Chúng ta sinh ra để mắc phải những sai lầm

Chúng ta sinh ra để mắc phải những sai lầm

Published by ftunews2 on

0 0
Read Time:7 Minute, 25 Second

Chuyến xe về quê dài văng vẳng. Chiếc xe đò cũ kĩ lộc cộc băng qua những đoạn đường dằn xốc khiến ruột gan phèo phổi trong bụng Nam như đang “vật lộn”. Nam nôn thốc một cái, nhưng không có gì để trào ra, vì sáng giờ Nam đã kịp ăn gì đâu. Một cú xốc mạnh khiến Nam rợn cả người.

Nam ghét đi xe đò, và Nam đang ghê sợ chính con người của mình. Một cái cười nhạt đi kèm với những giọt mồ hôi từ mắt tuôn ra. Người ta hay bảo nhau rằng khi nước mắt và nụ cười hiện hữu cùng một lúc trên gương mặt, có hai trường hợp xảy ra: hoặc đang rất hạnh phúc, hoặc đang ở đỉnh điểm của khổ đau. Nam thuộc trường hợp thứ hai.

***

Sài Gòn là mảnh đất hoa lệ. Người kiếm được nhiều tiền hưởng phần “hoa”, kẻ không có một xu dính túi mặc nhiên nhận phần “lệ”. Nam đương nhiên thích phần “hoa”. Có được một công việc ổn định với mức lương “cao ngất trời” là điều khiến Nam tự mãn về bản thân. Nam tự xếp mình cao hơn một bậc so với những thanh niên phải đi làm phục vụ hay đứng phát tờ rơi. Nam xem đó là nghèo hèn.

Dạo gần đây, người Sài Gòn ngại ăn tôm, vì nghe đâu có hàng loạt những bài báo đưa tin về việc tiêm chất kích thích độc hại để tôm mập hơn, chắc thịt hơn. Thậm chí còn có những đoạn clip quay lại cảnh những người nuôi tôm tiêm thuốc vào những con tôm khiến người xem phải “rung mình”, “kinh hoàng” và “cực sốc”,… Đi đâu cũng nghe người ta bàn luận về tôm, về những câu chuyện xoay quanh những con tôm to, chắc thịt thường “góp mặt” trên bàn nhậu hay một buổi tiệc nào đó.

Nam hả hê vì điều đó, dễ hiểu thôi, tác giả của những bài viết ấy là Nam. Cuối mỗi bài viết sẽ là một cái tên không rõ danh tính được in đậm. Nam nhận được cả thảy ba trăm triệu cho những bài viết và những vụ lùm xùm xung quanh những con tôm ngọt thịt. Số lượng like, reach, reaction và share tỉ lệ thuận với độ dày cộm của ví Nam. Nam đặt những tờ giấy po-li-me lên trên cái “tình người” mà người ta luôn đề cao như một chân lí sống?

***

Sáu tháng trước, mẹ Nam có triệu chứng ho nhiều, có khi ra máu. Bệnh tình ngày càng biến chuyển nặng hơn. Đi khám, bác sĩ ghi một dòng chữ “Chuẩn đoán ung thư phổi” khiến Nam xanh mặt. Ba Nam đã mất trong một vụ nạn giao thông thảm khốc. Nam ám ảnh bởi ánh mắt của ông trước lúc ra đi cùng câu nói “con ở lại ráng chăm sóc mẹ nha con, ba xin lỗi hai mẹ con nhiều lắm…”. Nói rồi ba đi. Mẹ thì bảo, ba bây chắc chắn lên thiên đường, đó giờ ổng hiền như cục đất, có hại ai bao giờ đâu. Nói rồi nước mắt mẹ tự nhiên rơi.

Vì phải lo cho mẹ ở quê, Sài Gòn đón chào Nam như một đứa con tìm với miền đất hứa của sự đổi đời, nhưng đổi theo kiểu lên voi hay xuống chó thì chưa rõ. Nam sáng đi làm phục vụ, chiều phát tờ rơi và tối dành thời gian viết lách. Với lối văn phong lôi cuốn và gây tò mò cho người đọc khiến Nam lọt vào “mắt xanh” của những trang thông tin “lá cải” được che mắt bằng slogan “Kênh thông tin uy tín hàng đầu Việt Nam”.

Thoạt đầu, nhuận bút cho một bài viết của Nam chỉ dao động từ bốn trăm đến năm trăm nghìn. Một thời gian gắn bó lâu dài cùng những con số tiếp cận tăng cao mà Nam mang lại cho “kênh thông tin” khiến nhuận bút của cậu tăng gấp chục lần. Nam xác định sẽ gắn bó lâu dài với nó.

