TOP 7 SỰ KIỆN KINH TẾ HOT NHẤT TUẦN 19/9 – 25/9/2016

TOP 7 SỰ KIỆN KINH TẾ HOT NHẤT TUẦN 19/9 – 25/9/2016

Published by ftunews2 on

0 0
Read Time:6 Minute, 11 Second

(FTUNEWS) – Sáng chủ nhật vừa qua, Ngoại thương một lần nữa trở nên nhộn nhịp với sự ra mắt của 17 CLB đội – nhóm, thu hút rất nhiều các tân binh K55. Dường như “đứng” sẽ không bao giờ là khái niệm trong từ điển của Ngoại thương. Đó cũng là điểm giống nhau khá thú vị giữa Ngoại thương và nền kinh tế. Cùng FTUBIZ đón xem kinh tế tuần này “chạy” nhanh như thế nào nhé.

1. Viettel – Top 30 Tập đoàn viễn thông có lượng khách hàng lớn nhất thế giới

Tính đến tháng 9, Viettel đã chính thức cán mốc 26 triệu khách hàng tại 9 thị trường nước ngoài, nâng số lượng khách hàng của Viettel trên toàn cầu lên 90 triệu người. Về doanh thu 6 tháng đầu năm từ các thị trường nước ngoài của Viettel đạt 493,8 triệu USD, tăng trưởng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi những nhà mạng trước đây chỉ chủ yếu đầu tư ở các thành phố lớn, Halotel (thương hiệu Viettel tại Tazania) phủ sóng di động khắp toàn quốc với vùng phủ lên đến 95%, vươn đến tận những vùng sâu vùng xa. Nhờ vậy, Halotel đạt tốc độ tăng trưởng con số tuyệt đối về thuê bao nhanh nhất từ trước tới nay: 1 triệu khách hàng sau 3 tháng và 2 triệu khách hàng sau 9 tháng.

cap_quang_viettel_hcm-161

2. Cuộc đua giảm thuế “chạm đáy” ở Đông Nam Á

Nhằm mục đích thu hút các công ty nước ngoài, một số quốc gia Đông Nam Á đang nỗ lực cắt giảm thuế doanh nghiệp. Việt Nam đang xem xét cắt giảm thuế cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể giảm từ 20% xuống còn 15% đến 17%. Tại những thành phố nhỏ và làng xã xa xôi, mức này có thể chỉ còn 10%. Bên cạnh đó, Philippines dự kiến sẽ cắt giảm từ mức thuế khá cao 30% xuống còn 25% vào khoảng cuối năm 2017. Trong tháng 3 vừa qua, Thái Lan cũng đã giảm thuế doanh nghiệp từ 30% xuống còn 20%. Ấn Độ đang nỗ lực hợp nhất thuế doanh nghiệp tại các vùng thành một loại thuế chung được áp dụng cho hàng hóa và dịch vụ quốc gia, với hy vọng thu hút vốn đầu tư nước ngoài giúp  nâng GDP đầu người tại Ấn Độ lên 0,5%.

3. Sau Panama, lộ hồ sơ về thiên đường trốn thuế Bahamas

Bộ dữ liệu gồm 1,3 triệu tập tin liên quan đến gần 176.000 tổ chức và công ty ma đăng ký tại Bahamas, một trong những thiên đường thuế khét tiếng nhất thế giới, vừa bị lộ. Có nhiều lý do để các công ty chọn đặt cơ sở tại Bahamas nhưng chủ yếu là lợi dụng sự vắng mặt của các loại thuế đánh vào thu nhập, lợi nhuận, tăng vốn cũng như kế thừa của công ty. Việc đăng ký doanh nghiệp chỉ gồm tên và địa chỉ của giám đốc và cán bộ nhưng không có tên chủ sở hữu của công ty. Tuy nhiên, trước những truy vấn về hồ sơ trong cuộc chiến chống trốn thuế và rửa tiền, Bộ Dịch vụ Tài chính Bahamas cho biết, họ cam kết minh bạch.

