(FTUNEWS) – Đèn đường vẫn sáng, dòng người vẫn đi, trên lề đường vẫn có những con người lặng lẽ rao bán tự do của mình, chỉ để đổi lấy đôi chút tình thương từ người khác. Cho đến khi nào, những giấc ngủ ấy mới thôi chập chờn?
Cho một tách cà phê thêm đường
Công bố kết quả cuộc thi ảnh ” Unique In Pademic”
Sài Gòn về đêm không yên ả mà huyên náo, không trầm buồn mà lung linh, huyền ảo với những chuyến đi như thể chỉ mới bắt đầu. Sài Gòn xa hoa và tráng lệ, với những tòa nhà chọc trời lấp lánh ánh đèn như những ngôi sao xa hào nhoáng.
Ta thường gọi Sài Gòn là “Thành phố không ngủ”, liệu có phải chỉ để nói về những cuộc vui không thể dứt? Hay chăng, đâu đó niềm cơ cực của những người vô gia cư sẽ thêm sâu, thêm đau khi trời về đêm? Một bài toán khẩn thiết được đặt ra, mong chờ sẽ sớm nhận được lời hồi đáp.
23h15 đêm, ngược dòng xe cộ, ta đến với một trong những con đường lớn tại quận 10. Ngồi bệt nơi góc đường 3/2, bà T. kể về những người như mình. 80 tuổi, mất sức lao động, con cái mất tăm, một mình bà bươn chải từ dưới Hóc Môn lên thành phố bán kẹo cao su. Bà tâm sự: “Tôi ở đây cũng đã 2 năm, coi đây là nhà và mọi người là chị em từ lâu. Có ngày người ta thương, mua cho 10, 15 vỉ kẹo. Có hôm thì ế lắm. Ai cũng bận mà cô, mà xe cộ thế này, họ cũng ngại, tôi cũng hiểu.”
Theo hướng chỉ tay của bà cụ về phía đầu đường, tôi thấy bé H., một bé gái tầm 5,6 tuổi, cũng đang đi bán kẹo rong. Bà cụ kể là hai bà cháu vốn không máu mủ gặp được nhau và sống chung với nhau. “Con bé dễ thương, nghe nó hát hò nhảy múa suốt ngày mà muốn được yêu đời hẳn.” Bà T. kể rồi cười khì khì, mấy bà cụ bán hàng rong xung quanh cũng gật gật đầu cười khì theo. Nụ cười dành cho những người vốn xa lạ mà thân thương như người một nhà. Đôi khi, với một phần nhỏ tình thương bỏ ra để mua dăm ba vỉ kẹo ấy thôi, ta có thể giúp cho một người nào đó có một bữa ăn trọn vẹn hơn. Câu chuyện bỏ ngỏ của bà T. làm tôi muốn được biết nhiều hơn về những góc khuất đau thương trong thành phố này.
0h00, tôi mang cái bụng đói tấp vào một quán ăn vặt ven đường, kêu một phần bánh tráng trộn cùng ly trà dâu Đông Du. Giới trẻ tấp nập người vào kẻ ra, người chạy, kẻ đuổi theo những niềm vui ham thích của thanh xuân. Một dáng người đàn ông gầy xương khiến người ta bấm bụng muốn chạy lại hỏi thăm đôi chút. Từng là người thanh niên có trong mình nhiều những khát vọng làm giàu, chú S. chọn Sài Gòn làm bến đỗ đổi đời. Tuy nhiên, cớ sự ở đời chẳng ai biết được. “Mình không có sức gồng gánh nuôi gia đình thì thôi cháu ạ. Mỗi ngày đều không biết về đâu ăn gì thì lấy gì mà lo cho người ta?”.
Bóng người đàn ông quay lưng, chìm vào màn đêm và khuất dần. Những người trong hoàn cảnh của chú, chúng ta không khó bắt gặp trên mọi nẻo đường lớn nhỏ trong cái thành phố náo nhiệt này. Có một nơi để dừng chân, nghỉ ngơi đối với họ là quá xa xỉ. Hoa lệ biết bao một Sài Gòn về đêm. Hoa cho những người có nơi để về, lệ cho những người không biết phải về đâu.
0h30, ở những góc khuất tối tăm trên mọi ngã rẽ, vẫn còn có đó những chiếc ba lô nằm trơ trọi bên những chiếc chiếu cũ mèm. Những ghế đá công viên, những trạm xe buýt vắng mỗi đêm đều đón những vị hành khách quen mặt nghỉ ngơi. Nếu có thể dành chút thời gian để hỏi han, ta sẽ cảm nhận được, rằng những người vô gia cư đó thực sự cô đơn. Cô đơn trong chính đất nước của mình. Thiết nghĩ, hai chữ “hoa lệ” có mấy ai hiểu được trọn vẹn ngữ nghĩa của tính từ đó.
Đèn đường vẫn sáng, dòng người vẫn đi, trên lề đường vẫn có những con người lặng lẽ rao bán tự do của mình, chỉ để đổi lấy đôi chút tình thương từ người khác. Cho đến khi nào, những giấc ngủ ấy mới thôi chập chờn về đêm? Liệu một ngày nào đó, bạn, tôi và chúng ta có thể góp một phần nhỏ để giúp cho những những giấc ngủ đó an yên hơn. Cho đến khi bộ phận những người gia cư ấy thôi cô đơn thì Sài Gòn đối với mỗi người, hẳn sẽ đẹp hơn biết bao. Một Sài Gòn mà chỉ cần nhắc tới thôi, sẽ nhớ ngay đến hai chữ “đáng sống” giản đơn.
Bài viết: Vân Anh
Thiết kế: Minh Thư
Hình ảnh: Sưu tầm