Mạng xã hội: “Bệ phóng” của sự độc ác
0 0
Read Time:4 Minute, 15 Second

(FTUNEWS) – Nếu ví sự độc ác của chúng ta giống như những quả tên lửa, tuy nguy hiểm nhưng thụ động, thì mạng xã hội thời nay chính là những chiếc bệ phóng khai hỏa cho thứ vũ khí chết người ấy. Và, giờ đây, những quả tên lửa trở nên khủng khiếp nhất, khó ngăn chặn nhất, khi chúng được người ta khoác lên mình tấm áo của công lý.

Cuộc xâm lăng của binh đoàn “dân phòng mạng”

Sự phát triển của mạng xã hội kéo theo sự trỗi dậy của những “dân phòng mạng”. Cuộc hành quân của họ có thể diễn ra ở bất cứ đâu, từ những “sân khấu” lớn như Twitter, Facebook, cho đến những ngõ ngách bé nhỏ nhất của những trang mạng với chỉ vài nghìn người tham gia. Giống như những “đầu gấu mạng”, họ có mặt ở đây gần như chỉ với một mục đích duy nhất là khiêu khích, quấy rối và mua vui bằng cách hạ nhục người khác. Thế nhưng, khác với những “cyberbully-er”, sự độc ác của các “dân phòng”, trớ trêu thay, lại bắt nguồn từ khát khao “thực thi” công lý. Những tay “sói đội lốt cừu” này tự ban cho mình nghĩa vụ làm sạch xã hội. Bất kì ai đi ngược lại với thứ họ gọi là “công lý”, người đó phải bị trừng phạt.

Những cuộc trừng phạt nhân danh lý tưởng

Nhưng từ bao giờ ranh giới giữa thiện và ác lại được quyết định bằng số lượng “like” của một dòng bình luận đầy phiến diện? Liệu thứ âm thanh cuồng nộ của đám đông vọng ra từ những con chữ cay độc đó có phải là giai điệu cho khúc hùng ca công lý mà ta vẫn hằng khao khát được nghe? Liệu họ đang hân hoan vì chính nghĩa được thực thi hay chỉ đang hả hê với niềm vui khi được hạ nhục kẻ khác? Và liệu có phải “ác quỷ đang dọn đường cho một cái thiện lớn hơn”?

Không. Các “dân phòng mạng” không hề đấu tranh cho một tương lai tốt đẹp hơn. Ngược lại, họ gần như đang phục sinh lại những cuộc hành hình ghê rợn tưởng chừng đã tuyệt diệt từ hàng thế kỉ trước, nơi mà kẻ bị cho là có tội trở thành tâm điểm hứng chịu cơn bão cuồng nộ xuất phát từ đám đông, bị lăng mạ hoặc dùng đá ném cho đến chết. Theo một cách nhìn nào đó, chỉ cần bỏ đi yếu tố không gian, ta khó có thể tìm ra bất kì điểm khác biệt nào giữa hiện tượng này và việc làm nhục công khai trên mạng xã hội. Trừng phạt bằng hình thức ném đá buộc nạn nhân phải chịu đau đớn và cái chết chậm rãi, dưới sự tấn công của hàng ngàn người, không ai có thể xác định ai là nguyên nhân đã khiến đối tượng tử vong. Niềm tin rằng bản thân đang ẩn mình và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ số đông khiến con người ta đánh mất khả năng suy xét và cảm giác trách nhiệm, đồng thời cũng không có thời gian để bận tâm về chúng. “Trăm người như một”, sự đồng tình từ tập thể hợp thức và lý tưởng hóa sự độc ác, vị kỉ từ mỗi cá nhân và thôi thúc họ thực thi chúng. Không chỉ thực hiện chức năng hủy hoại, các “dân phòng mạng” còn áp đặt sự kiểm soát và răn đe mạnh mẽ lên tâm trí đối với phần còn lại của xã hội. Hiếm ai có đủ can đảm lên tiếng để kêu gọi sự tỉnh táo, hay ít nhất là đòi lại công bằng cho người bị hại. Thường thì, hoặc là họ sẽ quay ra tự nghi ngờ quan điểm của bản thân, chấp nhận cam chịu để trở thành một phần của số đông, hoặc là sẽ dạt ra và nhượng bộ tất cả chỉ với một cái nhún vai nhẹ nhàng. Không chỉ độc ác, mạng xã hội còn là cái “bệ phóng” cho sự yếu hèn và vô cảm.

Rất có thể hầu hết chúng ta, ở một mức độ nào đó, đều là đã là mục tiêu của chiếc “bệ phóng” này, bất kể ở vị trí của nạn nhân hay thủ phạm. Đối với những ai đã, hoặc đang lưng chừng ở biên giới của những “dân phòng”, mỗi khi để ngón tay mình chạm vào bàn phím, hãy suy nghĩ thật kĩ. Đằng sau những tấm ảnh ảo kia sẽ luôn là những con người thật, những số phận thật, và những nỗi đau thật. Hãy điềm tĩnh, bởi điềm tĩnh là thứ vũ khí mạnh mẽ nhất bạn có thể dùng để chống lại không chỉ con quỷ của kẻ khác, mà còn cả của chính mình.

.

Nhật Thanh

 

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %