Sài Gòn, cà phê xưa…

Published by sieuquantri on

0 0
Read Time:6 Minute, 48 Second

Chưa rõ những ly cà phê đầu tiên ở Sài Gòn được pha thế nào, nhưng theo cố nhà văn Sơn Nam, miền đất mới này đã xuất hiện sớm hai quán cà phê do người Pháp làm chủ là Lyonnais (trên đường Lý Tự Trọng nay) và Café de Paris (trên đường Đồng Khởi) từ năm 1864. Và cà phê dần hình thành một dòng chảy văn hóa, bạn tri âm, tri kỷ của bao lớp người Sài Gòn …

1

Khi chiến hạm Pháp tiến vào Sài Gòn, những giọt cà phê hương bơ cũng dần chảy trên miền đất mới này. Trong ký sự Đông Dương ngày ấy, tay bút phiêu bạt Claude Bourrin kể lại một thời bàn cà phê xếp kín chỗ quanh Nhà hát lớn. Giờ đông khách, mùi cà phê ngào ngạt khắp khu vực.

Trên các đường phố khu vực này, nhiều quán cà phê cũng nhanh chóng xuất hiện như Café de la Musique, Grand Café de la Terrasse, Café des Fleurs… để phục vụ kẻ viễn chinh lẫn người bản địa sớm hấp thụ lối sống phương Tây.

Cặp mắt tinh tế của tác giả cũng nhìn thấy hình ảnh trong khi các ông chồng người Pháp tụ tập tán gẫu ở các quán cà phê này, thì các quý phu nhân đi dạo trên những chiếc xe ngựa leng keng.

Sau đó, nhiều bà quay xe về quán để đón phu quân vẫn đang mải mê với thứ nước thơm nồng. Claude Bourrin cũng không quên nhấn nhá kể lại những lời bình phẩm nhỏ to, mà đôi khi thô tục, của những anh lính viễn chinh về các quý bà người Pháp vốn như hoa hiếm ở Sài Gòn thuở ấy…

Trong chiến tranh 20 năm, một góc khác của Sài Gòn, nhà báo Edith Lederer (hiện là trưởng phân xã AP tại Liên Hiệp Quốc), trong chuyến thăm lại Sài Gòn năm 2010 đã ở lại khách sạn Caravelle và kể lại: “Văn phòng của AP nằm trên tòa nhà Eden. Nhà báo chúng tôi ngồi ở Givral, Brodard, nói đủ chuyện trên đời và nghe ngóng tin tức”.

“Trục cà phê” gồm ba quán La Pagode, Givral, Brodard đã từng một thời là trung tâm báo chí của Sài Gòn. Ở đó, những tên tuổi hàng đầu thế giới về báo chí như Peter Arnett, Larry Burrows… đều từng có thời gian la cà, chờ đợi và chiến đấu với những thông tin nóng bỏng nhất của chiến tranh Việt Nam. Cũng ở cái “trục cà phê” đó, “tướng Givral” Phạm Xuân Ẩn cũng quanh năm la cà cà phê Givral ngay dưới chân văn phòng Hãng tin AP. Ông là phóng viên tờ Time, một nhà tình báo xuất sắc nhất của Việt Nam trong suốt cuộc chiến.

Bây giờ La Pagode không còn, Givral cũng ngừng hoạt động cùng với tòa Eden. Nhưng người Sài Gòn đi ngang qua khu vực ấy vẫn thấy Brodard sáng đèn và tấp nập cà phê ngay ngã ba Đồng Khởi – Nguyễn Thiệp. Tên Brodard vẫn còn đây nhưng “gu” cà phê đã chuyển sang phong vị Gloria Jean’s. Người Việt, khách Tây hòa vào nhau bên ly cà phê. Mỗi năm, khi những người xưa cũ của cuộc chiến tranh Việt Nam quay lại thăm thành phố nhiều ký ức này, Brodard – Gloria Jean’s vẫn làm dấy lên những vùng rất rõ nét trong tâm trí họ. Ở đó, đám nhà báo ngồi, chính trị gia đi lại, thông tin khuấy động, Sài Gòn rung chuyển khi những trang tin đến tay thế giới.

2

Bên cạnh những quán cà phê gắn liền lịch sử, Sài Gòn xưa còn có những quán cà phê bình dân như bộ mặt khác rõ nét và chân thực về người xứ này. Thầy giáo Hoàng Hữu Phước bồi hồi nhớ mãi thuở cầm cốc ra quán cà phê Năm Dưỡng mua cho cha. Ông kể: “Bà chủ cho cả cái vợt đầy bột cà phê nhúng vào bình, vợt lên xuống rồi đổ cà phê ra cốc. Xong bà lại tống nước sôi vào, tiếp tục vợt và đậy nắp lại. Ba tôi ghiền, ông ngoại tôi cũng ghiền”.

