KHI NGƯỜI TRẺ TÌM VỀ NHỮNG NGÀY CŨ
11 0
Read Time:4 Minute, 25 Second

(FTUCharm) – Đôi khi con người ta có dịp được chậm lại ngắm nhìn góc nhỏ bình yên mà thường ngày vẫn bị bỏ quên giữa dòng người phố thị tấp nập, bon chen. Dừng xe để tận hưởng cái không khí cổ kính ấy như thể một ngày xưa nào đó đang ùa về trong trí óc… Và rồi ta thầm nghĩ: “Ngày xưa ấy chắc… tuyệt vời lắm nhỉ?”

“Thành phố của mình nay khác xưa nhiều lắm!” – Những lời than vãn ấy ta vẫn thường nghe đến phát ngấy. Quả thật, lắm lúc, ta không còn tìm thấy những điều ta đã từng thấy, nghe lại những thanh âm ta đã từng được nghe. Sự xuất hiện của những tòa nhà cao tầng sáng lóng lánh, những ống khói khổng lồ vươn đôi tay xé toạc cả màn trời đã lấn át đi những hàng nhà rợp bóng rêu phong, những làn khói lam chiều bay dưới ánh tà dương rực rỡ. Và người ta cũng dần quên đi tiếng hát quen thuộc phát ra từ các phòng trà ngày trước mà người người tấp nập đến thưởng thức mỗi cuối tuần…

Tuy vậy, những hình ảnh thân thương đến mức không ai nghĩ chúng ta có thể tách rời khỏi cuộc sống hằng ngày vẫn luôn ở đó, chỉ có chúng ta – những con người ta bị chính guồng quay của nhịp sống hối hả cuốn đi – ngó lơ nó mà thôi…

Thế nhưng, đâu phải người trẻ nào cũng phóng tầm mắt ra xa khỏi cửa sổ trên những ngôi nhà cao tầng, đâu phải người trẻ nào cũng chạy theo dòng âm nhạc thịnh hành. Có những mảnh tâm hồn luôn say đắm với vẻ đẹp của một thời đã qua, mong muốn đi tìm cái thuộc về quá khứ, đơn giản chỉ vì họ tìm thấy được bến đỗ bình yên cho tâm hồn.

Thi thoảng, khi bước vào một quán cà phê nọ, ta bắt gặp các bạn trẻ vừa nhâm nhi tách trà nóng hổi vừa gật gù theo giai điệu du dương của một bản tình ca bất hủ vang lên từ chiếc cát-sét cũ màu thời gian. Trong lời ca ấy dường như, con người ta nhìn thấy được hình ảnh tuổi thơ mơ hồ của mình hiện lên một cách rõ ràng đến lạ. Đâu đó trên đường phố, chiếc áo sơ mi chiết ly cổ thìa, chiếc quần jean ống loe của thập niên 70 được hồi sinh cũng bởi các xu hướng “Ngược dòng thời gian”, “quay về quá khứ…” của các nền tảng công nghệ phát triển như Facebook, TikTok. Song với đó, sự trở lại của văn hóa chuộng đồ si cũng được đón nhận nồng nhiệt hơn bao giờ hết. Tất cả như một lời khẳng định chắc nịch rằng: “Xưa nhưng chưa chắc đã hết thời” của giới trẻ.

Thế nhưng, liệu phải chăng trở về với quá khứ lúc nào cũng đồng nghĩa với việc con người ta chỉ biết đắm chìm trong những điều thuộc về dĩ vãng mà quên mất đi thực tại, quay lưng với những xu hướng hiện đại ngày nay? 

Là những người mang trong mình một cái nhìn và tâm hồn “trẻ”, thế hệ ngày nay tìm về với những giá trị tưởng chừng như đã cũ kia với một góc nhìn hoàn toàn mới mẻ. Nhiều bạn trẻ mặc trên mình những chiếc áo dài cách tân, tìm đến những điểm vui chơi mang nét hoài niệm xưa cũ như Nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc Lập, Bảo tàng Mỹ thuật,.. đâu chỉ vì để có những bức ảnh đẹp mà còn vì cả một hành trình quay về cội nguồn, tìm lại giá trị lịch sử vàng son của dân tộc. Và trên hành trình ấy, họ thấy được sự sống lại của những cuộc chiến đấu gian khổ của cha ông ta ngày trước, cảm nhận được vẻ đẹp của nghệ thuật truyền thống bất diệt, đó chính là giá trị mà không thể tìm ra ở thời đại hôm nay. Để rồi, chúng biến thành một chất xúc tác cho những cảm hứng cách tân nghệ thuật trong người trẻ được thăng hoa. Có lẽ, âm nhạc truyền tải văn hóa dân tộc đã có từ lâu, nhưng đến các ca sĩ như Hoàng Thùy Linh hay Bích Phương thì mới thật sự để lại dấu ấn. Các điển tích văn học dân gian, nhạc cụ dân tộc đặc trưng đi từ Nam đến Bắc cùng với những lời hát khéo léo, trong các ca khúc của những ca sĩ trên đã làm sống dậy cả dòng nhạc dân gian đương đại vốn tưởng đã ngủ quên bấy lâu. Chính là những người trẻ tiên phong ấy đã đem đến những bài hát mang giá trị cách tân hồn cốt của dân tộc, từ đó, lan tỏa đến bạn bè trên thế giới, góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống Việt Nam.

Để rồi, những giá trị “vang bóng” ấy không chỉ còn ở “một thời” mà sẽ sống mãi trong lòng nhiều người ở “nhiều thời” sau.

Bài viết: Lan Anh

Thiết kế: Minh Nghĩa

Happy
Happy
33 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
67 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %

Average Rating

5 Star
0%
4 Star
0%
3 Star
0%
2 Star
0%
1 Star
0%

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *