Nguyễn Thiếp đã từng bàn: “Ngọc không mài không thành đồ vật, người không học không biết rõ đạo”, song trong thời đại hiện nay, phải được viết lại cho đặng là: “Ngọc không mài không thành đồ vật, người không giá trị khó có được gì.”
Câu nói trên có thể được giải thích thông qua quy luật giá trị, một quy luật kinh điển của kinh tế học. Nội dung của quy luật này là việc sản xuất và trao đổi hàng hóa dựa trên cơ sở giá trị của nó, tức là dựa trên hao phí lao động xã hội cần thiết. Nói thì cứ tưởng triết lý sâu xa từ cuốn những những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Marx Lenin, nhưng quy luật giá trị lại thực tế đến mức chúng ta dùng nó mà chẳng hề nhận ra mình đang dùng nó nhuần nhuyễn tới nhường nào. Ví dụ từ việc 5 mét vải đổi 1 ký gạo vì cùng có thời gian lao động xã hội cần thiết là hai giờ, giờ đã biến hóa khôn lường thành chuyện bạn bè, chuyện tình yêu, chuyện kiếm việc. Từ nhỏ, một đứa trẻ được khen thưởng, được đánh giá là con ngoan, trò giỏi là dựa trên những giá trị mà nó tích lũy từ việc học, là những tấm bằng khen, thành tích hay từ việc biết chăm lo, phụ giúp gia đình khi cần thiết. Khi lớn, một nhà tuyển dụng lựa chọn các ứng viên dựa trên giá trị của họ, và trả lại bằng tiền lương. Con người cũng chơi 1 trò chơi giá trị, họ còn chơi với nhau đến khi nào vẫn còn trao đổi được cho nhau giá trị nào đó. Giá trị ở đây có thể là phong cách sống, độ “mặn”, trình độ hiểu biết. Con người chỉ chơi với những người cùng đẳng cấp, tức cùng giá trị. Tình yêu định nghĩa là trạng thái tâm lý, cảm xúc, thái độ do dao động từ tình cảm cá nhân, nhưng nhìn lại, tình yêu có phải là một trò chơi giá trị không, khi mỗi người chỉ thích những người phù hợp, mà phù hợp tức là chân thiện mỹ, là giá trị. Ở đây, giá trị không mang nghĩa vật chất, tức quần áo hàng hiệu, tiền bạc, của cải. Giá trị này là giá trị con người, là thứ mà dù bây giờ có đang trắng tay, bằng nó, bạn có thể đạt được giá trị vật chất.
Trò chơi giá trị chỉ có một ngoại lệ, đó là gia đình. Gia đình không cần bạn phải có giá trị để chăm lo cho bạn, để che chở, để giáo dục bạn. Gia đình luôn hướng bạn tới việc xây dựng giá trị cho riêng mình, nhưng nếu chưa có cũng chả sao, gia đình sẽ lại cho bạn một mái ấm để trở về. Không ai chơi, không ai yêu, không ai tuyển dụng, nhưng sẽ luôn có gia đình yêu thương bạn, không điều kiện. Thế nên, nếu không trân trọng gia đình mình, tức là bạn đã mất đi thứ giá trị nhất của cuộc đời mình rồi đấy.
Vậy nên, ngoại trừ gia đình, không ai muốn chơi, muốn yêu, muốn tuyển dụng, và muốn là một người không có giá trị. Tự tạo giá trị cho bản thân là một quá trình, có thể sẽ mất một vài năm, có khi là cả cuộc đời. Nhiều người chật vật tự hỏi sao mình mãi vẫn chưa có được thứ gì trong bộ ba tài tình tiền, nhưng chưa bao giờ tự hỏi, mình đã làm gì để có những giá trị đó. Trừ những người được thừa hưởng gen độc đắc (gen lottery) thông minh thiên bẩm hay xinh đẹp xuất chúng, cuộc đời mỗi người đều bắt đầu từ số 0. Không thứ gì là không thể có vĩnh viễn, không phải không đẹp mà là chưa đẹp, không phải không giỏi mà là chưa giỏi. Chỉ thời gian mới có thể chứng minh, ai có giá trị và chưa có giá trị, ai đủ kiên nhẫn, đủ bản lĩnh để xây cho mình một bức tượng vàng giá trị còn ai sẽ mãi vẫn loay hoay với đống xi măng, gạch vữa mà mãi vẫn không ra hình thù gì.
Luôn nhìn nhận đánh giá lại bản thân (self-awareness) là cách tốt nhất để nhận ra giá trị của mình. Việc này giống như nhìn bản thân qua một tấm gương phản chiếu, xem bản thân đã có và chưa có gì, và tự hỏi bản thân có cái “giá” hay chưa. Đến giá trị của bản thân mình còn không biết, thì khó có thể làm được việc gì nên hồn. Việc không biết được giá trị bản thân khiến ta dễ dàng bị người khác lợi dụng và thặng dư từ giá trị mà ngay cả bản thân mình cũng không ý thức được. Sau khi nhận thức được rồi, hãy bắt đầu tích lũy, đến khi trở thành báu vật, tự khắc có người muốn mua, quyền định giá là của bạn.
Để đẹp, không có cách nào ngoài tự biết chăm sóc bản thân và luyện tập thể dục thể thao. Để có kiến thức, không cách nào ngoài học. Để có kinh nghiệm, không cách nào ngoài phải làm. Để có tiền, tức giá trị trong tâm thức nhiều người, hay một người yêu “cùng tầng mây”, không cách nào ngoài phải tự xây dựng giá trị cho bản thân mình. Vậy để có tình yêu và tiền bạc, bạn đã có giá trị chưa?
Bài viết: Trần Công Pháp