Sức hút mãnh liệt từ một vở kịch liên tiếp ‘cháy ghế’

Published by sieuquantri on

0 0
Read Time:6 Minute, 22 Second

 

Đã hai tuần từ khi vở kịch ‘Hãy khóc đi em’ ra mắt khán giả nhưng khán phòng sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh vẫn không còn một chỗ trống. Vài hàng ghế phụ đã được kê thêm để có thể đáp ứng nhiều nhất nhu cầu của đông đảo khán giả. Nhiều người đặt vé từ nửa tháng trước vẫn chưa được xem và còn rất nhiều người chưa cầm được tấm vé trong tay.

Không phải ngẫu nhiên mà vở diễn lại lên “cơn sốt” và có sức hút dữ dội như vậy. Những ai từng đọc qua truyện ngắn ‘Trăng nơi đáy giếng’ và xem bộ phim cùng tên do Nguyễn Vinh Sơn chuyển thể đến để xem tấm bi kịch của Hạnh được “nhào nặn” ra sao qua bàn tay của đạo diễn Ái Như. Những ai đã từng xem “Hãy khóc đi em” gây rung động một thời tại sân khấu kịch Idecaf bảy năm về trước đến xem lần này câu chuyện được kể lại như thế nào. Còn những ai chưa từng biết qua tác phẩm này tò mò đến để xem câu chuyện này có gì khiến người ta “mê mệt” đến thế.

Vai Thắm cô gái nhà quê đầy mưu mô ẩn sau vẻ bề ngoài thô kệch và bà Thu nhiều chuyện hai mặt đã mang đến những tràng cười nhẹ nhàng cho câu chuyện đầy bi kịch

Vở diễn hấp dẫn người xem bởi những tình huống bất ngờ ẩn dưới vẻ đạo mạo của anh Phương (Quang Thảo) chủ nhiệm hợp tác xã. Phương và Hạnh (Thanh Thủy) cưới nhau đã 10 năm mà không có con. Thương chồng không làm tròn bổn phận của một người con trai, Hạnh cắn răng về quê đưa Thắm (Hồng Ánh) lên đẻ thuê những mong kiếm cho chồng một đứa con nối dõi. Câu chuyện ông chủ nhiệm có hai vợ bại lộ và Phương phải đứng trước sự lựa chọn hoặc mất chức hoặc li dị vợ.

Trước áp lực chồng đang gánh chịu, Hạnh chấp nhận li dị để giữ chức cho chồng. Chỉ nghĩ li dị là hình thức nên ba người vẫn sống chung một nhà, không ngờ chuyện Phương hủ hóa tiếp tục bị dư luận công kích và Hạnh đành mua nhà cho hai người ra riêng, đợi dư luận lắng xuống và Thắm sinh con xong thì đưa chồng con về lại nhà. Thế nhưng, Hạnh đâu có ngờ với việc làm này, Hạnh đã đi nốt nước cờ cuối cùng mà Phương đang bí, vô tình đẩy hai người họ đến với nhau một cách danh chính ngôn thuận.

Có thể những người đã xem Thành Lộc vào vai Phương sẽ tiếc nuối một Phương ranh mãnh, đầy toan tính, nhưng vẻ mặt đạo mạo, đau đớn của Quang Thảo lại làm tốt hơn việc che giấu một âm mưu lừa dối vợ để rồi khi bộ mặt sở khanh đó lộ diện, người xem cảm thấy run lên vì xót xa cho một tình yêu đích thực bị chà đạp. Chính cái bộ mặt đáng thương, đau khổ vì lương tâm luôn cắn rứt, dằn xé giữa bên tình bên hiếu mà Phương đóng giả đã hết lần này đến lần nọ đưa Hạnh vào cái bẫy mình giăng sẵn.

Vẻ bề ngoài đau khổ, đáng thương của Phương đã đánh lừa được Hạnh

Vậy mà khi biết được sự thật phũ phàng, Hạnh vẫn không thể đánh đập, cào cấu Phương mà chỉ chọn cách im lặng để che giấu nỗi đau của mình và để cho Phương hạnh phúc bên vợ con. Một đời yêu và hi sinh cho chồng, Hạnh không mong nhận được gì cho mình, thậm chí cả khi biết chồng lợi dụng và phản bội mình để đi theo một người phụ nữ khác, tình yêu đó vẫn không hề thay đổi.

