“Mottainai” là một thán từ của người Nhật cố thời xa xưa. Người Nhật thường dùng nó với nhiều nghĩa như “Bất tiện quá!” hoặc “Tiếc quá!”. Bà Wangari Maathai, nhà hoạt động nhân quyền và môi trường Kenya, người giành giải thưởng Nobel hòa bình đã phát hiện “Mottainai” là thuật ngữ thể hiện được trọn vẹn nhất cho khái niệm 3R (Giảm thiểu, Tái sử dụng & Tái chế). Bà đã sử dụng nó rất nhiều trong các bài diễn văn về môi trường của mình, Từ đó, thuật ngữ “Mottainai” ngày càng được nhiều người biết đến. Và ngày nay, “Mottainai” được dùng rộng rãi với ý nghĩa “Ôi, lãng phí quá!”. Nếu bạn nghe thấy một người Nhật thốt lên từ “Mottainai” thì nghĩa là bạn đang lãng phí những thứ vẫn còn sử dụng được đấy. Xuất phát từ đó, ngày hội “Mottainai” ra đời ở Nhật năm 2005 và được tổ chức như các buổi hội chợ để mọi người có thể mang đồ dùng, quần áo cũ của mình đến đổi lấy những món đồ từ người khác.
Mottainai phiên bản Việt Nam
Mottainai xuất hiện lần đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 3/2008 ở Hà Nội, được tổ chức bởi câu lạc bộ 3R, dự án 3R-HN, cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA và công ty TNHH Nhà nước một thành viên Môi trường đô thị Urenco. Tuy mới mẻ nhưng ngày hội Đổi đồ cũ đầu tiên này đã thành công ngoài sức tưởng tượng với hàng nghìn món đồ được mang đổi, không chỉ là quần áo, sách vở mà còn có những thứ rất bình thường như nồi niêu xoong chảo … và cả những thứ đồ còn mới tinh.
Từ thành công của lần tổ chức đầu tiên đó, “Ngày hội Đổi đồ cũ” dường như đã trở thành một hoạt động thường niên của học sinh, sinh viên và người dân Thủ Đô. Và cho đến bây giờ, “Mottainai” phiên bản Việt Nam đã lan rộng hầu khắp cả nước. Không chỉ riêng Hà Nội hay Sài Gòn, nếu bạn để ý trên các trang báo, có thể bạn sẽ thấy sự xuất hiện của nó ở cả Hải Phòng, Hội An… Đặc biệt hơn nữa, Mottainai còn lan rộng đến cả các công sở và các khu ký túc xá. Quan trọng chỉ là nhận thức của mình thôi phải không?
Khi Mottainai lần đầu tiên xuất hiện ở Ngoại Thương
Dù đã có mặt ở Việt Nam từ năm 2008 nhưng tháng 6 năm nay mới là lần đầu tiên đánh dấu sự xuất hiện của Ngày hội Đổi đồ cũ trong khuôn viên FTU với một cái tên rất xanh “Green Exchange”. Không chỉ mang thông điệp kêu gọi mọi người tiết kiệm, Green Exchange còn tạo ra một trào lưu “xanh hóa” Ngoại Thương mùa hè này. Không cần phải đăng kí như bất kì các hoạt động khác ở trường, bạn chỉ cần mang đồ dùng cũ của mình đến bàn Đổi đồ là đã có thể tham gia rồi. Và cũng đừng lo nếu bạn không đổi được món đồ như ý bởi vẫn còn rất nhiều món quà từ BTC hấp dẫn gắn liền với những người nổi tiếng khi bạn tham gia hoạt động này đấy. Nếu bạn đang có ý định dọn tủ đồ của mình thì đừng quên Green Exchange đang đợi bạn ở dãy nhà A nhé! Đừng vội thải đi những thứ mà đôi lúc người khác có thể cần đến!
Katy