LHP Việt Nam ra đời năm 1970 (do Cục Điện ảnh Việt Nam tổ chức định kỳ khoảng 5 năm/2 lần) là sự kiện điện ảnh thâm niên nhất và đồng thời cũng là sự kiện lớn nhất của ngành điện ảnh.
Giải thưởng của Hội điện ảnh Việt Nam ra đời năm 1993 (tổ chức trao giải thường niên và từ năm 2003 mang tên Cánh diều Vàng đóng góp một sự kiện định kỳ cho ngành điện ảnh.
LHP quốc tế Việt Nam ra đời mới đây năm 2010 do Cục Điện ảnh phối hợp với công ty BHD tổ chức, nhìn trên khía cạnh giao lưu quốc tế, là sự kiện quy mô hơn cả.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ nghề nghiệp – chuyên môn với giới làm phim trong nước, LHP quốc gia Việt Nam vẫn là sự kiện quy mô – tầm vóc nhất.
Khác tính chất với các LHP quốc tế thường mang tên và tổ chức tại một địa danh cố định, LHP quốc gia Việt Nam còn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị – xã hội. Vì thế, các kỳ LHP toàn quốc thường được tổ chức luân phiên ở các tỉnh, thành mọi vùng miền.
LHP Việt Nam thường diễn ra trong khoảng 5 ngày, với các hoạt động khai mạc – bế mạc, chiếu phim – giao lưu giữa nhà làm phim và khán giả, hội thảo – tọa đàm giữa những người làm nghề, tham quan – giao lưu giữa nghệ sỹ và nhân dân địa phương, chấm phim – trao giải ở các hạng mục.
LHP Việt Nam trao giải Bông sen Vàng, Bông sen Bạc và bằng khen cho các tác phẩm, đồng thời trao giải cá nhân ở các thể loại: Phim truyện nhựa, Phim truyện video (ngắn tập), Phim Tài liệu, Phim Khoa học, Phim hoạt hình.
Riêng thể loại Phim truyền hình nhiều tập không được tham gia LHP này.
LHP 17: Có xứng là bản lề?
LHP năm nay là một trong những hoạt động văn hóa nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng “Năm du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ – Phú Yên 2011”.
Ngoài ý nghĩa mang tính hình thức này, điều những người yêu điện ảnh nước nhà quan tâm là, kỳ LHP được coi là bản lề ở thời điểm kỷ niệm 40 năm ngày ra đời này có thể phản ánh – mang tới những tín hiệu tích cực gì cho nền điện ảnh.
Hai kỳ LHP quốc gia gần đây (LHP 15 tại Nam Định và LHP 16 tại TP.HCM) đều có khẩu hiệu: ”Vì một nền Điện ảnh Việt Nam đổi mới và hội nhập”.
Một kỳ LHP đúng nghĩa không chỉ là xúng xính nghệ sĩ hào nhoáng mà còn cần tạo cú hích với môi trường, với nghệ sĩ
Nhiều người nói vui rằng, không thấy dấu hiệu tích cực khi ngay trong khẩu hiệu của 2 kỳ LHP vẫn là một sự lặp lại, sáo mòn.
Trong thực tế, môi trường điện ảnh đã có tương đối những dấu hiệu – biến chuyển tích cực trong giai đoạn gần đây. Số lượng phim nội sản xuất đã nhích dần lên, khán giả đến rạp đông và thường xuyên hơn, điều kiện tiếp cận – giao lưu điện ảnh quốc tế nhiều hơn.
Sự tham gia mạnh mẽ của khu vực điện ảnh tư nhân vào thị trường điện ảnh ở mọi khâu: nhập phim – phát hành – chiếu bóng – sản xuất mang đến không khí cạnh tranh sôi động hơn cho ngành điện ảnh vốn quá lâu phụ thuộc vào cơ chế bao cấp, xin – cho.
Xuất hiện những người làm phim mới – dù chưa đủ đông đảo để thành “thế hệ” – mang đến những tư duy và cách thức làm việc hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn lớp đàn anh. Những tác phẩm điện ảnh đã phong phú hơn về thể loại, đề tài, dù còn cần xem xét nhiều tới xu hướng làm phim hàng chợ – câu khách rẻ tiền.
Ngoài những yếu tố nằm trong quá trình phát triển tất yếu trong bối cảnh hội nhập và phát triển văn hoá – kinh tế – xã hội, bộ mặt của nền điện ảnh được xây dựng bởi sự đóng góp – nỗ lực của nhiều thành phần.
LHP là dịp tôn vinh các tác giả, tác phẩm điện ảnh giá trị đồng thời đưa các tác phẩm đến gần hơn với công chúng. Đây cũng là dịp để những người làm nghề gặp gỡ, trao đổi những vấn đề đáng bàn của ngành.
Theo nghĩa đó, với những thực tiễn bề bộn, sôi động của nền điện ảnh những năm qua, một LHP Việt Nam đủ tầm là bản lề không chỉ nhờ “chẵn năm kỷ niệm”, không chỉ là xúng xính nghệ sỹ hào nhoáng, không chỉ là những ầm ĩ bên lề, mà còn cần phải là cú hích thực sự với môi trường, với nghệ sỹ.
Còn 8 tháng nữa để tới một LHP được gọi là “bản lề”.
Theo VnMedia