Hạnh phúc ư? Đối với tôi điều đó có lẽ vĩ đại hơn nhiều, đó là cả một niềm tự hào. Tự hào đến đỗi hạnh phúc.
Lên đại học, dù muốn lắm nhưng tôi không thể làm lại điều thiêng liêng đó vào mỗi sáng đầu tuần như những ngày còn là một học sinh phổ thông.
Thứ hai, sau những cuối tuần chơi bời tung nóc, lũ chúng tôi lại tiếp tục hành trình học tập của minh, sáng hôm ấy, một ngày trời xanh ngắt của phố biển, với những tấm vải mây mỏng như muốn tan ra vắt ngang bầu trời buổi sớm. Mặt trời đã lên được đôi phân, lan tỏa sự sống ấm nóng của mình bằng những tia nắng vàng ươm rực rỡ. Nắng tinh nghịch chiếu qua hàng cây, luồn vào trong những tầng lá, lấp lánh trườn lên những giọt sương mai đọng lại tự bao giờ…Thứ hai, sân trường trở nên đông hơn, đôi ba sao đỏ bước vội để làm nhiệm vụ được giao, những chàng trai từ các lớp học đi xuống để xếp ghế chuẩn bị cho buổi Chào Cờ sắp đến, những cuộc nói chuyện, những tiếng cười vang, khung cảnh hôm nay sao yên bình quá.Tiếng trống trường vang lên, học sinh từ các lớp học ùa ra, những nữ sinh trông thật nhẹ nhàng với chiếc áo dài trắng, những cậu trai thật bảnh bao với quần tây và áo sơ mi đóng thung. Tất cả mau chóng chỉnh đốn hàng ngũ để chuẩn bị cho giây phút mà có lẽ đối với tôi, giây phút hạnh phúc nhất!
Tiếng nhạc không lời của bài Quốc Ca vang lên, lá cờ Tổ Quốc bắt đầu được kéo, dưới sân trường, tất cả học sinh hát vang lời của bài Quốc Ca, ánh mắt ngước nhìn khoảnh khắc lá cờ thiêng liêng được kéo lên cao nhất. Trong mỗi ánh mắt ấy, là những niềm tự hào riêng, trong mỗi câu từ của bài Quốc Ca ấy cất vang là những xúc cảm riêng. Là sự biết ơn người đi trước đã trải qua bao cuộc chiến tranh để hôm nay tôi và các bạn có thể đứng dưới sân trường này với vẻ tinh tươm và sạch sẽ, là niềm kiêu hãnh của một dân tộc anh hùng và bất khuất, là điểm tựa cho sự tự hào của một đất nước với lịch sử và văn hóa lâu đời – đậm bản chất chứ không phải là những trang sử viết vội đầy thương đau và dối trá. Lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên, như kéo lên cả hơn bốn nghìn năm lịch sử của đất nước và dân tộc để thế hệ mai sau có thể tự hào, có thể kiêu hãnh và có lẽ quan trọng hơn nhất là có thể biết trăn trở.
Đất nước đã trải qua hàng trăm, hàng ngàn cuộc chiến. Mang trên thân thể mình vô số những vết sẹo của thời gian để có thể đứng vững đến ngày hôm nay. Thế hệ của ông cha ta là thế hệ của sự kiến lập và bảo vệ thì hôm nay, sứ mệnh của thế hệ trẻ là kế thừa và phát triển. Nếu ngày xưa, cuộc chiến được định nghĩa bằng những tiếng súng rền, tiếng boom nổ, xác người và máu thì hôm nay, với sự xoay vần và biến tấu của xã hội chúng ta cũng đang nằm trong một cuộc chiến mà biểu hiện của nó là lạm phát, nợ công, bẫy thu nhập trung bình, bảo hộ… và sẽ khắc nghiệt hơn rất nhiều.
Sự trăn trở, điều đó có lẽ đang ngày trở nên xa xỉ như những tiếng hát Quốc Ca vậy. Nói thật cho tôi, bạn đã lần nào hát Quốc Ca to và rõ ràng chưa? Bạn đã lần nào cất tiếng hát lên mà trong đó chưa đầy sự tự tôn, tự hào dân tộc và sự trăn trở về tổ quốc chưa? Hay chỉ hát nhép và trao nhau ánh nhìn đầy Ngại Ngùng vì sợ hát to thì mọi người xung quanh sẽ quan sát mình như một sinh vật lạ?
Tôi quan sát Hoàng Xuân Vinh lúc anh nhận giải (dù chỉ là qua ti vi thôi), khi lá cờ của Việt Nam được kéo lên cùng với bài Quốc Ca đang phát, ánh mắt của anh dõi theo lá cờ từng nhịp từng nhịp một với một sự thiết tha và đầy ắp sự tự tôn dân tộc. Khoảnh khắc ấy, tôi tưởng như rằng cả dân tộc Việt Nam đang tỏa sáng trước vũ đài thế giới, tưởng như rằng mong ước của Bác Hồ “Dân tộc Việt Nam bước lên sánh vai với cường quốc năm châu” mà ngày tiểu học tôi thường đọc đã trở thành hiện thực. Khoảnh khắc ấy, thế giới lại một lần nữa ngả mũ trước người Việt.
Nhưng đó chỉ là một trong vô vàn những giác độ của cuộc sống, sự thật, chúng ta đã đang dần tuột dốc trên đường đua phát triển. Chúng ta đang trở thành bãi rác về văn hóa của thế giới, chúng ta đang đối mặt với những nguy cơ cực kì cấp thiết của nền kinh tế (nợ công, bẫy thu nhập, thất nghiệp gia tăng…) và thế hệ trẻ lại cất lên “Bài Quốc Ca im lặng” mỗi sáng thứ hai, như một tuyên ngôn cho sự yếu kém và nhạt nhòa bản sắc. Họ không quan tâm đến vận mệnh đất nước, họ theo đuổi để rồi bị lạc lối giữa những giá trị tự do (Free) và hoang dại (Wild), họ sống có lẽ là ích kỉ để bản thân trở nên đủ đầy. Họ lạc mất mình giữa cái quay vòng của xã hội phức tạp, đan xen và đầy sự định hướng.
Nếu ai đó có hỏi tôi rằng:
- Hạnh Phúc chuẩn Việt là gì?
Tôi sẽ đứng thẳng, hơi ưỡn ngực, ánh mắt tràn đầy sự tự hào:
- Đối với tôi. Đó là tiếng hát cất vang mỗi sáng thứ hai, với đầy sự biết ơn, lòng tự tôn dân tộc và hơn thế nữa đó là sự trăn trở về sứ mệnh phát triển đất nước của một kẻ bề tôi hậu thế.
Phạm Phú Dương