Hạnh phúc – từ lâu đã trở thành chủ đề rất quen thuộc để mọi người bàn luận, thậm chí là tranh cãi.Mỗi người quan niệm về hạnh phúc đều khác nhau, xuất phát từ nhu cầu của chính họ. Qua thời gian, hoàn cảnh sống đổi thay dẫn đến quan niệm, tư duy của con người từ đó mà thay đổi theo. Nói cách khác, tổng quát hơn, thực sự “hạnh phúc” chính là cung bậc cảm xúc cao nhất của sự thỏa mãn nhu cầu bản thân mỗi người.
Hạnh phúc là xúc cảm chung, là bậc cao nhất khi con người được thỏa mãn nhu cầu, nhưng con đường đi đến hạnh phúc của mỗi người hoàn toàn khác nhau bởi mỗi người mỗi quan điểm. Để dễ hình dung, ta có thể kể về câu chuyện của hai cô bạn thân. Một cô, hạnh phúc với cô ấy rất đơn giản, cô ấy thích một cuộc sống rất đỗi bình yên. Học tập, tốt nghiệp ra trường, cô kiếm cho mình một công việc lương khá khá và ổn định. Vài năm sau, sẽ lập gia đình, nhiều điều phải lo hơn, nhưng được sống bên gia đình, người thân với cô đó là niềm hạnh phúc. Hạnh phúc đến với cô, không thể nói họ không gặp khó khăn gì trong quá trình tìm kiếm, nhưng do cách nghĩ, bản chất con người thích sự bình yên, hòa đồng, thì quá trình ấy phần nào dễ dàng hơn một chút. Ngược lại với đơn giản đó là phức tạp. Cô bạn còn lại, cũng cùng tốt nghiệp ngôi trường đó, nhưng cô lại khao khát cao hơn, muốn đạt nhiều thành tích nổi bật hơn, muốn được nhiều người chú ý hơn thì mọi chuyện sẽ khác, cô có thể lao vào công việc, chạy theo những đam mê mà không mảy may mệt mỏi, thành công nhiều và thất bại cũng không ít, thậm chí để đạt được điều mình muốn, cô có thể đã hi sinh rất nhiều, nhưng đối với cô như thế là xứng đáng, là hạnh phúc. Đôi lúc, hai đứa bạn thân cũng ngồi tâm sự: “Mày thấy sống vậy hoài có thấy chán không?”, đứa kia lại hỏi ngược lại: “Mày sống vậy hoài có thấy mệt mỏi lắm không?”. Đó thực sự là những câu hỏi không hề có lời đáp. Hai con người, hai cách nghĩ, hai cuộc sống hoàn toàn khác nhau. Bất cứ ai, bất cứ quốc gia nào, không chỉ là Việt Nam, con người lại hay mắc “bệnh phán xét” khi chỉ quan sát, đánh giá mà chưa đặt mình vào vị trí người khác để thấu hiểu. Đừng vội kết luận ai sống thế này, thế kia vậy có hạnh phúc hay không bởi hạnh phúc hay không là do chính người trong cuộc cảm nhận. “Hạnh phúc chuẩn Việt” là thế, được xây dựng từ sự thỏa mãn nhu cầu và sự thấu hiểu của mọi người xung quanh.
“Hạnh phúc chuẩn Việt” hay bất cứ hạnh phúc của quốc gia nào, có thể hơi tiêu cực một xíu, nhưng đó là sự thật mọi người vẫn hay né tránh: Trên thế giới này không hề tồn tại điều được xem là “hạnh phúc trọn vẹn, hạnh phúc thực sự”. Đơn cử như việc chúng ta hay nhìn vào những người nội trợ có cuộc sống đủ đầy, chồng giỏi giang, chung thủy, con cái ngoan ngoãn, hiếu thảo, ngôi nhà luôn ngập tràn tiếng cười, thế là ta có thể gắn cho họ mác “gia đình hạnh phúc tròn đầy, viên mãn”. Nhưng đằng sau đó, ta đâu thể biết được hạnh phúc ấy được xây dựng bằng việc đánh đổi những hoài bão của bản thân để vun vén cho gia đình. Hỏi những người nội trợ ấy luyến tiếc không, chắc chắn họ sẽ trả lời thấy gia đình mình vui vẻ như thế không tiếc chút nào. Đó có phải là câu trả lời thực sự từ đáy lòng hay sự hi sinh đã làm che khuất đi những mong muốn của bản thân? Hay ta cũng có thể xem xét trường hợp của cô bạn thứ hai phía trên, cô đã lao vào công việc, xây dựng cho mình được những thành tựu nhất định, có được cuộc sống cô hằng mong ước, chúng ta nói cô ấy hạnh phúc với những điều mình làm, nhưng không thể nói cô ấy “hạnh phúc thực sự” bởi để xây dựng những thành công đó, cô ấy đã phải đánh đổi thời gian để bên gia đình, bạn bè, thậm chí là những thời gian rảnh rỗi của bản thân, thành công càng cao, con người sẽ phải đánh đổi càng nhiều. Sẽ đến lúc nào đó, cô ấy lại thấy tiếc tiếc về những gì mình đã bỏ qua. Hạnh phúc là thế đó, nói nôm na theo kinh tế học chính là chi phí cơ hội khi chọn phương án này mà không chọn phương án kia. Con người luôn phải lựa chọn phương án nào giúp cho mình có được hạnh phúc nhiều hơn phương án kia, chứ không thể chọn phương án giúp cho mình đạt được “hạnh phúc thực sự, trọn vẹn”. Chỉ cần một cảm giác luyến lưu, giá như thế này, thế kia, thì không có gì là vẹn tròn hết, hạnh phúc cũng vậy.
“Hạnh phúc chuẩn Việt” được tạo nên từ việc đáp ứng nhu cầu bản thân, và sự thấu hiểu, tôn trọng của tất cả mọi người. Đồng thời, “Hạnh phúc chuẩn Việt” cũng không bao hàm ý nghĩa tròn đầy, thực sự, vì không có hạnh phúc nào không có những nốt trầm, những góc khuất của sự đánh đổi. Đó là sự thật con người nên chấp nhận. Hãy xây dựng con đường đi đến hạnh phúc của bạn bằng một “cái đầu lạnh”, mơ mộng một chút sẽ tốt, nhưng đừng quá viễn vông vào điều được gọi là “viên mãn” bởi chúng không hề tồn tại.
Trần Trọng Khang