Nhưng Thành Lộc ở cuộc sống đời thường lại đơn giản chỉ là một người đàn ông trung niên với đôi mắt buồn, điều làm anh khác biệt với hàng triệu con người khác chính là anh có một trái tim yêu nghệ thuật mãnh liệt.
Tuổi thơ không bình yên
Thành Lộc sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Cha mẹ anh là Nghệ sĩ nhân dân Thành Tôn – Huỳnh Mai, những nghệ sĩ lớn của nghệ thuật hát bội. Anh chị ruột của anh là nghệ sĩ Bạch Long, Bạch Lê đều là những tên tuổi nổi tiếng trên sân khấu cải lương. Tuổi thơ của anh đã phải trải qua trên mảnh đất nằm trong một cái đình, nơi quy tụ hầu hết là những gia đình nghệ sĩ cải lương, hát bội. Đối với anh đó là một tuổi thơ nghèo nàn về vật chất nhưng cũng rất đẹp.
Tuổi thơ của anh còn phải trải qua một biến cố lớn những tưởng anh đã không còn trên thế gian này nữa. Thành Lộc của ngày thơ bé là một đứa trẻ ốm yếu, suốt ngày đau ốm. Trong một lần bị ban sởi nặng, nặng đến nỗi mẹ anh gần như chỉ ẵm cái xác của anh đến cầu cứu một nhà sư ở ngôi chùa mà bà thường đến. Như một điều kỳ diệu, tiếng chuông lớn của nhà sư đã đánh thức anh dậy, và nói như lời của nhà sư ấy anh đã “sống hết một kiếp người, và đây sẽ là một kiếp khác…”.
Cũng theo thời nhà sư ấy, cha mẹ của anh không hợp nuôi con trai trong nhà vì thế từ lúc đó đến khi được 7 tuổi, anh đã phải giả gái, phải mặc đồ như con gái và để tóc dài như con gái. Ngoài ra, anh còn bị kiêng gọi tên thật nên ngoài tên khai sinh Thành Lộc anh còn có một cái tên khác là Thành Tâm.
8 tuổi, Thành Lộc bắt đầu làm quen với sân khấu từ đội múa Nhà thiếu nhi Thành phố, rồi Ban kịch trên Đài truyền hình Thành phố lúc bấy giờ. Chỉ một thời gian ngắn sau khi những chương trình có anh tham gia được phát sóng, cái tên “bé Thành Tâm” bắt đầu được biết đến và trở nên nổi tiếng.
Và cái tên Thành Tâm đó cũng theo anh suốt cả quãng đường sau này khi anh ngồi trên ghế giảng đường khoa diễn viên trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh. Mãi đến khi anh tốt nghiệp bắt đầu bước vào con đường chuyên nghiệp, anh mới sử dụng lại tên thật của mình và để đến ngày hôm nay, khán giả yêu kịch mới có được một phù thủy sân khấu mang tên Thành Lộc.
Một con người tài năng
Nhắc đến Thành Lộc, người ta nhớ ngay một Chu Xung thư sinh, non nớt, ngây dại của “Lôi Vũ”, một ông Thiện 50 tuổi si tình một cô gái chỉ mới đôi mươi, và chắc chắn khán giả sẽ không thể nào quên được một ông Tư khóc đó, cười đó trăn trở với những nỗi niềm của người xa xứ. Thành Lộc là tất cả những người đó, và những người đó cũng chỉ là một Thành Lộc. Từ sân khấu của Câu lạc bộ kịch thể nghiệm Tp HCM đến sân khấu Idecaf sau này, hàng trăm vai diễn, hàng trăm vở kịch, nhưng người xem khó thấy được một sự trùng lặp nào trong những lần hóa thân của anh. Thậm chí, với cùng một vai diễn đó, khán giả xem lại vẫn thấy mới.
Anh cũng là một người rất thích đi đầu. Điển hình là vở “Tin ở hoa hồng”, anh là người đầu tiên mang một vở ca vũ nhạc kịch đúng nghĩa đến với khán giả. Anh đặt hàng nhạc sĩ sáng tác riêng ca khúc cho vở kịch, anh dùng âm nhạc để kể chuyện cho khán giả nghe. Bây giờ thì khán giả không còn lạ gì với những vở kịch với nhiều bài ca, nhiều điệu múa của sân khấu “Ngày xửa ngày xưa” của anh, nhưng ở thời điểm của “Tin ở hoa hồng” đó là một thử thách, không phải ai cũng làm được và nhất là không phải ai cũng dám làm.
