Đó là tôi vào những năm Sài Gòn cô tiên năm 2000. Tôi còn nhớ rõ rằng hôm đó tôi cùng đứa em đang chơi đá bóng trong nhà, thằng em láo toét cuồng chân thế nào mà sút tung quả bóng văng ra con đường đất nhỏ. Tôi lon ton chạy với theo như sợ quả bóng sẽ mọc cánh bay đi mất. Kí ức cứ như đoạn phim tua ngược, cái con đường ngày cũ, đất đá và bụi cát, tôi khom người xuống nhặt quả bóng và…
Vết sẹo trên bàn chân phải. Một tháng rưỡi treo giò bó bột. Xe máy “hun”. Chắc sẽ không nơi đâu mà người ta lại lãng mạn hóa tai nạn như người mình nhỉ? Chẳng hiểu sao mỗi khi nhớ lại cái sự cố khi xưa ta bé đó, tôi lại thấy… hơi buồn cười. Chắc tôi-hồi-xưa cũng đang thầm trách tôi-bây-giờ ác như… quỷ.
Mà nhờ có vậy, nếu giờ đây tôi có đang ở một xó xỉnh xa xôi nào mà buồn buồn nhìn xuống dưới chân, không chừng tôi đã thốt lên “Trời ơi! Còn gì “Việt” hơn nữa cái tai nạn hồi nhỏ này?”, khi mà nơi đâu sẽ cho tôi một ký ức tếu táo như vậy. Với tôi thì, kỷ niệm này cũng là một dạng thức của hạnh phúc.
Tôi cũng nhớ mãi cái dáng vẻ háo hức pha lẫn sợ hãi của cái đám ranh con khi trốn người lớn chui vào một xó, thả từng cây đèn cầy còn nguyên mùi mới toanh vừa chôm được ở nhà hàng xóm rồi nấu cho chúng chảy tan ra. Cả bọn năm sáu đứa trốn mình trong một cái hốc bé xíu, khói bay lên mù mịt đến không thấy người mà chỉ nghe được tiếng ho sặc sụa. Nếu không may mà bị người lớn phát hiện thì tụi tôi còn nghĩ ra một hình phạt thật thảm khốc cho cái tội nghịch lửa lén và chơi “sang” là bị bắt uống hết đống sáp vừa nấu. Trẻ con mà, toàn nghĩ mấy cái không đâu.
Bước sang cái tuổi chanh cốm, tôi cũng có một sự ghen tị khá biến thái với các bạn nữ rằng tại sao nam sinh lại không được mặc …áo dài đến trường? Hơi trẻ con một tí nhưng tôi nghĩ đó cũng là mong ước chính đáng khi cái duyên, cái hồn từ một bộ trang phục đã hớp hồn tôi và thôi thúc tôi một lần muốn được khoác lên người.
Nhớ có mấy đêm dài đợt thi đại học, ba mẹ và tôi chen chúc trong một căn phòng ở đất Sài Gòn. Cách người ta gọi “Sài Gòn” (mà không phải “Thành phố Hồ Chí Minh”) nghe thân thương muốn ngất. Tôi lúc đó dù trong lòng hồi hộp đến tay chân lạnh ngắt nhưng lại thầm nghĩ rằng chỉ cần được sống trong phút giây này thôi thì dù ngày mai có thi trượt cũng chẳng phải là điều gì to tát nữa.
Và ở thì hiện tại, không ít lần tôi đã phải thốt lên lời cảm ơn rằng mình sinh ra đã là người Việt được học tiếng Việt. Bởi càng lớn lên tôi càng nhận ra rằng tiếng Việt thật sự duyên và đẹp. Là khi tôi học tiếng Anh mà chẳng tìm được từ nào để diễn tả những lời ăn tiếng nói thường ngày làm mình rung động, tôi đã giận tiếng Anh quá chừng và từ mặt không học nó trong vòng… một tuần.
Như lẽ thường tình, tôi cũng có những ngày ủ dột, những ngày cảm thấy buồn phiền với chung quanh mình ghê gớm. Tự dưng tủi thân vì cảm thấy như hạnh phúc như đang vẫy tay vĩnh biệt mình. Và quả địa cầu cũng không còn đáng yêu nữa. Nhưng nếu hạnh phúc lúc nào cũng ngập tràn trong thế giới này, nhiều như không khí để thở, thì liệu chúng ta có còn trân trọng, có còn đối xử với nó như là một trong những cung bậc quý giá bậc nhất trong sáu mươi năm đời người?
