(FTUNEWS) – Du lịch hay phượt không còn là những cụm từ quá xa lạ trong “từ điển sống” của hầu hết các bạn trẻ ngày nay. Tuy nhiên, không ít lần, người ta cảm thấy bức xúc khi nhìn thấy hình ảnh xấu xí của thiên nhiên hay các địa điểm du lịch… Thích hay đam mê “sự dịch chuyển” nhưng liệu chúng ta có biết yêu những mảnh đất mà mình đặt chân đến, liệu mỗi cá nhân đã “văn hóa” khi du lịch?
- Hiệu ứng khung: Làm sao để “yêu từ cái nhìn đầu tiên”?
- Thương hiệu Việt: Gia tài bị bỏ ngỏ
- Ngoại thương: mười lăm lần nữa
Du lịch ngày nay: “Thích thì nhích”
Đã qua rồi cái thời mà người ta phải lên lịch vài tháng cho một chuyến đi hay phụ thuộc vào các tour du lịch có sẵn hướng dẫn viên. Ngày nay, chỉ cần dò tìm bản đồ, sắp xếp lại lịch trình cá nhân và chiếc xe gắn máy, trong vòng đôi ba ngày thôi chúng ta đã có thể “xách ba lô” lên và đi. Du lịch, giờ không còn là điều gì quá xa xỉ, cũng chẳng cần quá nhiều tiền, người ta mới sẵn sàng cho một chuyến đi. Chưa thời đại nào “du lịch” lại đơn giản đến vậy, nhưng cũng vì sự dễ dàng ấy mà con người “quên” đi những chuẩn mực ứng xử công cộng chăng?
Đằng sau mỗi chuyến đi
Tôi không cố đánh đồng hay phóng đại trường hợp của một vài cá nhân, tập thể nào cả, tuy nhiên có thể nhìn nhận được rằng, “văn hóa” phượt, du lịch đang khiến nhiều địa phương, hay địa điểm du lịch xuống cấp. Đơn cử đối với Đà Lạt, những năm gần đây đều phải “chịu trận” từ ý thức của khách du lịch. Tết Nguyên Đán 2017 vừa qua, sự kiện cặp đôi phun sơn lên quảng trường Lâm Viên để thể hiện tình yêu đã trở thành điểm nóng của sự phẫn nộ dư luận. Chưa hết bàng hoàng thì người ta lại chứng kiến những hình ảnh của rác thải, bao bì ni lông tràn ngập khắp nơi vì Đà Lạt tiếp nhận một lượng khách du lịch không nhỏ trong những ngày này. Sáng ngày 5/3/2017, không ít người lại ngán ngẩm với cảnh các “phượt thủ” bẻ, phá hoa mai anh đào tại Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm Đà Lạt. Hay sự kiện người người đổ về xem hoa Tam giác mạch ở Hà Giang, khiến hoa bị gãy cành, dập nát,…
Khao khát trải nghiệm hay khám phá những miền đất lạ, đó là ước mong chính đáng và đáng được ủng hộ của mỗi một con người. Tuy nhiên, đằng sau những chuyến đi cùng với các tấm hình sống ảo ngàn “like”, là cảnh không ít nơi ngập ngụa trong rác, hay sự hoang tàn do những du khách thiếu văn hóa để lại. Tôi tin sẽ có lúc, chính những vị khách ấy phàn nàn vì nơi họ thăm thú không như những hình ảnh trên mạng. Nhưng liệu mấy ai trong số đó nhận ra, khung cảnh kém đẹp mà họ đang phải tận hưởng kia cũng được “xây” nên từ vài vị khách thiếu ý thức như họ. Mỗi chúng ta đều muốn được thư giãn trong môi trường trong lành, sạch đẹp, tuy nhiên cái đẹp không tự nhiên mà có, mà chúng cần được gìn giữ và bảo tồn.
Muốn đẹp phải “dẹp” ý thức
Tôi nhớ tới ốc đảo Singapore, nơi mà dân chúng vẫn tự hào về sự sạch sẽ và trong lành. Ở đó, mọi hành vi ứng xử nơi công cộng đều được thực hiện bằng một ý thức văn minh đúng mực. Thiết nghĩ, nếu muốn bảo vệ những vẻ đẹp của địa danh cũng như vẻ đẹp về ứng xử của người Việt, cần có những biện pháp nghiêm khắc hơn. Đặc biệt, khi mà những hình ảnh người thật việc thật được đưa lên báo mạng hằng ngày, vẫn chưa thể đánh động được ý thức, danh dự của nhiều người. Dẫu có đổ tiền bạc và công sức vào xây dựng, quảng bá cho du lịch quốc gia, nhưng nếu ý thức con người vẫn chưa nhỉnh khỏi vạch “0” thì những cố gắng kia vẫn chỉ là “tạm bợ”. Có bao giờ người Việt tự hỏi, đất nước bạn văn minh, còn tại sao chúng ta lại chưa thể?
Chúng ta bước ra thế giới, “đi” để thấu những giá trị mới của tri thức nhân loại, đừng để bản thân xấu đi bởi những hành vi không đẹp!
Bài viết: Chu
Ảnh: Internet