Một lần, lão Content Manager bụng phệ gọi cho Nam, bảo rằng có việc hệ trọng cần gặp Nam gấp ở văn phòng. Lão đi thẳng vào vấn đề, số là có một công ty thủy hải sản nước ngoài muốn thâu tóm thị trường tôm Việt Nam, cụ thể là Thành phố Hồ Chí Minh vì tiềm năng lợi nhuận rất lớn, nên lão muốn Nam giúp lão trong phi vụ này. Nam hiểu hết hàm ý của lão.

Nam lao vào phi vụ ấy không hề ngần ngại, vì số tiền Nam nhận được là con đường ngắn nhất để cứu sống mẹ. Nhưng Nam quên mất một điều, người dân quê Nam mưu sinh bằng những con tôm ấy. Nuôi tôm “y như chơi bạc, lời thì lời nhiều, đến khi lỗ cũng lỗ sói trán luôn chứ không đùa đâu!”. Những bài báo chưa rõ nguồn gốc Nam viết ra khiến các công ty phân phối ngần ngại nhận tôm từ quê cậu. Họ nghi ngại về những chất độc hại được bơm vào tôm sẽ ảnh hưởng đến thanh danh của công ty. Những người hàng xóm thân thuộc với gia đình Nam thua lỗ đến hàng trăm triệu đồng phải dọn đi nơi khác để mưu sinh. Họ còn vợ, còn con và hàng tá thứ khác phải lo toan, ấy vậy mà những con tôm còn quay lưng với họ. À không, đúng hơn là Nam – đứa con của vùng quê này lại tàn nhẫn quay lưng với chén cơm của người dân ở đây.

***

Một lần về quê chơi, ngồi nhậu với mấy đứa anh em cột chèo đến độ say bí tỉ nên Nam vô tình “tâm sự” lí do tại sao cậu lại có thể kiếm được nhiều tiền như thế. Người đời hay nói, tiếng lành đồn xa, tiếng dữ còn đồn xa hơn. Bằng chứng là một tin tức tiêu cực sẽ nhận được sự quan tâm gấp bốn lần một tin tức tích cực. Mẹ con Nam trở thành tội đồ của mọi người. Họ rủa xả, buông những lời cay nghiệt chỉa thẳng vào mẹ con Nam.

Người đàn bà goá phụ mang căn bệnh nan y đã mệt mỏi, sao có thể chống chọi nổi với những lời cay độc? Phận làm mẹ “con dại cái mang”, bà chọn thắt cổ tự tử cho sự chấm dứt. Cho bà, cho Nam và cho cả những lời cay độc ấy. Đến lúc này, người ta mới chịu buông tha không nói nữa, chỉ còn khinh trong bụng thôi.

***

Nghe tin, Nam rụng rời. Không còn hả hê vì những con tôm và những tờ giấy màu nữa, Nam bắt chuyến xe sớm nhất về quê lo mai táng cho mẹ. Chuyến xe sao cứ dài mãi, cậu nôn ợ và cảm thấy ghê sợ chính con người mình. Nam khóc. Đi kèm với giọt nước mắt ấy là một nụ cười nhạt, hứ lên một cái rồi để nước mắt tràn ra. Hối lỗi. Đau khổ. Dằn vặt.

Nhìn mẹ nằm trong quan tài, lòng Nam quặng thắt. Vắt cạn hết nước mắt và nỗi đau chất chứa, ụp xuống lòng mẹ mà nức nở. Mấy người hàng xóm nhìn vậy cũng thương, nó lo kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ nên bồng bột làm vậy, “thôi thì bớt đi một lời vẫn tốt hơn gieo cái khẩu nghiệp vào người”. Hóa ra, con người đâu có tàn nhẫn đến vậy.

Nam xin nghỉ việc tại “kênh thông tin uy tín”, về quê làm ăn sẵn tiện chăm lo mồ mã ba mẹ. Sau tất cả, đam mê viết lách của Nam vẫn còn đấy, hình như đã ăn sâu vào máu rồi. Nam tiếp tục viết về những cảnh đẹp, những địa điểm du lịch, những món ăn đặc sản không thể bỏ qua tại quê cậu. Lối văn phong ấy vẫn cuốn hút người đọc như ngày nào. Tiềm năng du lịch của quê Nam ngày càng phát triển, bà con có thêm việc làm, cuộc sống những người dân ở đây ngày càng ổn định hơn.

Đám giỗ của mẹ, Nam mời những người hàng xóm thân thích qua ăn cơm. Mâm cơm chẳng có gì nhiều, một tô cơm đầy, một tô hột vịt kho tàu, một tô canh khổ qua, một dĩa đồ xào cùng những lời trò chuyện rôm rả.

Nam thắp cho ba mẹ một nén hương, hít sâu một hơi thật dài, bình thường mùi hương của nhang cay mắt lắm, nhưng hôm nay lại thoang thoảng, an yên quá đỗi…

Có thật không, khi hạnh phúc là tha thứ và được tha thứ?

Nguyễn Tấn Nghĩa

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %
Categories: IYE