Trở lại – Một cuốn sách có ích cho giới trẻ

Published by sieuquantri on

0 0
Read Time:7 Minute, 21 Second

Xét về khái niệm “xê dịch”, rõ ràng nó khác xa về tính chất so với cụ Nguyễn Tuân trước kia, tìm đến xê dịch trong tâm trạng bất mãn.

Những típ thanh niên Tây phương bây giờ cũng không còn xa lạ đối với các bạn trẻ Việt Nam, nếu không muốn nói quen thuộc. Học sinh, sinh viên, những công chức trẻ hiện nay, nếu điểm trên những tấm hộ chiếu, visa, số lượng đóng dấu thị thực trên tờ thông hành của họ đếm con số trên 5 là khá dễ dàng.

Nguyễn Nhật Lâm có lẽ cũng xuất hiện trong trào lưu này, có thể xuất phát từ một hobby (sở thích), đã thành một khái niệm hoàn toàn phổ thông có mặt trên các diễn đàn mạng: đi Phượt. Những anh chàng bụi phủi cuối tuần trên chiếc Min-khơ rong ruổi các thị trấn miền núi Sa Pa, Lào Cai, hay chờ kỳ lương khám phá Tây Tạng, Nepal…, các chân trời mà họ quan niệm “Sống chỉ có một lần, không thể đóng khung tầm mắt!”. Con người là một điểm chấm nhỏ bé trong thế giới bao la, hãy cứ đi, đi, và đi.

Xuất phát từ cuốn hồi ký cho những chuyến đi, chàng doanh nhân trẻ 8X – Nguyễn Nhật Lâm, người nổi tiếng với biệt hiệu “Lâm dế” một thời, người sở hữu tiền tỉ ở tuổi đôi mươi và được khá nhiều báo đài, truyền hình ca ngợi – sau nhiều năm vắng bóng quyết định lựa chọn cách “tái xuất giang hồ” ở một lĩnh vực mà có lẽ chính tác giả cũng không ngờ: cho ra mắt cuốn sách rút hết tâm huyết của cậu trên quãng đường bôn ba sự nghiệp.

Khi cầm bút, chàng doanh nhân “dế” này cũng kỳ vọng qua cuốn sách sẽ “tổng kết” lại thực trạng một thế hệ mới thanh niên Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI – bị trào lưu xã hội hóa “nhấn chìm”.

“Trở lại” là một cuốn sách xinh xắn, bìa có chiều sâu, và in đẹp, 108 trang, gói ghém hai cuộc hành trình. Cuộc hành trình thứ nhất kể về những ngày tháng bôn ba bảy quốc gia châu Á. Bắt đầu từ cửa khẩu Móng Cái, sang Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia. Tác giả đi và sống bằng rất nhiều công việc khác nhau, phục vụ quán ăn, dạy học, hướng dẫn viên du lịch, nhân viên giao hàng, phụ hồ, đánh giày, thậm chí xin ăn. Chuyến đi không mệt mỏi với những plan phát sinh không ngừng nghỉ.

Đối với nhân vật chính của cuộc hành trình, không có khái niệm chữ “ngại”, không phải cậu chỉ không muốn ngáng chân mình ở ngoài khái niệm domestic guy (chàng trai nội địa) mà cậu nghĩ cậu có tuổi trẻ, tư chất của cậu là của một thanh niên thời đại, cần phải khao khát đến được với những vùng đất mới.

“Tôi định sẽ đi về phía tây để tới châu Âu, đến cái đích cuối cùng là thủ đô ánh sáng – Paris.”

Cái “tôi định” của Nhật Lâm ban đầu trong kế hoạch của cậu, mục tiêu là được trải nghiệm, tìm hiểu cách sống, được gặp gỡ người dân các nước bản địa, sẽ là lực đẩy đưa cậu tới Paris, tận mắt ngắm kinh đô hoa lệ. Thế nhưng, xê dịch rất nhiều, từ đích đến là Paris, cuối cùng cậu lại lang thang ở bảy nước châu Á. Gặp những người bạn tốt không ngờ, những mối tình, nhưng rung động…, cuối cùng cũng không đủ níu kéo bước chân chàng thanh niên nhiều khát vọng.

Với cá tính độc lập, duy mỹ, yêu tự do, nhân vật chính dẫn bạn đọc đi từ đầu đến gần cuối những trang viết, khiến bạn đọc bị lôi cuốn từ cảnh huống này đến bất ngờ khác trên khắp các chặng đường. Song, nếu đọc mãi bạn sẽ bắt đầu hoài nghi. Lẽ nào cuốn sách này chỉ dừng lại là một sự mô tả? Hay so sánh một cách hơi quá lên là thông điệp của “Trở lại” phải chăng chỉ dừng lại như tiểu thuyết Trên đường (On the road) của Jack Kerouac – một trong 100 tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại: Hãy sống bằng tất cả sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, hãy biết ước mơ và hãy cứ không ngừng di chuyển, cứ náo nức đi? Nếu như vậy người ta sẽ tìm đọc tiếp những cuốn của Giovanni Careri (1651-1725) người được xem là khai sinh ra loại hình du lịch bụi, người mà tạm gác chức vụ là một quan tòa, thực hiện chuyến hành trình vòng quanh thế giới kéo dài trong 5 năm để cho ra đời cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng, tái bản nhiều lần.

Kế hoạch thứ hai của chàng trai cũng bị đổ bể. “Cuộc hành trình thứ hai vẫn là một sự lạc lối. Tôi ra đi vì “giấc mộng lầu hồng”, để hy vọng ngày trở về sẽ là một Việt kiều giàu có. Nhưng những con đường đã làm tôi vỡ mộng, mỗi bước đi tôi lại thấy mình đi xa hơn giấc mơ sang giàu. Tôi nhận ra những khao khát thực sự của mình không ai có thể nói giùm, chỉ có thể nghe được nó bởi một tiếng gọi từ bên trong.”

Nguyễn Tuân sinh thời vẫn hay đùa, nếu ông chết hãy lấy da mà thuộc một chiếc vali, để ông được đi đó đi đây như khi còn sống. Và đã ĐI là phải ĐẾN. Vậy, chuyến đi của nhân vật trong “Trở lại” liệu có đến đích?

Thông điệp thứ hai lớn hơn nhiều thông điệp thứ nhất, và đó mới chính là điều mà bạn đáng tìm đọc cuốn “Trở lại”.

Nhân vật chính trong “Trở lại” là sản phẩm điển hình của việc xã hội hóa ở Việt Nam. Từ bỏ giảng đường khi đang là một sinh viên Bách khoa để chuyển sang học Ngoại thương với khát vọng làm giàu, rồi lại bỏ ngang đi kinh doanh, cậu nghĩ rằng quá trình xã hội hóa ở Việt Nam khiến tất cả các bạn trẻ quan niệm rằng bất kỳ một ai có nhiệt huyết và một chút “máu liều” trong kinh doanh thì chắc chắn sẽ giàu có.

Xã hội hóa là nền tảng quan trọng của loài người, khác với các sinh vật khác, con người cần phải có hiểu biết xã hội để sống. Tuy nhiên, không phải lắp vào mô hình nào cũng khớp với hiệu quả mà người ta kỳ vọng. Từ những năm 97, sau khi Việt Nam và Mỹ ký hiệp định thương mại song phương, cùng với hội nhập, xã hội hóa có mặt trên khắp các lĩnh vực. Một em nhỏ có quá trình xã hội hóa ban đầu là gia đình, hình thành nên nhân cách, sau đó tới nhà trường, hình thành tri thức. Với việc chạy đua thu hút học sinh, cạnh tranh về chất lượng, rõ ràng giá trị của thị trường đã đứng trong giáo dục.Giáo dục hiện nay chỉ tập trung quan tâm đến tiếng Anh, tài chính, những phương tiện phục vụ cho việc hội nhập, xin việc làm, kiếm tiền, lu mờ những giá trị tâm tư, thuần phong mỹ tục. Thanh niên Việt Nam với các tiếp xúc xã hội ồn ào hồi đầu thế kỷ (21) lầm tưởng rằng thành lập công ty, làm ăn thương mại, không cần quá coi trọng kiến thức và các giá trị khác, cứ lao vào thương trường là giàu có. Chính vì thế, trong 2 năm nay, hàng loạt các doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng bị phá sản.

“Trở lại”, nếu xét về văn chương, đó là một cuốn sách “đọc được”, chỗ tiếp nối dòng chảy giữa RA ĐI và TRỞ LẠI  – trở lại với bản thể, với những giá trị đích thực – là chỗ mấu chốt nhất cũng là chỗ được xử lý”nhẹ” nhất, nếu tác giả xử lý thêm sức nặng thì sự thuyết phục của tiểu thuyết sẽ trọn vẹn.

Thành công đích thực luôn bắt nguồn từ những giá trị nền tảng đích thực. Nếu bạn là một người trẻ, bạn nên có trong tay cuốn sách, nếu bạn là một doanh nghiệp trẻ, hãy càng nên tìm đọc, chỉ với dung lượng nhỏ, giá trị vật chất không lớn, các bạn trẻ sẽ được gặp lại chính mình và tự mình quyết định có nên đi tiếp con đường của mình đi hay là “Trở lại”?

Theo Yume

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %

Average Rating

5 Star
0%
4 Star
0%
3 Star
0%
2 Star
0%
1 Star
0%

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *