“Tháng Ba tới, anh sẽ về Việt Nam.”
Lời thông báo đầy hào hứng của Phong khiến tôi khựng lại mất vài giây. Tay trái chỉnh lại tai nghe, tay phải nhấp chuột vào biểu tượng loa ở góc phải màn hình để tăng âm lượng, tôi hỏi lại:
“Anh nói sao?”
Phong mỉm cười trước vẻ bối rối thay vì phấn khởi của tôi.“Anh nói tháng Ba anh sẽ về Việt Nam.”
“Nhưng… tại sao?”
Anh khẽ thở dài, im lặng một lúc lâu rồi mới thì thầm đáp:
“Anh muốn về nhà…”
—
Đã gần bốn năm kể từ khi anh cùng gia đình sang định cư tại Mỹ, chúng tôi chỉ liên lạc với nhau qua ứng dụng Video Call trên máy tính mỗi tuần. Nhưng thông qua những hình ảnh kèm miêu tả chi tiết trên facebook, tôi có thể đoán được anh đang thật sự hưởng thụ cuộc sống trong mơ của bản thân. Nam Phong, đúng như tên gọi, anh không ngừng di chuyển như một cơn gió. Ngoài giờ học, chỉ cần có một chút thời gian trong kì nghỉ hè hoặc nghỉ đông, anh sẽ lập tức lên kế hoạch đi du lịch. Là người hoạt bát, hoà đồng và thích bay nhảy, Phong gần như hoàn toàn đắm chìm vào những chuyến đi, những trải nghiệm mới mẻ, đi đến những nơi mà biết bao nhiêu người ao ước một lần đặt chân đến.
Thế mà, hôm nay, anh lại phải thốt lên câu “muốn về nhà” với chất giọng buồn bã như thế sau gần bốn năm phiêu lãng khắp chân trời.
“Có chuyện gì xảy ra với anh sao?”
Anh trả lời câu hỏi đầy lo lắng ấy của tôi bằng một lời hứa:
“Đợi đến khi chúng ta gặp nhau ở Việt Nam, anh sẽ giải thích.”
Tưởng rằng đó chỉ là quyết định bồng bột mà Nam Phong nhất thời nói ra trong một phút cao hứng, nào ngờ chỉ bốn ngày sau, hộp thư của tôi xuất hiện ảnh chụp thông tin chuyến bay kèm theo lời nhắn: “Hãy chắc rằng em có thể dành cho anh khoảng thời gian từ ngày hai đến ngày mười tháng Ba sắp tới.”
Và thế là anh về nước thật.
—
Gặp lại nhau tại sân bay Tân Sơn Nhất trong buổi chiều đầu tháng Ba, điều đầu tiên anh ấy làm sau nhiều năm xa cách, là buông phịch tất cả hành lý xuống để vòng tay ôm siết lấy tôi. Vòng ôm chặt và kéo dài đến mức tôi bắt đầu chuyển sang khó chịu vì ngạt thở. Tôi đã định đẩy anh ra, nhưng vẻ mệt mỏi rã rời của anh khiến lòng tôi phút chốc chùng xuống.
“Anh làm sao vậy, Nam Phong?”
“Anh nhớ nhà quá!”
—
Những người như Nam Phong, thật ra tôi cũng không phải là chưa từng gặp. Tôi có một cô bạn, hai năm trước chuyển đến Minnesota, những ngày đầu còn hào hứng, còn bị choáng ngợp bởi môi trường sống mới, ngày nào cũng khoe trên trang cá nhân của mình những hình ảnh lung linh, tự hào rằng bản thân đang sống tại một trong những tiểu bang tốt nhất nước Mỹ. Nhưng rồi, một thời gian sau, cô ấy bắt đầu gọi cho tôi và khóc nấc lên:
“Tao muốn về nhà…!”
—
Quay trở lại chuyến “thăm nhà” của Nam Phong, mặc dù vừa ngồi máy bay hơn hai mươi tiếng, chịu ảnh hưởng của thời tiết, múi giờ và vô số những thứ khác, nhưng vừa nhận phòng khách sạn xong, anh vẫn nằng nặc đòi cùng tôi đi tản bộ một vòng để ngắm Sài Gòn. Chúng tôi cầm tay nhau đi từ bến Bạch Đằng ra Nhà Thờ Đức Bà trong im lặng. Một lúc sau, không thể giữ được sự tò mò lâu hơn nữa, tôi cất tiếng hỏi:
“Có chuyện gì xảy ra với anh vậy?”
“Sao?” Anh nghiêng đầu nhìn tôi.
“Anh cứ luôn miệng nói nhớ nhà. Nhưng chẳng phải gia đình anh đều đang bên cạnh anh đó sao? Nhà anh ở Việt Nam cũng bán đi rồi…”
Nam Phong thở hắt ra, khoé môi vẽ một nụ cười buồn bã:
“Nhà, đối với anh lúc này, chính là Việt Nam.”
