Mỗi lúc nắng lên
0 0
Read Time:5 Minute, 28 Second

Chiều, trong quán bún riêu kế dưới cầu Thanh Đa, ba giờ chiều nên quán vắng, chỉ có tôi và hai cô chủ quán đang ngồi bỏ ớt chanh vào bao ni lông. Lúc đang ăn, tôi nghe một cô nói với cô kia:

  • Dậy (Vậy) đó, cứ trời nắng lên là nó lại bắt ba nó dẫn đi chơi dòng dòng (vòng vòng). Con này ngộ ghê.

Rồi cô cười.

Tôi quay lưng lại để thử nhìn nhân vật “nó” được nhắc đến trong câu nói của cô. Tôi thấy một em bé mắc chứng thiểu năng, đầu đội chiếc nón bông được ba dắt tay đi. Hai cha con họ cười. Và tôi cũng cười. Giờ phút đó, trong quán ăn đầy mùi bún bò bún riêu dưới chân cầu Thanh Đa, tôi cảm nhận một điều gì rất Việt.

Quan tâm hay tọc mạch?

“Trong nhà chưa rõ ngoài ngõ đã tường” –chúng ta vẫn thường nói nhau rằng người Việt có tính tọc mạch rất cao, hay tò mò và quan tâm chuyện của người khác, rồi kháo nhau, rồi đồn thổi. Thì là thật vậy, người nông dân Việt Nam đã sống trong văn hóa làng xã hơn 500 năm, mọi người đều dòm ngó, bàn bạc với nhau tất cả mọi chuyện. Mỗi người mỗi tính, tôi biết rằng trong xã hội lớn vẫn có những người thích bàn tán chuyện của người khác, nhưng tôi không thể phủ nhận, bắt đầu của tất cả, tức là động cơ của người Việt mình vẫn là sự quan tâm. Vì chúng ta quan tâm và muốn biết chuyện của người khác. Mọi chuyện đẹp lên hoặc xấu đi phụ thuộc vào hạnh động sau đó của sự quan tâm.

Nếu nó đẹp lên, tôi cho đó là bước đầu của hạnh phúc.

“Sao mình phải mang bánh cho bà Tư hả mẹ?”

Cha mẹ tôi làm nhà nước, mảng chính sách trong huyện nên gia cảnh của người nghèo cha mẹ tường cả. Hồi tôi còn lên năm, lâu lâu cha đi làm về, tôi hay nghe cha nói với mẹ: “Anh mới xin được cho bà Hằng cái nhà tình nghĩa”; vài lúc lại nghe cha khoe: “Hôm nay anh xin được trợ cấp cho năm người già lận đó”! Hồi đó tôi thật không biết trợ cấp là gì, cũng không rành tại sao cha làm những việc đó vì theo cha mấy lần lên cơ quan, thấy nhiệm vụ của cha là làm bàn giấy, nếu cha đi xin được cho người này hay người kia thì giờ nghỉ hoặc ngày nghỉ sẽ rong ruổi giúp mọi người. Sau này, lúc cha thăng chức chuyển công tác qua bến xe huyện, tôi vẫn thấy ông làm những việc như ông đã từng, dù khối lượng công việc có nặng thêm một tí.

Hồi nhỏ kế nhà tôi là một bà lão đã quá tám mươi, sống một mình sau căn nhà hoang bên cạnh, mọi người vẫn gọi là bà Tư. Mấy bận cha cũng hay đi xin trợ cấp cho bà, nhưng lí lịch bà không tốt nên khó xin quá. Vậy là mấy dịp lễ tết, lúc là chiếc bánh trung thu, khi là cái bánh chưng, hồi lại giỏ trái cây cha mẹ đều sai tôi: “Con mang qua biếu bà nghen!”. Lúc đó tôi thực thắc mắc sao cha mẹ luôn đi giúp những người không liên quan đến cuộc sống của mình như vậy. Nhiều lúc đâm ra ghét, cho đến lúc bà Tư mất, tôi không còn phải mang bánh qua cho bà nữa, mới thấy thiếu đi cảm giác hạnh phúc mỗi lần qua thăm hỏi han bà.

Mẹ bảo: “Nhà mình chẳng có nhiều, nhưng mình đã biết hoàn cảnh người ta, sao nỡ không một chút quan tâm?”.  Cha tôi thì trầm tĩnh hơn, ông không trả lời mỗi lần tôi dỗi hỏi, chỉ âm thầm in bài thơ “Dặn con”  của Trần Nhuận Minh cho tôi đọc.

“Mình tạm gọi là no ấm

Ai biết cơ trời vần xoay

Lòng tốt gửi vào thiên hạ

Biết đâu nuôi bố sau này”.

Tình thương cho đi là tình thương nhận lại.

Nhắc lại đến chuyện hai cô chủ quán bún riêu dưới chân cầu Thanh Đa, lúc họ nói về cô bé bị thiểu năng, không hề có sự ganh đua, hay thỏa mãn, hả hê như tính tọc mạch cả. Với họ, việc cứ mỗi chiều hai ba giờ nắng lên, nhìn cô bé và cha đi tung tăng qua xóm chợ ven cầu đã là một thói quen (mà thói quen này còn khiến họ cười). Tôi giả dụ một ngày không thấy hai cha con họ thì hai cô sẽ thắc mắc lắm nhỉ? Và đương nhiên, trên cả sự thắc mắc và quan tâm, tôi tin như tình cảm hai cô dành cho cha con họ, cô sẽ san sẻ và giải quyết cho họ không về vật chất thì là tinh thần. Nghĩ cùng tôi, bạn có bao lần cho đi và nhận về những sự quan tâm ấy.

Về phần mình, tôi sẽ nhớ mãi chiếc bánh tiêu của bác sửa xe mua cho mình vào chiều đi học thêm năm lớp chín. Chả là tôi học khuya, ngày nào cũng tới mua một chiếc bánh tiêu kế tiệm sửa xe để ăn lót dạ trước khi học cả. Một ngày quên mang tiền, tôi đến tần ngần mãi một hồi rồi đi, cho đến khi bác sửa xe gọi lại, tôi cảm động đến phát khóc. Tôi tin đó là một trong những phút giây mình hạnh phúc nhất cuộc đời. Rõ ràng, phải để ý tôi mỗi ngày, bác mới dành cho tôi một chiếc bánh thơm như thế.

Cảm ơn cha mẹ, cảm ơn chú sửa xe và cả hai cô chủ quán bún riêu dưới chân cầu Thanh Đa cho tôi hiểu, đôi khi hạnh phúc không phải là thứ gì xa xôi, chỉ bằng cử chỉ quan tâm thầm lặng và cho tình thương đúng người, đúng thời điểm. Hạnh phúc lại còn nhân đôi.

Biết đâu, một ngày nào đó khi không còn ở Việt Nam mà du học ở xứ người, tôi nhận được một lời chào của ai đó đồng hương: “Con mới qua đây hả, thấy con mấy ngày nay cứ lóng ngóng!”. – Tôi tin mình sẽ nhận ra có hai trái tim Việt Nam đang ấm dần lên, thật đó.

Phan Hoàng Hải

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %
Categories: IYE