TOP 10 TIN KINH TẾ HOT NHẤT TUẦN 24-30/10/2016

TOP 10 TIN KINH TẾ HOT NHẤT TUẦN 24-30/10/2016

Published by nhathuy.ftunews on

0 0
Read Time:8 Minute, 40 Second

(FTUNEWS) – Cùng FTUBIZ điểm qua 10 sự kiện kinh tế nóng hổi trong tuần qua bạn nhé!

1. Người dân miền Tây đổ tiền mua vé số

9 tháng của năm 2016, người dân khu vực phía Nam bỏ ra trên 50.000 tỷ đồng mua vé số kiến thiết. Nhiều nhất là miền Tây, có tỉnh công ty xổ số thu về hàng nghìn tỷ đồng. Câu chuyện thiếu phụ 32 tuổi bán thịt heo ở Trà Vinh trúng số “kiểu Mỹ”, với tổng giải thưởng trên 92 tỷ đồng đã khiến người mua thường xuyên ra vào các đại lý vé số và ai cũng hy vọng ít nhất một lần được “thần tài gõ cửa”. Có thể lý giải hiện tượng trên vì những lí do như: Mua vé số lâu ngày cũng thành “nghiện”,  mua vé số mong đổi đời, giúp người nghèo, mua vé số không bị coi là cờ bạc. Và có lẽ khát khao được trở nên sung túc hơn đã thúc giục người dân nơi đây ra vào các đại lý vé số ngày một gia tăng.

2. Cuộc chiến “không đường” của Coca và Pepsi

Sau Pepsi, đại gia Coca cũng đã “tuyên chiến” khi ra quyết định hạn chế sử dụng đường trong các thức uống của họ. Trước xu hướng sức mua nước giải khát có gas giảm vì ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy tác hại của việc tiêu thụ đường thái quá, Pepsi và Coca-Cola cần vạch ra những chiến lược mới: tìm cách đa dạng hoá sản phẩm của họ và kích cầu các sản phẩm thay thế như trà, cà phê và nước đóng chai. Một cách để đối phó với sức tiêu thụ giảm sút của nước giải khát có gas là giảm kích cỡ của lon và chai nước. Cắt giảm kích cỡ bao bì cũng khiến hai công ty ghi điểm với các tổ chức chống béo phì. Tuy nhiên, cả hai đại gia đều không muốn từ bỏ món nước có gas đã làm nên tên tuổi của họ. Có điều, sản phẩm nước giải khát có gas sẽ không còn là sản phẩm chủ lực của họ nữa. Đáp ứng cầu của khách hàng là yếu tố quyết định sự tồn tại của hai doanh nghiệp này, chứ không hoàn toàn là vì lý do sức khoẻ của người tiêu dùng.

3. Người dùng Việt Nam có thể kiểm tra tắc đường trên Google Maps

Hiện tại, dữ liệu bản đồ của Google tại Việt Nam đã cho phép người dùng kiểm tra tình trạng kẹt xe, tắc đường với độ chính xác chưa được kiểm chứng. Để có thể kiểm tra tình trạng tắc đường, kẹt xe trên Google Maps, bạn cần cập nhật lên phiên bản mới nhất của ứng dụng này. Mở Google Maps và chọn tab Traffic (Giao thông) ở Menu bên trái màn hình. Lúc này, các tuyến đường sẽ được hiển thị bằng các đường kẻ màu xanh, màu vàng cam và màu đỏ tương ứng với tình trạng giao thông tốt, đông xe và tắc đường. Ứng dụng Google Maps trên cả 2 hệ điều hành di động phổ biến là Android và iOS đều đã có thể sử dụng tính năng trên đây. Quả là một tin vui cho người dân Việt Nam đúng không nào?

4. Việt Nam vượt Trung Quốc, đứng thứ 3 châu Á về hấp dẫn đầu tư

Việt Nam được bầu chọn là điểm đến hấp dẫn thứ ba tại châu Á đối với các doanh nghiệp châu Á. Còn tính riêng tại Đông Nam Á, Việt Nam là lựa chọn sáng giá thứ nhì, chỉ thua Singapore – theo khảo sát mới nhất do ngân hàng United Overseas Bank (UOB) của Singapore tiến hành. Trong số 2.500 lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp đến từ 6 vùng lãnh thổ tại châu Á là Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan, 28% cho biết họ muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Tỷ lệ này chỉ kém so với mức 32% của Singapore và 29% của Nhật Bản, nhưng cao hơn nhiều mức 22% những nhà đầu tư chọn Trung Quốc.

5. 2017 – năm bùng nổ 4G tại Việt Nam

Việt Nam đã chuẩn bị gần như đầy đủ cơ sở hạ tầng và hành lang pháp lý để tiến lên 4G ở chuẩn cao nhất, dự kiến thay thế được 3G trong 2-3 năm tới. Tuy vậy, cho đến thời điểm cuối năm 2016, chỉ một vài nhà mạng được cấp phép cho chuẩn kết nối này, lượng người dùng được tiếp cận 4G cũng khá hạn chế. Đã có 4 nhà mạng được cấp phép, và số lượng sẽ tăng dần. Các nhà mạng đang tập trung vào LTE, hướng tới nhanh chóng phủ sóng toàn quốc. “Lợi thế là Việt Nam sẽ lên ngay công nghệ mới nhất 4G LTE với tốc độ lên đến 1Gb/s”, theo ông Thiều Phương Nam, Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương. Dù 4G vẫn chưa phổ biến nhưng Việt Nam cần chuẩn bị cho 5G ngay từ bây giờ. 5G sẽ mở ra những chân trời mới cho ngành công nghệ, đẩy mạnh các thiết bị thông minh, các thành phố thông minh. Tuy vậy, độ mới mẻ của nó cũng khiến các tổ chức liên quan phải chuẩn bị từ sớm.