Anh dừng lại, kéo tôi ngồi xuống hoà với những thanh niên đang uống cà phê bệt xung quanh Nhà thờ, đưa mắt ngắm nhìn dòng xe cộ nối nhau trên con phố sắp sửa lên đèn, chậm rãi nói tiếp:
“Em không biết đó thôi, trong tiềm thức của hầu hết những người Việt xa xứ như họ, “nhà” không đơn giản chỉ là một nơi chốn, nó còn là cảm giác, thứ cảm giác mà cho dù có đi đến nhiều nơi xinh đẹp như đến đâu, có gặp gỡ bao nhiêu con người thú vị đến mức nào, cũng không thể nào nguôi ngoai được. Dù nhà anh ở Việt Nam đã bán đi rồi, nhưng chỉ cần quay trở lại đây, được nhìn thấy những khung cảnh quen thuộc này, cũng đủ làm anh thấy lòng mình ấm áp.”
“Bao nhiêu năm qua, anh cứ tưởng rằng mình thoát ra khỏi đất nước bé nhỏ, nghèo khó này, mình được tung bay khắp nơi, sống cuộc sống mà bản thân hằng ao ước, như vậy chính là hạnh phúc. Cho đến một ngày, đọc được bài viết công bố Việt Nam đứng thứ năm trong danh sách những quốc gia hạnh phúc nhất hành tinh, anh mới nhận ra mình bỏ mất những gì…”
“Em biết đấy, chỉ số hạnh phúc của một quốc gia được tính bằng mức độ thoả mãn và hài lòng của người dân tại quốc gia ấy. Anh đến những đất nước vô cùng phát triển như Nhật, Mỹ, Trung Quốc,… bọn họ giàu có và thịnh vượng như thế, nhưng cớ gì lại không có chỉ số hạnh phúc cao?”
Tôi ngập ngừng:
“Ừm… vì họ không thoả mãn và hài lòng với cuộc sống của họ?”
“Chính xác.” Anh khẽ gật đầu. “Đối với họ, nhất định phải không ngừng tiến lên, không ngừng cố gắng, anh không nói điều đó là sai, nhưng mà, họ dường như quên mất những gì mình đang có chính là ước mơ của biết bao nhiêu người khác. Họ không được học cách thoả mãn với hạnh phúc hiện tại mình đang nắm giữ – điều mà anh nghĩ người Việt mình đang làm rất tốt. Do phải trải qua hàng ngàn năm đấu tranh để có được hoà bình, cho nên việc được tận hưởng cuộc sống an ninh, an yên, đối với chúng ta đã là một hạnh phúc to lớn. Em có nghĩ vậy không?”
Đến lượt tôi im lặng không trả lời. Tôi ngẩn ngơ nhớ về những lúc mình khao khát cao chạy xa bay, muốn đến Seoul, Tokyo, New York, Paris,… lập nghiệp, sinh sống, thay đổi số phận; khao khát được bức mình ra khỏi đất nước chật hẹp, bé nhỏ này tự mình vẫy vùng cho thoả chí. Thế mà, ngay lúc này, người con trai mà tôi luôn ngưỡng mộ kia, lại ngồi bên cạnh tôi, bảo rằng sau tất cả, anh chỉ muốn về lại chốn quê nhà.
Dường như có thể đọc được suy nghĩ của tôi, Nam Phong mỉm cười:
“Anh nói điều này, em cười thì anh chịu. Nhưng anh đã nghĩ nếu có chết, chắc anh cũng muốn chết ở đây thôi. Anh trong mắt mọi người có hiện đại đến đâu, có hợp thời đến đâu, có sính ngoại đến đâu, thì sâu trong lòng cũng chẳng bao giờ quên đi cái xứ sở, gốc gác của mình, cái nơi cho mình hạnh phúc, bình an trọn vẹn hơn bất cứ nơi nào khác.”
—
Nói bao nhiêu điều như thế, nhưng đến cuối cùng, Nam Phong vẫn phải trở về bên Mỹ, trở về cuộc sống thường nhật của mình. Ngày tiễn anh ở sân bay, bao nhiêu lưu luyến tôi dồn lại hết trong câu hỏi:
“Anh có về nữa không?”
“Về chứ.” Anh vui vẻ gật đầu. “Đây là nhà của anh. Nên cho dù có đi xa đến đâu, anh cũng phải quay trở về. Tên anh có nghĩa là Gió, nhưng lại là cơn gió của nước Nam. Vì thế, vận mệnh của anh, là phải quay lại nơi này. Hạnh phúc của anh, chỉ có thể là ở đây.”
Trương Lê Thi Thi