Đường Lê Duẩn là một trong những con đường xưa nhất Sài Gòn thời Pháp thuộc. Trên suốt tuyến đường này có rất nhiều dấu ấn đặc biệt, ngay cả bản thân con đường cũng là một điều rất đặc biệt.
Bắt đầu từ năm 1871, đường này mang tên Norodom, vì Dinh Thống Nhất lúc đó gọi là Dinh Norodom. Đến năm 1950, khi Hoàng đế Bảo Đại lập chính phủ, đặt thủ đô tại Sài Gòn, thì dinh Norodom được đổi tên lại là Dinh Độc Lập và đường Norodom được đổi thành đường Thống Nhất.
Đường Norodom (nay là đường Lê Duẩn).
Sau ngày 30/4/1975, khi Dinh Độc Lập đổi tên thành Dinh Thống Nhất thì đường Thống Nhất cũng đổi thành đường 30 tháng 4. Mãi đến năm 1986, sau khi đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam qua đời, UBND TP.HCM mới đổi tên thành đường Lê Duẩn.
Đường Lê Duẩn không dài, chỉ khoảng 2km, nhưng sạch sẽ, thoáng đãng và tuyệt vời nhất là không bao giờ bị kẹt xe, đây là điều cực kỳ hiếm thấy ở TP.HCM.
Ngoài ra, đây còn là con đường thẳng tắp nối liền hai điểm xanh đỏ của Sài Gòn, một là Thảo Cầm Viên – lá phổi xanh của Trung tâm thành phố và một là biểu tượng đỏ Anh hùng của thành phố – Dinh Thống Nhất.
Không có một con đường nào lại mang nhiều di tích xưa như đường Lê Duẩn. Ngoài Dinh Thống nhất, Thảo Cầm Viên (Sở Thú), còn có Nhà Thờ Đức Bà, trại lính Ông Dèm trong chiến tranh (là trại lính thuộc địa số 11) ngày nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.
Bên cạnh đó, trên con đường mang tên Lê Duẩn đã diễn ra rất nhiều sự kiện lịch sử của Sài Gòn.
Theo hồi ức của GS.Trần Văn Giàu, vào đêm 24/8/1945, cả Sài Gòn chẳng mấy ai ngủ được, nhà nhà đều đốt đèn thức thâu đêm để may cờ hoặc đi xem tốp thợ của Huỳnh Tấn Phát dựng một cái cột vuông cao hai tầng lầu ở ngã tư Charner Bornard (bây giờ là đường Nguyễn Huệ – Lê Lợi).
Trên mặt vải đỏ có ghi chữ trắng danh sách các vị trong Ủy ban hành chánh lâm thời sẽ được công bố sáng mai. Nhiều người khác thức để đi xem tốp thợ xây sau nhà thờ Đức Bà, trước Dinh Toàn quyền cũ một cái bệ cao 2 thước, đủ rộng để sáng mai Ủy ban khởi nghĩa đứng hiệu triệu toàn dân.
Quá nửa đêm, các đoàn thể trong và ngoài Việt Minh, vùng ngoại ô kế cận đã tập hợp. Hừng sáng, cùng với nông dân các tỉnh kéo đến trung tâm thành phố – Đại lộ Norodom (Lê Duẩn).
Từ Dinh Toàn quyền ra vườn cây sâu rộng lớn đến cửa Sở Thú; từ Nhà thờ Đức Bà lên hồ Con rùa toàn người là người.
Trong một rừng vũ khí từ tầm vông đến súng trường, tiếng hát vang trời, tiếng tu huýt khắp nơi có cảm giác như tiếng biển cả đang gầm thét.
Mùa Xuân năm 1975, một lần nữa con đường Lê Duẩn trở mình cùng lịch sử khi vinh dự đón những chiếc xe tăng của các chiến sĩ quân Giải phóng.
Hẳn trong mỗi người dân Sài thành đều nhớ như in hình ảnh chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập vào lúc 10h20′ ngày 30/4/1975 đánh dấu lịch sử thành phố Sài Gòn bắt đầu bước sang một giai đoạn mới.
Sau năm 1975, đường Lê Duẩn luôn được lựa chọn là nơi diễn ra những sự kiện lớn: Từ những cuộc diễu hành, duyệt binh, những sự kiện thể thao văn hóa đến những hoạt động từ thiện.
Vào những kì nghỉ cuối tuần, công viên 30 tháng 4 trước cổng Dinh Thống Nhất luôn tập trung đông đảo các bạn trẻ, các em thiếu nhi và du khách đến nghỉ ngơi, thư giãn.
Thả bộ trên đường Lê Duẩn ngày nay, người ta có thể cảm nhận hơi thở đặc trưng của Sài thành, một thành phố muôn màu muôn mặt, nơi lịch sử và hiện tại có thể hòa trộn với nhau; nơi mà một phút lắng mình vẫn có thể tìm ra dòng chảy sôi động.
Ngay góc đường Nguyễn Bỉnh Khiêm – Lê Duẩn thoáng hình ảnh một góc đường Singapore hiện đại, người ta có thể ngồi gõ laptop, bàn công việc trong một quán cafe ngay dưới tòa Petro và có thể ngồi chống cằm ngó sang bên kia đường ngắm Thảo Cầm Viên – nhớ lại một thời thơ ấu của những đứa trẻ thành phố và những tỉnh lân cận đã háo hức khi được đi chơi Sở Thú.
Cũng trên đường Lê Duẩn, người ta có thể thỏa thê mua sắm, vui chơi trong các trung tâm như Diamond, Kumho…
Tại con đường này, người ta vẫn có thể tìm cho mình một góc thả lỏng dưới một tán cây trong công viên. Chỉ cần mua một ly kem, một cốc cafe và ngồi trên ghế đá quan sát người ta sẽ cảm nhận được một Sài Gòn bình yên, sống chậm đến bất ngờ.
Trải dọc con đường xinh đẹp ấy, là các cơ quan Chính phủ hoặc các địa điểm tham quan du lịch. Những plaza cao ngất ngưởng, lãnh sự quán bề thế, một nhà thờ Đức Bà như tạc vào năm tháng, một Dinh Độc Lập sống trong khói lửa chiến tranh.
Tất cả, quá khứ, hiện tại, có thể cả tương lai vẫn đang từng bước dọc theo con đường này.
Theo saigonnews