4. Startup khiến 15 ngân hàng hàng đầu thế giới “phát cuồng”

Ripple –  một startup được gã khổng lồ Google chống lưng – sử dụng công nghệ thuật toán chuỗi khối (blockchain) để hỗ trợ tăng tốc giải quyết các giao dịch tài chính giữa những ngân hàng lớn hàng đầu thế giới, vừa vận động góp vốn thành công với số tiền lên đến 55 triệu USD.  Ripple cam đoan rằng công nghệ của họ có thể giúp các ngân hàng giảm đi 33% chi phí hoạt động trong toàn bộ quá trình này, đồng thời cho phép bên chi tiền chuyển núi tiền đó chỉ trong “vài giây”. Với công nghệ hấp dẫn của mình, Ripple giờ đây đã trở thành đối tác của 15/50 ngân hàng quốc tế hàng đầu trên thế giới, trong đó có cả UBS và Santander, theo CNBC.

logo12x

5. Kinh tế thế giới như “rắn mất đầu”?

Nền kinh tế toàn cầu đang gặp phải một vấn đề nghiêm trọng: không nước nào sẵn sàng hoặc đủ khả năng dẫn dắt tăng trưởng toàn cầu. Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ trì hoãn nâng lãi suất trong tuần này. Trung Quốc thì đang tái cơ cấu nền kinh tế nhằm giảm phụ thuộc vào xuất khẩu. Châu Âu cũng đang phải vật lộn khắc phục những hậu quả của sự kiện Brexit nhằm tránh nguy cơ tan rã của khối này. Kết quả của tình trạng trên là tăng trưởng của kinh tế thế giới sẽ vẫn mắc kẹt trong mức từ 2-3%, kéo dài từ năm 2010 đến nay. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ không sẵn sàng để nước này gánh vác nhiều trách nhiệm như trước nữa. Trung Quốc đã tăng cường đầu tư và cho vay doanh nghiệp để thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đang phải vật lộn với hậu quả của những chính sách trên – dư thừa công suất và tỷ lệ nợ công cao, và không muốn tiếp tục vai trò đầu tàu nữa.

6. Cổ phiếu Apple lao dốc sau sự sụt giảm doanh số iPhone 7

Ngay khi thông tin doanh số bộ đôi iPhone 7 được hãng nghiên cứu thị trường GFK tiết lộ, cổ phiếu của Apple đã giảm 1,67% trên thị trường chứng khoán. Theo Business Insider, các báo cáo mới nhất từ hãng GFK (Đức) đã khiến các nhà đầu tư Apple cảm thấy lo lắng khi doanh số bán hàng của bộ đôi iPhone 7 không như kỳ vọng.  Doanh số thực tế thấp hơn đến 25% so với cùng kỳ năm trước theo các số liệu được thống kê từ thị trường châu Á và châu Âu. Trong khi đó mức độ tăng giảm tại thị trường Mỹ hiện vẫn chưa được công bố.

7. Apple gây xôn xao dư luận với những bằng sáng chế khó hiểu

Apple không chỉ thu hút sự chú ý của người dùng và giới truyền thông bằng việc ra mắt bộ đôi iPhone 7/7 Plus mà còn khiến thị trường công nghệ thế giới xôn xao với việc đăng ký hai bằng sáng chế mới chẳng liên quan đến những lĩnh vực hoạt động của họ. Trong đó có bằng sáng chế túi giấy của Apple vào tuần qua. Túi giấy mang thương hiệu Apple sẽ gồm thân túi làm bằng giấy trắng sử dụng 60% vật liệu tái chế. Không chỉ sản xuất túi giấy, dường như Apple còn có ý định lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp khi đăng ký bằng sáng chế mới: chậu cây. Thật khó có thể đưa ra bình luận hay nhận định về những bằng sáng chế kiểu này. Apple muốn chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất túi giấy để tạo thêm nguồn thu cho hãng?

applelaidangkybangsangchemoimotcaichaucay

FTUBIZ TEAM

 

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %
Categories: Vitamin Biz