Một ngày giáp Tết, khi tôi cùng các anh chị trong Quỹ từ thiện Minh Tâm đến thăm những người già neo đơn ở chùa Lâm Quang, quận 8, tôi đã gặp các em. Dẫu cận Tết, cái nắng nóng của Sài Gòn vẫn ương ngạnh, chả bao giờ chịu từ bỏ vị trí “độc tôn” để nhường chỗ cho vài cơn gió xuân. Tại xóm nhỏ nghèo nàn, nắng rơi trên khuôn mặt của những đứa trẻ ngây ngô, trên những mái hiên nhỏ tạm bợ của những quán nước ven đường, lấp đầy con ngõ nhỏ, khúc khuỷu quanh co và đẩy vào đấy sự ngột ngạt, nóng nực. Những đứa trẻ còn quá nhỏ để có thể vào đời, giờ đang đứng chờ chực nơi cổng chùa, thi thoảng chạy qua, chạy lại phụ giúp mấy quán nước bên cạnh. Chúng khỏe mạnh, lành lặn như bao người, làn da rám nắng, khuôn mặt vô cùng lanh lợi thế nhưng chúng lại đứng đó – chờ chực lòng thương từ người khác để kiếm sống. Mỗi khi có người bước vào chùa, bọn trẻ tranh nhau tụm lại, van nài với đôi mắt đáng thương, chìa đôi tay nhỏ bé xin chút “ tấm lòng” . Nhưng, ngay sau đó, chúng lại trao nhau những cái nhìn đố kị, sự so sánh, những lời trách móc hay đơn giản là sự vô cảm – thứ mà chúng ta khó để thấy nếu chỉ mải nhìn theo đôi mắt bi thương và giọng nói nài nỉ đến tội nghiệp đó. Có lẽ với chúng, ăn xin – đơn giản là một công việc cần làm, không hơn không kém. Tôi, một đứa trẻ được lớn lên với sự dạy dỗ: “Điều xấu hổ nhất trong cuộc đời chính là đi xin xỏ từ người khác mà không tự mình làm ra”. Có lẽ, chúng đang làm điều xấu hổ nhất, tôi nghĩ vậy.
Nghèo tâm hồn, nghèo tuổi thơ
Những đứa trẻ kia khiến tôi nhớ lại tuổi thơ của mình nơi xóm nhỏ quê hương. Ở cái tuổi tôi và lũ trẻ trong xóm còn tranh nhau từng con búp bê với những bộ váy lộng lẫy, từng hòn bi ve muôn màu thậm hay những ước mơ con trẻ, thì đám trẻ nơi đây giành nhau từng “tờ giấy màu” đầy quyền lực. Ở cái tuổi chúng tôi bày nhau chơi nhảy dây, ô ăn quan, rồng rắn lên mây…, đám nhỏ nơi xóm nghèo này chỉ nhau cách “mưu sinh”. Ở cái tuổi chúng tôi được bảo rằng phải vươn lên bằng nỗ lực bản thân, lũ trẻ nơi đây được dạy cách “đi tắt” qua những nhọc nhằn , vất vả. Ở cái tuổi chúng tôi nhìn cuộc sống qua lăng kính “vạn hoa” với bao mơ mộng ngô nghê tuổi nhỏ, những đứa trẻ này đã được nếm trải những vất vả, phong ba của cuộc đời thực. Ở cái tuổi “bình minh” của cuộc đời, cái tuổi đẹp nhất, rạng rỡ nhất, cái tuổi khiến con người ta luôn bồi hồi mỗi khi nhớ về bởi sự ngây ngô hồn nhiên nhất, cái tuổi người ta thấy bao hi vọng của một khởi đầu mới, tôi lại chỉ nhìn thấy ở những đứa trẻ ấy sự bắt đầu của một vòng tròn bất tận, vòng lẩn quẩn của cái nghèo, của những phẩm giá con người bị cuộc đời bóp nghẹt. Những đứa nhỏ đáng ra phải đang vui đùa cùng bạn bè đồng trang lứa những trò chơi dân gian tuổi thơ ấu, đáng ra phải được dạy về nghị lực vươn lên, về lòng tự trọng, phẩm giá một con người, giờ lại đang giơ những đôi tay nhỏ bé, những đôi tay mai này kiến tạo đất nước, ra xin “sự thương cảm, lòng trắc ấn” của những người xa lạ.
Có chăng tôi đang quá ích kỉ? Sống một cuộc đời đủ đầy hơn, tôi hiểu được bao nhiêu những vất vả mà họ phải chịu đựng? Sống một cuộc đời mà cơm no áo ấm là những điều căn bản và hiển nhiên, tôi hiểu được đến đâu những thiếu thốn mà họ phải trải qua? Sống với một tuổi thơ màu hồng được cha mẹ bảo bọc, tôi hiểu được bao nhiêu thực tế khắc nghiệt cứ bủa vây những đứa trẻ tội nghiệp kia? Sống một cuộc đời khác biệt, tôi hiểu được bao nhiêu… Ta thường huyễn hoặc bản thân rằng bản thân thấu hiểu cho những thân phận nhỏ bé để chăng cũng để chứng tỏ tấm lòng bao dung, rộng lượng của bản thân. Nhưng có lẽ hiểu bao nhiêu cũng là chưa đủ, chưa đủ để ta tự trao cho mình cái quyền phán xét “cao thượng” ấy. Cho đi và phán xét – tôi gọi đó là cách sống của những “nhà hảo tâm thiếu vị mặn cuộc đời”.
“Đói ăn, đói sống”
Họ đói ăn, nên cũng đói sống, tôi nghĩ vậy. Họ đói cả cách để trở thành người đáng được tôn trọng trong cuộc sống.Với với họ, có bữa cơm tử tế đã là hạnh phúc, có tấm áo lành lặn, có phút giây tạm quên đi những quay cuồng bề bộn chính là niềm vui lớn nhất. Người ta chẳng thể nghĩ đến việc tận hưởng cuôc sống với cái bụng đói meo được. Cuộc sống khó khăn đặt họ vào những tình huống mà đôi khi buộc họ phải từ bỏ những giá trị – “chân – thiện – mĩ” (người có học như chúng ta vẫn hay nói) mà để đổi lấy chút “hạnh phúc” mỏng manh.
Hạnh phúc giản đơn đến lạ. Là khi bản thân mải miết chạy trên đường đời, thật lâu về sau quay lại, chợt nhận ra xưa kia mình đã có thứ hạnh phúc đó rồi.
Hạnh phúc là tụi nhỏ được sống như cách mà chúng đã từng khát khao: giàu tuổi thơ và giàu niềm vui – một cách trọn vẹn.
Và tôi mơ….
Chúng ta mơ….
Ngày nào đó, hạnh phúc của những đứa trẻ kia sẽ không còn “nhỏ bé” như vậy nữa.
Nguyễn Thị Thu Hồng