Anh cũng là người đi đầu trong thể loại kịch với đề tài lịch sử. Vở bi kịch “Bí mật vườn Lệ Chi” của anh vượt ra khỏi khuôn khổ chức năng giải trí. Câu chuyện của anh kể theo một cách nhìn nhận khác về lịch sử khiến người xem phải suy ngẫm. Sự tồn tại của cái thiện, cái ác khiến người xem không chỉ ngẫm về quá khứ mà còn có thể liên tưởng đến hiện tại. Một vở kịch nặng nề, nhưng nếu không phải là bàn tay của Thành Lộc và ekip của anh thì hẳn sẽ không tạo được tiếng vang lớn như thế.
Ngoài kịch, anh còn đá lấn sang khá nhiều lĩnh vực khác như điện ảnh, ca nhạc và cả người dẫn chương trình truyền hình. Dẫu là ở lĩnh vực nào anh cũng luôn làm tròn nhiệm vụ của mình và luôn làm khán giả hài lòng cho dù sự xuất hiện của anh chỉ là những vai phụ.
Và những khoảng lặng…
Anh cho biết rất nhiều người nghĩ rằng, cho rằng và thậm chí họ chắc chắn một điều rằng “ông Thành Lộc là một người rất cô đơn”. Anh cười, anh bảo rằng:“Tôi cô đơn mà sao tôi không biết nhỉ”. Anh cho rằng, anh đủ bận rộn để không bao giờ cảm thấy mình cô đơn. Thậm chí nếu có ai đó thấy anh ngồi một mình trầm tư thì đó cũng là lúc anh đang sống với những suy nghĩ của mình, như vậy thì làm sao gọi là cô đơn.
Anh luôn bận rộn, đến nỗi anh chẳng bao giờ cho phép mình nghỉ ngơi. Và cũng vì bận rộn như thế nên anh luôn ghét những ngày nghỉ, những ngày lễ. Anh cho rằng đó là khoảng thời gian người ta nghỉ ngơi vui chơi nhưng anh thì vẫn phải làm, thậm chí, còn phải làm nhiều hơn ngày thường.
Tuy nhiên, anh cũng đã có cho mình 2 tháng không diễn, chỉ nằm một chỗ. Đó là khoảng thời gian anh dưỡng sức, sau cú ngã trong một buổi biểu diễn vở “Cậu bé rừng xanh”, tai nạn này tưởng đã hạ gục một người nghệ sĩ trong lúc năng lượng và sức sáng tạo đang ở đỉnh cao. Anh tâm sự: “Khi tôi ngã từ trên cao xuống, gãy xương sống, có nguy cơ bị liệt vĩnh viễn, tôi cứng cả người vì sợ hãi. Tôi sợ khi mình trở thành gánh nặng của người khác, sợ không đứng trên sân khấu được nữa, không nuôi được mẹ, mà nợ ngân hàng chưa trả hết. Chính nỗi sợ này đã khiến tôi lạc quan chiến đấu với bệnh tật của mình. Và tôi đã vượt qua như một điều kỳ diệu”.
Trở lại sân khấu sau khoảng lặng đó, Thành Lộc như một dây cung bị kéo mãi đến lúc này mới được buông. Anh thỏa sức sáng tạo, vùng vẫy trong môi trường nghệ thuật của mình. Những vai diễn của anh trong “Hợp đồng mãnh thú”, “Sát thủ hai mảnh”, “Tình sử ngàn năm” được anh thể hiện bằng một ngọn lửa ngùn ngụt của lòng yêu nghề, sống chết với nghề. Và con đường nghệ thuật của NSƯT Thành Lộc còn dài lắm, đến bây giờ, có lẽ điều anh luôn cố gắng để thực hiện được đó là đưa hình ảnh của người mẹ của anh – nghệ sĩ Huỳnh Mai lên sân khấu.
Theo VnMedia