Tôi gọi điện cho anh hai lúc 7 giờ 10 phút, tranh thủ lúc ba mẹ coi thời sự để không ai giành nói. Bên kia chắc cũng tầm 11 giờ rồi, vậy mà anh hai vẫn còn thức. Hai anh em ngày xưa như nước với lửa, anh tôi là một người vô tư, vui vẻ đúng cái chất mấy đứa con trai lóc chóc, bản thân tôi thì lại đứng đắn, khó ở một phần nên hai anh em không hợp lắm. Mẹ hay nói: “Tụi mày lo mà thân với nhau đi, mốt xa rồi, than nhớ than thương tao quánh cho”. Thế đấy, hai đứa đâu tin lời mẹ, giờ thì thật rồi. Anh giờ đi xa, anh hai đi định cư ở Úc cũng được hơn một năm rồi. Ngày đưa anh hai ra sân bay, tôi đã cố tỏ ra mạnh mẽ, họ hàng gửi gắm anh hai đủ điều, còn tôi đứng nép một bên, chỉ sợ khóc. Nước mắt nhiều lần trào tới mi nhưng vẫn cố bình tĩnh, mãi đến lúc anh hai quay lại vẫy tay chào cả nhà, nước mắt đầm đìa, lúc này tôi mới ôm mẹ nức nở: “Anh hai đi thật rồi.”
Tôi thích nghe anh hai kể về nước Úc, đất nước tôi luôn hằng mơ ước đặt chân tới. Trong lời anh kể, nước Úc hiện lên vô cùng xinh đẹp và hiện đại, đó là về những tòa nhà cao tầng ở thành phố Sydney tráng lệ, những đường phố cực kỳ nhộn nhịp hay những quảng trường lộng lẫy. Mỗi lần anh hai kể là mỗi lần tôi bật loa lớn nhất rồi ngồi say đắm tưởng tượng. Nhưng hôm nay anh hai không nói về nơi anh ở, anh hai muốn nói nhớ nhà. Tiếng thời sự của đài tuyền hình Việt nam vang vọng qua tận Úc, anh khéo nhắc tôi:
“Không phải giờ này mày tranh thủ ba mẹ coi tivi để lén chơi game sao? Sao nay còn điện thoại tao?”
“Tại nhớ anh hai!”
“Đừng có mà xạo? Tao biết tổng mày hết, muốn xin xỏ cái gì? Gần thi đại học tới nơi rồi, lo mà thi đậu lên Sài Gòn rồi tao mua cái điện thoại mới gửi về cho, còn xe thì gắng mà xin ba cho đem theo chiếc Sirius cũ của tao đó, sửa sang lai, mua chi cho tốn tiền. Lúc này chưa tới mùa chà lúa, ba mẹ chưa có tiền đâu, mày đừng có đòi nhiều.”
Tôi ngạc nhiên đến im lặng. Tính tình anh hai xưa giờ hời hợt, có khi nào thấy anh để ý mấy chuyện này, huống hồ giờ anh đang ở xa mà vẫn còn nhớ tới, lại nói bằng cái giọng nghẹn nghẹn khác hẳn mọi ngày.
Anh hai theo chú tôi qua Úc để làm thợ xây dựng. Nghe người ta nói công việc này tuy hơi nặng nhọc nhưng lại có nhiều tiền. Tôi tội với thương anh hai lắm. Ở với chú, thân ở nhờ đậu nhà người ta nên phải kiêm luôn công việc nhà rôi bếp núc, chuyện nghe không tưởng với một đứa còn không chiên nổi cái trứng ốp la. Đã vậy anh hai còn không rành tiếng anh, kiếm đâu ra bạn bè. Thế là thui thủi sáng đi làm chiều tối về dọn dẹp nhà cửa rồi đi ngủ, lâu lắm lắm thì theo mấy anh bạn trong xưởng ra city chơi. Anh hai cực thế đấy nhưng chưa hề than một tiếng nào. Ba mẹ tôi xót đứa con trai nên cứ kêu anh về Việt Nam suốt nhưng anh hai lại không chịu, anh nói về Việt Nam rồi làm gì, lấy gì sống. Anh hứa sẽ sớm về thăm nhà nhưng tôi cũng không biết sớm là khi nào hai năm, ba năm hay bốn năm nữa? Ở nhà ai cũng nhớ anh, nhưng chưa bao giờ nghe anh hai nói nhớ nhà.
Anh hai lại tiếp tục cuộc gọi bằng cái giọng nghẹn nghẹn lúc nãy:
“Ở xóm dạo này có gì mới không? Cây vú sữa mẹ trồng có trái chưa mày?
“Ở xóm dạo này cũng không có gì khác, mọi người mần ăn vẫn tốt, còn cây vú sữa nó trái nhiều rồi đợi anh hai về ăn nè”
“Mày nhắc làm tao thèm trái cây Việt Nam quá, bên đây đâu có có mấy thứ này. Nhớ hồi ở Việt Nam, còn đi ăn cắp xoài của người ta bị bắt đem lại nhà nội bị nội đánh nữa. Mà lâu rồi tao cũng chưa điện cho nội không biết nội khỏe không hé?…”
Anh hai nói mãi, tần suất nhắc về nhà, mấy thứ quanh nhà cứ tăng dần tăng dân. Giọng anh hai nhòe đi như muốn khóc nhưng tiếng cười trên miệng vẫn giòn tan. Tôi không nói nên lời chỉ có thể ngồi đó bất lực nghe anh hai huyên thuyên về ngày xưa ở Việt Nam của anh, chắc là khoảng thời gian tốt đẹp hơn ngàn lần bây giờ. Lòng tôi nén lại nhưng rồi lại chợt bật ra khóc nấc:
“Anh hai nhớ nhà lắm phải không? Anh hai có gì khó khăn thì nói em, nói với ba mẹ? Ở nhà ai cũng thương anh hết. Anh hai đừng nói vậy hoài em lo, em sợ lắm”
Anh tôi cũng nức nở nói từng tiếng khó khăn:
“Anh hai không sao, mày nhắn ba mẹ đừng lo. Miễn sao nghe được, thấy được cái gì của Việt Nam…là anh vui rồi”.
Thái Hoàng Nguyên