Hạnh phúc đôi khi đắt giá như thể, có những thứ bạn chỉ có cơ hội trải qua một lần trong quá khứ và không thể nào tìm lại được trong hiện tại. Dù cành lá có tàn rồi lại xanh, thì cái cây cũng không thể nào thắm lại màu xanh thuở trước. Cũng có khi hạnh phúc chỉ thoáng qua như là bông hoa sữa trắng ngần gió thổi bay ngang mi mắt trong chiều hè, làm ta tặc lưỡi tiếc mà ngoái đầu nhìn vì đã không bắt giữ được khoảnh khắc đó lâu hơn.
Nhưng nếu được quay trở lại để thay đổi mọi việc, chúng ta liệu sẽ hạnh phúc hơn hiện tại chứ?
Chúng ta dường như đã trang bị quá nhiều cho mình để được hạnh phúc. Hạnh phúc vốn không phải là những ông vua bà chúa kiêu kỳ cần chuẩn bị nhiều lễ nghi nghênh đón phức tạp. Hãy thử một lần say đắm với những niềm hạnh phúc ban sơ. Là như bị điện giật khi đứa mình thích thầm gọi tên mình nghe sao mà ấm áp. Là khi nó chỉ đơn giản như cái cảm giác sung sướng vô vàn nhìn chén cơm trong tay mà tấm tắc rằng người Việt ăn cơm một ngày đến ba lần nhưng không mập. Đừng cố gọi tên hạnh phúc bằng những khái niệm, hãy cứ để bông hoa hiền lành nở bên triền đời.
Có những con người đặt chân lên chuyến hành trình dài với túi hành trang chẳng có cọng cỏ, nắm đất hay những luyến lưu nào, họ đến với cuộc đời này chỉ để hiểu, để được yêu và hạnh phúc.
Tôi có một thói quen đó là mỗi khi đi đến một nơi nào đó xa xôi, tôi sẽ nhìn vào biển số xe của người đi đường. Tôi kiếm tìm con số 61 để nhận đồng hương đơn phương ở một nơi mà 61 hầu như chỉ được biết đến như là cô gái làng chơi hoặc cả nể lắm thì là một số nguyên tố.
Tôi sẽ không quen với việc kĩ năng luồn lách trong làn sóng kẹt xe của mình bị thui chột vì đã ở trong vùng an toàn quá lâu không có dịp dùng đến. Hẳn là đường Điện Biên Phủ và những thị dân đã đồng hành cùng tôi trong biển người chật như nêm năm nào sẽ “bo xì” tôi mãi mãi.
Hay cái hương thuốc Bắc mà dù tôi có mua cả một bao to bự về mà ngửi lấy ngửi để cũng không thể nào sánh được với mùi của những con hẻm nhỏ mỗi khi tôi đi ngang khu Hải Thượng Lãn Ông.
Tôi sẽ không quen với việc sáng thức dậy mà không còn thấy đám mèo hoang tụ tập trên nóc nhà và không còn được ăn món trứng chiên cà mẹ làm như mới ngày hôm qua.
Cũng chẳng biết tìm đâu để nghe được tiếng í ới gọi nhau “Em gì ơi…” xao xuyến lòng đến thế hay câu chửi thề buột miệng đáng yêu đến độ chẳng ai nỡ giận… Là những ngày giáp Tết dọn dẹp đến đờ người, lặt lá mai và biết mình lại lớn hơn một tuổi.
Rồi nếu có đi đến những dòng sau cuối này, và mọi người bảo rằng tôi nhạt nhẽo, hay thậm chí là tôi…điên vì những điều trên đây chẳng có gì to tát hay đặc biệt, tôi vẫn cảm thấy mình hạnh phúc. Vì biết rằng có những đặc ân mà cuộc đời này chỉ ban phát cho riêng mình.
Chừng nào còn được sống trong những điều đó, tôi thấy mình vẫn còn hạnh phúc.
Việt Nam có dẫn đầu trên bảng xếp hạng về quốc gia hạnh phúc hay ở bất kỳ vị trí nào thì thứ hạng đó cũng không làm cho sự bất hạnh của chúng ta lay chuyển hoặc sự hạnh phúc lên ngôi, so với những người còn lại. Hãy như một đứa trẻ trăm vạn lần vẫn hồn nhiên đón nhận món quà của mình. Việc cân đo hay so sánh với người khác chỉ sớm hóa cảm xúc của chúng ta thành một món hàng. Và khi hạnh phúc được đổi chác một cách dễ dàng, con người ta cũng sẽ dần méo mó.
Hạnh phúc chuẩn Việt trong tôi đong đầy sự hàm ơn từ cuộc đời và cả những chân thành đã đi qua để tôi biết rằng còn nhiều câu chuyện sẽ được kể tiếp trên mảnh đất này. Và sớm thôi, bạn sẽ nhận ra trong từng hơi thở cũng có mùi hân hoan lan tỏa. Mùi của những người Việt hạnh phúc.
Lâm Gia Vĩ