6. Vinamilk thu 128 tỷ đồng mỗi ngày

Tính riêng trong quý III, Công ty Sữa Việt Nam – Vinamilk (Mã CK: VNM) đạt gần 12.270 tỷ đồng tổng doanh thu và 3.045 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng lần lượt 16% và 19% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vinamilk đạt 35.127 tỷ đồng doanh thu, tương đương 128 tỷ đồng mỗi ngày, tăng 17,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 9.033 tỷ đồng, tăng 27,6%. Trong 10 doanh nghiệp lớn Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) xây dựng lộ trình bán hết vốn, phần vốn tại Vinamilk đã được SCIC lựa chọn để thoái đầu tiên, dự kiến thực hiện ngay trong năm 2016.

7. Zalo có 2 triệu người dùng ở Myanmar

Ứng dụng tin nhắn của Việt Nam đã bắt đầu lan toả tại Myanmar, với 2 triệu người dùng thường xuyên. Lí do chọn Myanmar vì quốc gia này giàu tiềm năng với 52 triệu dân và đang ở giai đoạn mở cửa. Công nghệ phát triển nhưng hạ tầng lại chưa thay đổi kịp để đáp ứng nhu cầu, kết nối Internet còn khá yếu và smartphone phổ biến là các dòng máy giá rẻ – khá giống với Việt Nam lúc Zalo ra mắt vào cuối năm 2012. Trong số 2 triệu người dùng, nhiều nghệ sĩ lớn của Myanmar như Nay Toe, Tun Tun, Thun Set cũng đang là thành viên tích cực của Zalo. Theo đánh giá của giới công nghệ nước này, ứng dụng Việt được ưa thích là nhờ kết nối nhanh, ổn định và là ứng dụng duy nhất hỗ trợ ngôn ngữ và nội dung địa phương tính đến thời điểm hiện tại. Theo người sáng lập Zalo, kỳ vọng của ông là phần mềm nhắn tin của Việt Nam sẽ chiếm được 50% thị phần tại Myanmar.

8. Hàng nghìn mặt hàng sẽ vào Việt Nam với thuế 0% nhờ ACFTA

Các nước thành viên ACFTA là Trung Quốc, Philippines, Thái Lan, Singapore, Myanmar, Malaysia, Lào, Indonesia, Campuchia, Brunei. Theo cam kết khi tham gia ACFTA, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan của 90% số dòng thuế trong vòng 10 năm, linh hoạt đến lộ trình cuối cùng vào năm 2018. Số dòng thuế còn lại Việt Nam cam kết cắt giảm về từ 5% đến 50% vào cuối lộ trình là năm 2020. Trong khi đó, Trung Quốc cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 95% số dòng thuế vào năm 2011. Số dòng thuế nhạy cảm còn lại, Trung Quốc cam kết cắt giảm về 5% đến 50% vào cuối lộ trình là năm 2018.

9. Unilever nhận ‘mưa’ giải thưởng Mobile Marketing

MMA Smarties là giải thưởng danh giá của Hiệp hội Mobile Marketing toàn cầu, được tổ chức với mục tiêu tìm ra những sáng kiến, ý tưởng mới dẫn dắt thị trường Tiếp thị di động (Mobile Marketing), tôn vinh những thành tựu tiếp thị di động xuất sắc trên cả ba cấp độ: Quốc gia, khu vực và thế giới. Với 22 đề cử vào vòng chung cuộc của MMA Smarties Awards Viet Nam 2016, Unilever Vietnam đã dành được tới 15 giải. 14 giải dành cho các chiến dịch mobile xuất sắc trong tất cả hạng mục từ Chiến dịch tiếp thị, Chiến lược truyền thông, Kích hoạt công nghệ mới đến Giải thưởng sáng tạo. 5 Giải vàng, 4 giải bạc & 5 giải Đồng. So với 8 giải của năm 2015, năm nay Unilever đạt gần gấp đôi số giải năm trước.

10. Airbus tham vọng phát triển taxi bay không người lái

Gã khổng lồ ngành vũ trụ hàng không châu Âu đang phát triển một dự án đầy tham vọng tại Thung lũng Silicon gọi mang tên Vahana – máy bay chở khách không người lái – không cần đường băng, tự lái và có thể phát hiện cũng như tránh các chướng ngại vật hoặc các phi cơ khác. Theo CNN, Vahana có thể cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng. Máy bay có các thanh chống giống trực thăng, hai bộ cánh nghiêng với 4 động cơ chạy bằng điện ở mỗi trục. Tất nhiên, taxi bay không người lái gây ra một số quan ngại về vấn đề an toàn. Airbus nói rằng công nghệ xác định vật cản và tự tránh sẽ được sử dụng để ngăn những va chạm tiềm năng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chuẩn bị dù trong thiết kế, phòng trường hợp động cơ máy bay bị trục trặc.

FTUBIZ TEAM

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %
Categories: Vitamin Biz