Dù bị phụ bạc, tình yêu của Hạnh dành cho Phương vẫn không thay đổi

Diễn xuất chín muồi của nghệ sỹ Thanh Thủy đã đưa người xem đi từ nỗi đau này đến nỗi đau khác. Đó là nỗi đau như xát muối vào tim khi chính tay Hạnh phải đẩy chồng vào với Thắm trong đêm hợp cẩn mà đâu có biết hai người đã có thai với nhau rồi. Đó là nỗi đau cắt da cắt thịt khi biết được sự thật về người chồng mình một đời tôn thờ. “Ngôi nhà là của Phương, Phương là của Thắm, con chim là của bầu trời, người rơm là của cánh đồng, còn tôi, tôi không có gì cả” – một câu nói như xé lòng qua ánh mắt đờ đẫn của Thanh Thủy khiến khán giả nghẹn lòng và bật khóc.

“Phương là của Thắm, chim là của trời, còn tôi, tôi chẳng có gì”

Nhưng may mắn thay, cuối cùng Hạnh cũng có thể bật khóc, tiếng khóc bật ra từ tận cùng nỗi đau. Khán giả trào nước mắt nhưng thở phào vì từ nay Hạnh sẽ bình yên. Trong cuộc đời là bể khổ này, không ai lại không trải qua những phen ở tận cùng nỗi đau như thế, nhưng mỗi người, bằng cách riêng của mình hãy tìm cách giải tỏa nó, phải biết quên để còn bước tiếp.

Tiếng khóc bật ra từ tận cùng nỗi đau là cách giải thoát cho Hạnh tìm được sự thanh thản trong tâm hồn

Dù không phải là nhân vật chính, nhân vật Hướng (Thành Hội) chính là điểm sáng của tác phẩm, mở một lối ra cho cuộc tình tưởng chừng như bế tắc của Hạnh. Hướng yêu Hạnh từ khi hai đứa còn cởi truồng đi tắm mưa, cho đến khi Hạnh lấy chồng, anh vẫn lặng lẽ dõi theo cuộc đời Hạnh và làm một chỗ dựa vững chắc để Hạnh nương vào khi không còn lại gì trong cuộc đời này.

Phó chủ nhiệm Hướng, một điểm sáng của tác phẩm, là cầu nối đưa Hạnh trở lại với cuộc đời

Không ít người đã trách mắng tại sao Hạnh lại mù quáng như thế. Tình yêu là như thế, người ta có thể yêu và hy sinh hết bản thân mình vì người khác mà không cần được đáp trả. Hạnh và Hướng đã sống và yêu một tình yêu đích thực. Dẫu đau đớn, khổ sở, chưa chắc họ đã bất hạnh hơn những người không biết tình yêu là gì, và cũng chưa một lần yêu và được yêu thật sự như Phương và Thắm.

Tấn bi kịch khép lại bằng một kết thúc có hậu và mở ra cho người xem niềm tin về một hạnh phúc xứng đáng dành cho Hạnh

Một câu chuyện cũ được tái dựng bằng một đường dây câu chuyện mới, một kết cấu mới, cùng những nhân tố mới đã thổi vào vở diễn một sức sống mới, cuốn hút và ám ảnh. Vở kịch khép lại, mỗi người sẽ có một cách nhìn nhận khác nhau về tình yêu và soi rọi lại mình để dù đau khổ vẫn biết cách gượng dậy và tiến về phía trước.

Vở kịch ‘Hãy khóc đi em’ (tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn Ái Như chuyển thể từ truyện ngắn ‘Trăng nơi đáy giếng’ của nhà văn Trần Thùy Mai) tiếp tục đến với khán giả TP. HCM vào các tối 21-8, 26-8,27-8, 9-9 và 11-9 tại sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh (36 Lê Quý Đôn, Q1).

Theo 24h.com.vn

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %

Average Rating

5 Star
0%
4 Star
0%
3 Star
0%
2 Star
0%
1 Star
0%

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *