Tết xa nhà của những du học sinh
Hà Lan và những nỗi niềm
Xứ sở hoa Tulip là nơi mà Trần Thị Ngọc Yến (K46E) đang sinh sống và học tập. Tham gia FTUCharm 2010, Ngọc Yến để lại nhiều ấn tượng qua nét dịu dàng Á Đông nhưng không kém phần cá tính và mạnh mẽ của mình.
Như bao quốc gia phương Tây khác, Hà Lan không có Tết, và dĩ nhiên không có sự rộn ràng tấp nập trên đường phố, không có cảnh mua sắm chuẩn bị cho thời khắc thiêng liêng của một năm. Tuy nhiên, cộng đồng người Việt hay lãnh sự quán Việt Nam tại Hà Lan vẫn tổ chức những chương trình đón Tết cho những người con Việt. Tại nhà riêng của mình, Yến và những bạn bè Trung Quốc trưng bày những tấm giấy đỏ viết câu đối treo trong phòng khách sinh viên Việt Nam. Những người bạn đa văn hóa khiến Yến biết thêm nhiều những câu chuyện và những trải nghiệm thú vị về cách đón Tết của mỗi dân tộc.
Những ngày Tết xa nhà, hơn bao giờ hết, Yến càng hiểu rõ hơn thế nào là gia đình, là cội nguồn; có đi đâu rồi mới thấy không nơi đâu bằng nơi chôn nhau cắt rốn, quê cha đất tổ. “Yến nhớ quay quắt cảm giác chộn rộn khi cùng mẹ đi chợ hoa, mua trái cây về bày biện mâm ngũ quả. Xa nhà rồi mới biết, những niềm vui giản dị ấy quý báu biết chừng nào”. Như bao người con xa quê khác, Yến luôn ấp ủ một ngày được trở về: “Yến dự định tốt nghiệp khóa học vào tháng 7, đi làm ở Hà Lan một năm, sau đó học lên Master rồi quay về làm việc tại Việt Nam”. FTUNEWS chúc cho những dự định của Ngọc Yến sẽ sớm trở thành hiện thực.
Cô gái của “Dạo phố Sài Gòn” và cái Tết đầu tiên ở Phần Lan
“Năm nay Vy đón Tết Tây ở xứ Ta và đón Tết Ta ở xứ Tây” – đó là tâm sự của Nguyễn Thái Trúc Vy (K48F), cô bạn với tách café thư ấm sực ‘Thư từ miền có tuyết’ trên FTUNEWS số tháng trước. Khóa học ở Phần Lan bắt đầu chính thức từ tháng 2 nên du học sinh vẫn có thể ăn Tết ở Việt Nam; tuy nhiên, Vy lại sang sớm hơn, đơn giản vì cô muốn tuổi 20 của mình có thêm một trải nghiệm mới – “đón Tết ở nước ngoài’.
Nguyễn Vy bắt đầu mùa Tết ở Phần Lan với cái lạnh giá của bốn bề tuyết phủ, với một buổi party nho nhỏ với cộng đồng du học sinh Việt Nam. Lạnh và cô đơn nhưng Vy biết làm ấm mình bằng cách sống hòa nhập, bằng cách tập cho mình sống và suy nghĩ thật, chiêm nghiệm để luôn giữ cho mình được thăng bằng trong những ngày đầu không ít khó khăn trên xứ người. Sẵn sàng đối mặt với những thử thách khi tự lập bắt đầu một cuộc sống mới nhưng vẫn không khỏi canh cánh trong lòng nỗi nhớ nhà nhớ quê. “Nhớ nhà là gì? Đó đơn giản là những lúc tôi đi chợ thấy khóm “sale” lập tức trong đầu tôi nhớ ngay đến nồi canh chua bông điên điển nghi ngút khói của bà. Đó là từ ngày đến đây, tôi chưa bao giờ khóc vì những khó khăn mà mình gặp phải, nhưng khi nói chuyện với mẹ, mẹ bảo ba nhớ tôi, khi cúp máy, tôi thấy mắt mình ầng ậc nước.”Với Vy,cuộc sống hình trôn ốc, trên nẻo đường ta đi, chúng ta vừa rất giống cũng vừa rất khác ta của ngày hôm qua, chúng ta sẽ không còn là chúng ta nữa nếu không biết nhìn lại, ko biết quí trọng mảnh đất quê hương mình. Với cô, sự ra đi nào cũng hò hẹn trong đó ngày trở lại. Chúc cho Nguyễn Vy, cô gái bé bỏng với nghị lực và khao khát ôm trọn những khoảnh khắc sống sẽ ngày càng thành công hơn trên con đường học tập và sáng tác của mình.
Những dòng tự sự của Nguyễn Vy
Ra đi là để ấp ủ một ngày quay trở về. Nếu không tự mình đối đầu với thử thách để gặt hái trải nghiệm thì bất cứ chông gai nào cũng đơn thuần chỉ là một cách gọi tên, và hạnh phúc nào cũng chỉ là một chấp nhận hiển nhiên chưa kiểm chứng. Có xa nhà xa quê mới biết quê hương và gia đình quan trọng biết bao nhiêu. FTUNEWS xin gởi một cái ôm ấm áp cho những người bạn đón Tết trên đất khách, mong những bước chân ấy sẽ ngày càng vững chải và bước đi thật xa. Vì chúng tôi, vẫn luôn dõi theo bạn.
Thanh Tâm