Quán cà phê Năm Dưỡng ngày ấy nằm trên đường Nguyễn Thiện Thuật. Cả cái kiểu pha cà phê dùng vợt (còn gọi là “cafe vớ” – vì vợt để bã giống cái vớ) cũng hiếm còn thấy ở Sài Gòn. Sau này bôn ba khắp nơi, ông Phước vẫn nhớ cà phê vợt ngày nào: “Đó là cách pha của các chàng cao bồi, vì khi nấu nước nóng, hương khói tỏa ra nồng nàn cả phòng…”.

Đạo diễn Tường Phương, ngày xưa còn là chàng sinh viên văn khoa Sài Gòn, nhớ mãi chuyện muôn năm cũ: “Bà lão bán cà phê bị hô nhưng lúc nào cũng cười toe toét. Bà biết hết từng người thích gì. Tay vợt vợt cho cà phê ra nước, ông bà bán hàng chẳng lúc nào ngớt chuyện với khách. Quán Năm Dưỡng bình dân nên đông khách, có lúc chẳng có ghế ngồi. Cà phê thơm thiệt thơm”.

Với Tường Phương, cà phê vỉa hè là nơi đã cho ông gặp được những người quan trọng nhất của đời làm phim. Một lần, khi đang tìm hiểu để quay bộ phim tài liệu về quái kiệt cải lương Ba Vân, ông đã được chính nghệ sĩ già này nhắc nhở về những ly cà phê buổi sớm.

Nhà ở Bàu Sen, ông Ba Vân dậy sớm ra chợ Bàu Sen uống cà phê và nhìn người ta chở bông, chở rau quả, rồi buồn vui chuyện trúng mùa, thất bát. Ly cà phê buổi sớm đã giúp ông lão cảm nhận nhân gian thế sự chảy trong máu mình để thăng hoa trong vai diễn.

Ở Sài Gòn, người ta thấy ở quán cóc vỉa hè hoặc tận xó xỉnh nào đó, những bậc thầy văn chương, thi sĩ như Sơn Nam, Bùi Giáng… ngồi cạnh những người xích lô lam lũ. Ông Hoàng Hữu Phước tâm sự: “Hồi ông Bùi Giáng còn sống, đám sinh viên tụi tôi hay đến quán cà phê trong ngõ, đối diện với chùa Kỳ Viên đường Nguyễn Đình Chiểu và gặp ông ngồi đó với ba bốn ông bạn gần tuổi nhau. Rồi tôi cũng thấy ông xích lô bỏ xe ngay đó, vác điếu cày vô ngồi gọi cà phê trong quán”.

Rồi bao chuyện đất và người Nam bộ đã đến với ly cà phê cùng nhà văn Sơn Nam. Cuộc sống và giọt mồ hôi anh xe kéo, ông bốc vác cũng từ ly cà phê ấy mà trôi vào từng dòng tác phẩm của cụ Vương Hồng Sển, vào từng dòng thơ say tỉnh, hư thực của nhà thơ Bùi Giáng.

3

Người Sài Gòn thập niên 1960-1970 cũng khó quên những quán cà phê nghèo khó, thô mộc, mà đôi khi dữ dằn ở những “ốc đảo” Mả Lạng, quận 4 của người nghèo khó, sa cơ lỡ vận, trốn quân dịch, kể cả anh chị giang hồ, bán sương …

Sâu trong hẻm hun hút, tăm tối như hang rắn có những quán cà phê của bà Ba lé, chị Bảy mồ côi, đại ca Năm thọt. Người ta có thể chỉ mặc quần xà lỏn ngồi uống cà phê, sôi nổi chuyện tin đồn, bày kế trốn quân dịch và sẵn sàng chửi thề đủ thứ chuyện trên trời dưới đất.

Nhiều chủ quán không biết nửa chữ cắn làm đôi, nhưng luôn thủ sẵn cuốn sổ nợ cho người uống ghi nợ. Giá ly cà phê rẻ mạt mà lắm kẻ vẫn không trả nổi nợ. Cứ ít hôm chủ quán lại thở dài nghe tin tay anh chị, cô gái “buôn hương” nào đó ở xóm mình không thể trở về. Trang giấy ghi nợ đành phải xé đi vì người bất hạnh đã bỏ thân ở góc hẻm, đầu chợ lạnh lẽo nào đó…

Quốc Việt  –  Lan Phương 

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %
Categories: Uncategorized

Average Rating

5 Star
0%
4 Star
0%
3 Star
0%
2 Star
0%
1 Star
0%

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *