặc phanh đột ngột khiến hành khách va đập vào cột, thành xe. Bạn Tố Tâm (K55B) cũng đã trải nghiệm cảm giác này: “Mỗi lần đi vào thời điểm kẹt xe, mình rất khó chịu vì tài xế cứ bấm còi liên tục để xe máy hạn chế tạt đầu xe buýt, đôi khi còn thắng gấp mấy lần liền”. Chính vì để đón trả khách mà xe buýt đã vô tình lấn ép các loại xe máy khiến họ đột ngột phải tấp vào lề, gây ra những va chạm nhỏ hoặc nghiêm trọng hơn là tai nạn giao thông, thậm chí là có thể chết người. Đó là những điều mà ai cũng không muốn xảy ra, nhất là với loại phương tiện có mức độ phủ sóng rộng rãi khắp toàn thành phố như xe buýt. Tôi tự hỏi, là họ cố ý làm như vậy, hay còn lý do gì đằng sau đó?

Tài xế không phải là hung thần

Dễ nhận thấy rằng, những người ngồi sau vô lăng xe buýt là những người thường xuyên làm việc dưới áp lực rất lớn. Hàng ngày họ phải gặp hàng trăm người, đối mặt với hàng ngàn phương tiện di chuyển trên đường. Quan trọng hơn cả là họ phải luôn phải giữ cho mình một cái đầu luôn thật tỉnh táo để luồn lách giữa biển người và xử lí những sự cố phát sinh.

Điều luôn là tảng đá đè nặng trên vai các chú tài xế xe buýt chính là biểu đồ thời gian của Trung tâm điều hành đưa ra. Nếu không về đúng giờ, họ sẽ bị phạt tiền khá nặng. Chính vì thế các chú phải phóng nhanh, đôi khi bắt buộc phải vượt ẩu và luôn luôn giục hành khách lên, xuống nhanh để về kịp giờ. Đọc đôi ba dòng tâm sự của chú Dương Văn Dũng (tài xế tuyến Chợ Lớn – Củ Chi) trên diễn đàn mà FTUNEWS vô tình bắt gặp, mới hiểu được nỗi lòng của họ: “Tài xế xe buýt chịu áp lực nhiều hơn so với các loại xe khác. Vì khi điều khiển xe, mắt chú phải căng ra nhìn trái phải trước sau mỗi khi xe ra vào trạm đón rước khách. Đó là chưa kể tay chú phải hoạt động liên tục thao tác bật đèn xi nhan, ấn nút mở đóng cửa… Trong khi đó, dưới đường xe cộ chen chúc nhau, chưa kể nhiều người chạy xe máy hay lạn lách trước đầu xe rất nguy hiểm”.

Ai cũng biết đón và trả khách tại trạm chính là đặc thù của xe buýt. Việc xe máy “la ó” xe buýt lấn ép mình ngay trên chính làn trạm xe buýt chưa hẳn là đúng. Chắc hẳn các bạn không hề biết rằng, việc dừng đỗ các loại xe khác tại điểm dừng đón khách của xe buýt bị pháp luật cấm và xử phạt đến 100.000 đồng/lần vi phạm đối với xe gắn máy và đến 500.000 đồng/lần đối với ô tô theo nghị định 34/2010/NĐ-CP.

Một điều mà FTUNEWS đã tìm hiểu được chính là trong nội thành đường vắng, xe buýt được lưu thông với vận tốc là 50km/h. Nhưng khi đường tắc, bị một biển xe máy cùng các loại phương tiện khác chen lấn, xe buýt cũng phải chật vật nhích từng chút một, cố gắng hòa vào giao thông đang tắt nghẽn. Chính vì thế, thắng gấp hay bóp còi inh ỏi là cần thiết. Chẳng phải khi bạn bị kẹt giữa dòng xe, cũng hay thắng gấp khi xe ở trước dừng đột ngột hay bóp kèn để xe khác nhích lên hay sao?

Đi tìm hướng giải quyết.

Hiện nay, hạ tầng giao thông thành phố Hồ Chí Minh còn rất nhiều bất cập. Nhiều tuyến đường không đạt tiêu chuẩn, nhỏ, gồ ghề với nhiều cống rãnh thấm chí còn không có nắp; bên cạnh đó là những công trường xây dựng các tòa nhà cao ốc, công trình đào đường lấp cống…làm lô cốt mọc lên liên tục; dây điện chằng chịt không đạt độ cao đảm bảo… Vậy nên trước hết, cần phải có biện pháp kịp thời để cải tạo cơ sở hạ tầng, hạn chế tình trạng kẹt xe, giúp xe lưu thông ổn định.

Bên cạnh đó, các đơn vị quản lý phải thực hiện việc nâng cao chất lượng phương tiện. Chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định pháp luật về kinh doanh vận tải bằng xe buýt; giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho lái xe và nhân viên phục vụ, yêu cầu phải chấp hành các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và làm cam kết không vi phạm các quy định về hoạt động xe buýt, đón trả khách đúng nơi quy định, điều khiển xe chạy đúng hành trình, đồng thời quy định rõ các hình thức cụ thể của đơn vị đối với lái xe khi vi phạm trật tự an toàn giao thông

Điều quan trọng nhất, cũng là chìa khóa giải mã cho bài toán hóc búa này chính là ý thức của mọi người khi tham gia giao thông. Các loại phương tiện nên đi đúng phần đường quy định, không chen chúc, tạt đầu xe lớn, hay tùy tiện bật xi nhan. Hãy là người tham gia giao thông thông minh.

Tuy vẫn còn hàng ngàn, hàng vạn vấn đề khác nhưng đến đây, hẳn bạn đã có đáp án cho câu hỏi trên rồi chứ?

Ngọc Nhi

Ảnh: Internet

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %