1. Android (2005)
Trước khi được Google mua lại với giá 50 triệu USD năm 2005, Android vẫn là cái tên ít người biết đến, một phần bởi những quy định chặt chẽ của công ty về việc giữ kín thông tin các dự án của mình. Còn hiện tại, Android đang là hệ điều hành di động lớn nhất thế giới, với trên 300 triệu điện thoại và máy tính bảng sử dụng.
2. Applied Semantics (2003)
Google mua lại một doanh nghiệp chỉ với quy mô 45 người, đồng ý trả mức giá 102 triệu USD vào năm 2003, khiến nhiều người cho rằng “gã khổng lồ tìm kiếm” đã bị “hớ”. Tuy nhiên, thực tế đây lại là một trong những thương vụ “ngon ăn” nhất mà Google từng thực hiện. Applied Semantics đã cho ra mắt AdSense, nền tảng tìm kiếm quảng cáo trả phí đang mang lại doanh thu chính cho hãng.
3. YouTube (2006)
Bản thỏa thuận trị giá 1,6 tỷ USD để mua lại YouTube đã thu hút sự chú ý của thế giới bởi lúc này, trang chia sẻ video chỉ gồm 67 nhân lực. Thời điểm đó, YouTube đã chứng tỏ mình là một “ngôi sao đang lên” nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi xung quanh thực lực của công ty, cùng với đó là những e dè liên quan đến vấn đề bản quyền khi chia sẻ nội dung. CEO Eric Schmidt là người đã gọi YouTube với cái tên “bước tiến trong sự phát triển của Internet”, quyết tâm đánh bại các đối thủ Microsoft, Yahoo, News Corp để đem YouTube về Google.
4. Zagat (2011)
Sau những phi vụ sáp nhập các công ty công nghệ, Google đã mua lại Zagat, một công ty cung cấp dịch vụ đánh giá vào tháng 9/2011, tiêu hết 151 triệu USD. Quyết định này đã giúp Google cải thiện được các dịch vụ địa phương của mình, cung cấp cho người dùng thêm công cụ để tìm kiếm các địa chỉ uy tín gần vị trí của họ một cách nhanh chóng.
5. Where2 (2004)
Năm 2003, anh em Lars và Jens Rasmussen người Đan Mạch đã thành lập công ty công nghệ bản đồ nhằm mục đích tạo ra cuộc cách mạng dẫn đường cho người dùng. Ngay khi nghe về kế hoạch trên và tận mắt chứng kiến nguyên mẫu của anh em Rasmussen, Google quyết định mua lại. Đó là tiền đề để ra đời Google Maps, một trong những ứng dụng nổi tiếng nhất của hãng và là dịch vụ bản đồ được sử dụng phổ biến trên thế giới.
6. Picasa (2004)
Trong khoảng thời gian chờ đợi cho đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), Google đã bỏ tiền mua lại công ty quản lý hình ảnh trực tuyến, một nỗ lực củng cố vị trí dẫn đầu của mình so với Yahoo và MSN, hai đối thủ lớn nhất của hãng tại mảng dịch vụ tìm kiếm. Picasa đã nhanh chóng trở thành ứng dụng quản lý hình ảnh trên nền web được ưa chuộng, và là đối thủ xứng tầm với Flickr, công ty thuộc quyền sở hữu của Yahoo.
7. Apture (2011)
Tìm kiếm dựa trên ngữ cảnh cho phép người dùng tra cứu thêm nhiều thông tin mà không phải rời trang web là lĩnh vực được Apture khởi nguồn. Google tỏ ra ấn tượng với công ty 4 năm tuổi này nên quyết định mua lại toàn bộ công nghệ và đội ngũ nhân viên, chuyển hết sang nhóm phát triển trình duyệt Chrome để giúp tối ưu sản phẩm của mình.
8. Meebo (2012)
Thành lập từ năm 2005, Meebo nhanh chóng tạo ra những khác biệt trong mảng xã hội trực tuyến, và nổi bật nhất là các dịch vụ trò chuyện trực tuyến trên nền web. Đội ngũ nhân viên của Meebo lên tới 200 người, với nguồn quỹ đầu tư 60 triệu USD. Mặc dù hợp đồng mới được ký và chưa rõ ý định của Google với Meebo, nhưng nhiều khả năng công nghệ của họ sẽ giúp “gã khổng lồ” cải thiện được mạng xã hội Google+ của mình trong thời gian tới.
9. Sparrow (2012)
Gmail là ứng dụng cực kỳ phổ biến và hầu như ai dùng email cũng biết đến, nhưng trên nền tảng iOS của Apple thì không gặt được thành công như mong muốn. Khi ứng dụng Sparrow có mặt trên iPhone, mọi chuyện đã thay đổi đáng kể khi người dùng có thể đọc tới 1.000 email mà không cần kết nối mạng, hỗ trợ mở các hộp thư và dán nhãn thư như Gmail trên các hệ điều hành khác. “Chim sẻ” được kỳ vọng sẽ giúp Gmail trở thành ứng dụng đa nền tảng thành công nhất.
10. Pyra Labs (2003)
Pyra Labs không phải là cái tên nhiều người biết, nhưng dịch vụ Blogger lại là lý do chính để các trang blog phát triển. Công ty ra đời năm 1999 nhưng “suýt chết” vào cuối năm 2000, khi xảy ra tình trạng vỡ bong bóng các công ty Internet (dot-com). Khi phục hồi lại, Pyra Labs vận hành chỉ với 6 người. Khi được Google mua lại, thành viên của Blogger đã nhanh chóng tăng lên đến hàng triệu.
Theo VNE