(FTUNEWS)- Bất kỳ ai khi nghe tôi kể câu chuyện sau đây hẳn cũng sẽ cảm thấy rất bất ngờ. Nhưng sự thật, đâu đó vẫn còn những người cha, người mẹ vẫn đang vất vả vì những đứa con như chúng ta.
Từ 22/07/2012, Ngoại thương bắt đầu công bố điểm thi đại học. Hôm nay đi học về, tình cờ ngang qua cái bảng tin, mò xem điểm của 94-ers phát hiện ra chưa bao giờ bảng điểm tuyển sinh của ĐH Ngoại thương lại có sự đa dạng đến vậy. Bất ngờ nhất là năm nay có khả nhiều điểm thi dưới 2 chữ số. Nhìn bảng điểm của các bạn mà tôi chợt nhớ lại câu chuyện tình cờ mình biết được 2 năm cách đây.
Ngày công bố điểm thi đại học, kẻ khóc, người cười, sĩ tử đau lòng vì kết quả thi không tốt đã đành, phụ huynh học sinh cũng muộn phiền không kém. Tôi còn nhớ như in trong đầu cái không khí rộn ràng, náo nhiệt của ngày ấy. Đó là một sáng trời trong xanh ngày 30/08/2010- ngày Ngoại thương đón tân sinh viên K49 làm thủ tục nhập học. Nhưng lẫn vào trong niềm vui của các bạn tân sinh viên, của các vị phụ huynh đưa con đến trường làm thủ tục là bóng dáng một người cha khắc khổ. Tôi thấy chú cứ đứng suốt mấy tiếng đồng hồ tại cái bảng tin và chăm chú đọc cái gì đó trên ấy mà tôi nghĩ mãi không ra. Tôi thầm nghĩ, điểm thi của con mình khó tìm đến thế sao? Thí sinh thi vào Ngoại thương chỉ bằng một phần mười so với các trường lớn khác, vậy mà chú tìm cả mấy tiếng không ra sao? Hàng trăm câu hỏi cứ hiện lên trong đầu tôi. Chú ấy làm gì vậy nhỉ? Tại sao lại chăm chú đọc đến vậy, rồi lại chốc chốc ghi chép cái gì đó vào cuốn sổ nhỏ?
Chính sự tò mò đã thôi thúc tôi lại bắt chuyện với chú…và câu chuyện của người cha này thực sự đã làm tôi cảm động. Tôi nhận ra rằng ông bà ta nói chẳng sai chút nào “Con cái muôn đời là gánh nặng của bậc làm cha làm mẹ”. Nuôi con đến ngày con thi ĐH vẫn còn chịu khổ.
Con gái của chú là bạn N.T.H thi khối D được 20,5 điểm, trượt ĐH Ngoại thương. Hiện gia đình chú đang chuẩn bị làm hồ sơ đăng ký nguyện vọng 2 (NV2) cho bạn. Chú đến đây để ghi lại danh sách của tất cả các bạn thí sinh có điểm thi từ 21-23 điểm của cả hai khối A và D vì chú cho rằng đây sẽ là những đối thủ cạnh tranh với con mình trong cuộc đua NV2 vào các trường. Giọng chú ngậm ngùi “Ở các trường khác, khối D 20,5 điểm trở lên là đậu rồi. Chỉ có trường này là rớt thôi. Chính vì vậy có bao nhiêu thí sinh rớt ở đây mà trên 20,5 điểm thì có bấy nhiêu người cạnh tranh với nó. Chú trừ đi 30% các bạn không đăng ký NV2 vào ĐH Mở, trừ tiếp 20% trong số đó là không đăng ký vào ngành Tài chính- Ngân hàng là tính được xác suất ĐH Mở hạ điểm chuẩn ngành Tài chính- Ngân hàng xuống 20,5 điểm.”
Câu chuyện của chú làm tôi chợt bừng tỉnh, mặc dù lúc nào báo chí và các phương tiện truyền thông cũng đưa tin bảo các thí sinh hãy yên tâm vì còn rất nhiều trường lấy NV2. Nhưng có một thực tế mà không báo nào đề cập đó là với những thí sinh trượt trường top trên như Ngoại thương thì việc chọn trường để đăng ký NV2 không phải là bài toán dễ khi mà các trường cùng top trên không thông báo tuyển NV2 nữa và các bạn sẽ phải tranh nhau “tấm vé” để vào các trường top giữa. Chú cho biết thêm “Em thi ĐH Ngoại thương rớt nhưng điểm lại không quá thấp mà lại ở lưng chừng nên gia đình đang rất hy vọng vào những trường top giữa. Nhưng cũng lo là có nhiều em rớt Ngoại thương cũng nộp đơn xét tuyển NV2 ở những trường này. Mà cháu biết đấy, trường tuyển NV2 thì chỉ có vài trường như ĐH Mở, ĐH Tài chính- Marketing,…”
Chiều hôm đó về nhà, tôi bắt đầu làm một phép toán nho nhỏ. Có hơn hơn 600.000 thí sinh trượt ĐH nhưng chỉ có gần 70.000 suất vào NV2. Và trong một buổi sáng, vị phụ huynh này đã đếm được hơn 200 thí sinh trên 20 điểm trượt ĐH Ngoại thương. Lối vào ĐH bằng tấm vé thông hành NV2 đã hẹp lại càng hẹp hơn. Vậy cơ hội nào cho gần nửa triệu thí sinh còn lại?
Nguyện vọng 1 bao giờ cũng là lựa chọn tối ưu nhất dành cho các bạn thí sinh, cánh cửa NV2, NV3 sẽ hẹp dần, chính vì vậy một lời khuyên dành cho các bạn là hãy cân nhắc thật kỹ khi đặt bút làm hồ sơ đăng ký NV2 nhé! Thường xuyên theo dõi và cập nhật thông tin, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, thầy cô, bạn bè và những người đi trước, đặc biệt phải dựa trên nhóm ngành, trường và điểm thi của mình để có sự lựa chọn phù hợp. Đừng chọn trường quá cao để rồi phải mạo hiểm thêm lần nữa, hãy chọn trường vừa sức để có “cú đáp” thật an toàn. Chúc tất cả các bạn thành công! Và hơn hết, tôi hy vọng sẽ không còn vị phụ huynh nào phải vất vả đứng đếm số thí sinh rớt ĐH Ngoại thương như chú nữa.
Nguyệt Ánh